Bi thương một kiếp cầm ca

Chủ Nhật, 15/11/2015, 10:00
Ánh hào quang sân khấu ngắn chẳng tày gang, kiếp cầm ca xô đẩy bà ngoi lên ngụp xuống, bầm dập tả tơi. Nhan sắc lầm lũi bám lấy cuộc đời, kéo đổ hai cuộc tình đau thương và bi đát. Cuối đời, bà sống giữa hoang hoải cô đơn, bán vé số kiếm tiền nuôi con và gồng gánh bệnh tật.
Hào quang ngắn chẳng tày gang

Tổ ấm 10m² nằm khiêm tốn bên con đường đất đỏ thuộc xã Tương Bình Hiệp (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) là tất cả những gì còn lại cuối đời của nữ nghệ sĩ cải lương nức tiếng Phạm Thị Bích Thủy. Ngồi thất thểu trước cửa căn nhà gió lùa cửa trước thốc ra cửa sau, bà chỉ vào "khối'' tài sản có giá trị nhất là chiếc ghế salon vải bọc đã tưa chỉ te tua, chiếc tủ gỗ đựng toàn giấy tờ bệnh án, yếu ớt nói: "Tôi mới đi bán vé số về nên nhà còn bừa bộn lắm, lát nữa thằng cu đi học về nó phụ tôi".

Bà bây giờ, thân xác tiều tụy, tóc bạc gần trắng, dù tuổi mới ngoài 50. Khán giả sẽ không nhận ra một giọng ca vọng cổ cao vút, ngân dài, lặn trong dáng hình thon thả, nước da trắng hồng, khuôn mặt đầy đặn của Nguyễn Thị Bích Thủy ngày nào nữa. Nhắc đến thưở "huy hoàng" một thời trên sân khấu, bà ôm mặt khóc nức nở. Có một sự tiếc nuối, hoài vọng khôn cùng.

Năm 13 tuổi, Bích Thủy lọt vào mắt xanh của một trưởng đoàn hát rong. Bà tha thẩn đứng chết chân nghe những nghệ sĩ hát rong biểu diễn tại sân bóng gần nhà. Chỉ chờ cho trưởng đoàn ngỏ lời, Bích Thủy gật đầu ngay.

Nghệ sĩ Bích Thủy thời còn đi hát.

Bà chính thức đi theo con đường nghệ thuật từ những năm 1980. Với nghệ danh Mỹ Lệ, bà từng được xem là bông hồng của nghệ thuật cải lương tại các sân khấu phòng trà TP Hồ Chí Minh. Mỹ Lệ được ông trời phú cho giọng ca  khỏe khoắn, thánh thót và trong sáng. Các phòng trà lớn tranh nhau đặt lịch mời nghệ sĩ Mỹ Lệ về hát. Và khán giả đến nghe cũng chỉ yêu cầu mỗi Mỹ Lệ hát mà thôi.

Trên sân khấu, Mỹ Lệ được thỏa sức thể hiện niềm đam mê nghệ thuật với những vở tuồng, cải lương nổi tiếng như: Gió hờn chinh chiến, Tô Ánh Nguyệt... Bà "cháy" hết mình vào những ca từ sâu thẳm, những làn điệu cải lương trầm buồn như chính cuộc đời bà. Một năm sau, bà là thành viên chính thức trong đoàn văn nghệ của tỉnh Bình Dương, mảnh đất màu mỡ cho tài năng của Bích Thủy vụt lên. Nhưng kiếp cầm ca thời ấy không nuôi nổi khát vọng bay xa theo con đường nghệ thuật của Bích Thủy, bà phải chật vật sống trong cảnh no một ngày đói một ngày.

Thