Cô giáo dạy Toán và nụ cười tỏa sáng

Thứ Năm, 31/12/2015, 09:50
Nguyễn Thị Minh Tâm là một nữ giáo viên kém may mắn, cô bị xe tải cán mất một bên chân, nhưng đã vượt qua trở ngại để trở thành giáo viên dạy giỏi. Tham gia cuộc thi "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết", Minh Tâm mong được giao lưu và chứng tỏ những khả năng mà người khuyết tật làm được.

“Em có bao giờ oán trách số phận?”. “Có, nhưng đã qua rồi, giờ em rất tự tin”. “Vậy em ao ước điều gì nhất?”. “Lúc này em chỉ mong mẹ khỏe, em khỏe để có thể dạy học tốt hơn, và hoàn thành việc học cao học…”. Buổi nói chuyện giữa tôi và Tâm diễn ra sôi nổi như thế. Khuôn mặt cô luôn rạng ngời, như chưa từng gặp tai họa.

Chiều Hà Nội lãng đãng gió đông. Cô giáo sinh năm 1986 Nguyễn Thị Minh Tâm đưa tôi ngược trở về thủa ấu thơ của cô và những ước mơ của một cô bé nhiều hoài bão. Mồ côi cha từ nhỏ, ba mẹ con Tâm sống nương tựa vào nhau, bao nhiêu ước mơ của cô gần như vụt tắt. Thế rồi, nhờ tình yêu và nghị lực của bà Nguyễn Thị Bảy, ước mơ của cô vốn âm ỉ lại bùng lên. 

"Em phải vịn vào con chữ. Đi học và trở thành cô giáo là ước mơ lớn nhất. Bao nhiêu công sức, mẹ đã nuôi em thành người", nhắc đến mẹ, giọng Minh Tâm nghẹn lại.

Minh Tâm trong bài thi múa sen.

Khó khăn lùi xa, bà Nguyễn Thị Bảy trồng cây, rồi cũng đến ngày được hái quả. Cô con gái học hành giỏi giang đã tốt nghiệp Đại học Đồng Tháp, ngành toán. Năm 2008 cô về Trường THPT Tân Thành, huyện biên giới Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp công tác. Chị gái Tâm lấy chồng về Bình Dương từ nhiều năm trước. Nhà chỉ còn hai mẹ con, nay cô rời thành phố Cao Lãnh, sống cảnh xa mẹ, Tâm nhủ lòng vững vàng để làm mẹ vui. Thế rồi, chỉ một năm sau, tai họa giáng xuống.

Tâm kể lại rằng, một ngày cuối tháng 8-2009, trên đường đi vận động học sinh, cô đã bị chiếc xe chở vật liệu xây dựng cán nát bên chân trái. "Không nỗi đau nào tả xiết. Em cứ lúc tỉnh lúc ngất và biết là mình sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ một bên chân. Lúc đó em thật sự rất sốc. Em đang là giáo viên, đứng trên bục giảng, mất một chân thì phải làm sao", Tâm hồi tưởng.

Mẹ thương nhiều hơn, bè bạn và người thân giúp đỡ cô định thần lại. Nhìn vào khuôn mặt dạn dày sương gió của mẹ, Tâm nhủ lòng đừng để mẹ buồn hơn. "Mẹ thương em. Nay em bị thế này, đêm đêm mẹ giấu em, ngồi khóc một mình. Em cũng là niềm tự hào của mẹ mà, vậy thì phải gắng gỏi, để mẹ đừng khóc nữa, phải không anh?", Tâm thủ thỉ. Sau hơn bốn tháng điều trị, sức khỏe Tâm dần ổn định, cô đã tìm về TP Hồ Chí Minh để mua một bên chân giả để tiện đi lại, sinh hoạt. Thời gian này, cô cũng được tiếp dục dạy học.

Lúc này, chính các em học sinh giàu tình cảm, ngộ nghĩnh là nguồn động viên lớn của cô giáo trẻ. Dù cô đã được mang một bên chân giả, nhưng đi lại còn gượng gạo, phải chống gậy, có lúc vịn vào vai học trò để lên lớp. Nỗi đau nguôi dần khi cô tiếp tục dồn tâm huyết dạy học cho các em học sinh vùng khó. Thương cô giáo, các em chăm chỉ học tập tốt hơn.

Tâm hồi tưởng: "Em cũng tìm xem các chương trình về người khuyết tật trên tivi, đọc báo và bắt gặp nhiều số phận khổ hơn em, nhưng họ vẫn vươn lên, sống tốt, không chấp nhận số phận. Và em nghĩ rằng, đó là thử thách của cuộc sống. Đứng lên hay chấp nhận nằm im đó là tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người".

Nghị lực của Tâm khiến lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo Đồng Tháp, Trường THPT Tân Thành cảm động và đã tạo điều kiện cho cô chuyển về Trường THPT Thiên Hộ Dương, TP. Cao Lãnh để công tác. Vậy là hai mẹ con cô lại được gần nhau.

Trong môi trường mới, Minh Tâm xin được đứng lớp chứ không chỉ làm việc ở bộ phận hành chính. Bởi trong thâm tâm, lúc nào cô cũng muốn gần gũi học trò. Nhà trường bố trí cho cô dạy toán lớn 10 và 11.  Nhờ những nỗ lực trong giảng dạy mà cô luôn đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cùng nhiều danh hiệu khác như Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Giấy khen về thành tích bồi dưỡng học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh.

Không dừng lại ở đó, tháng 8-2014 cô thi đỗ cao học chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Toán. Bây giờ, Tâm đã có đầy đủ bản lĩnh, tự tin hơn khi đứng trên bục giảng. Tâm nói, ngoài công việc ở trường, tại nhà, cô cũng nhận phụ đạo miễn phí cho nhiều học sinh yếu, kém và còn tham gia công tác xã hội, là trao những suất cơm miễn phí cho bà con bị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp. Ngoài ra cô có dự định mở rộng nhóm thiện nguyện, giúp đỡ, chia sẻ nhiều hơn với những hoàn cảnh kém may mắn.

Là cô gái năng động, qua thông tin từ bạn bè, Minh Tâm biết đến cuộc thi “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết”, được tổ chức dành riêng cho những cô gái khuyết tật trong cả nước. Cô đã lọt vào top 10, có mặt trong đêm chung kết diễn ra tại Hà Nội. Tâm chia sẻ: "Em đến với cuộc thi không vì để mình tỏa sáng mà em muốn truyền niềm tin, hy vọng cho các bạn có số phận kém may mắn vì bị khuyết tật. Em tin rằng, mỗi một người khuyết tật dù có những khiếm khuyết nhất định về cơ thể nhưng chỉ cần không ngừng nỗ lực cố gắng sẽ tìm thấy hạnh phúc"...

Nụ cười Tâm luôn tỏa sáng trong những ngày ra Hà Nội. Gần đến ngày thi, cô cật lực tập luyện bài “Múa sen”. Đêm chung kết, với sự uyển chuyển, cô đã hoàn thành tốt bài thi. Sen là loài hoa đặc trưng của Đồng Tháp, và cô muốn đưa đến hình ảnh đẹp của quê hương mình ra Hà Nội quảng bá với các bạn bè. Đồng thời, qua bài múa, cô muốn chứng tỏ người khuyết tật có thể làm được nhiều việc mà người bình thường đã làm.

Dù con gái không được giải, nhưng bà Bảy vẫn rất tự hào. Bà cho biết, Tâm là động lực sống, là điểm tựa của bà. Chỉ cần tham gia, lọt vào top 10, được ra Hà Nội đã là vui rồi. "Em đã góp được tiếng nói của cộng đồng người khuyết tật, nhằm xóa đi những định kiến, miệt thị trong xã hội. Đồng thời đây là cơ hội để người khuyết tật cất tiếng nói tự tin trong dòng chảy cuộc đời", Minh Tâm chia sẻ.

Dương Khánh Thảo
.
.
.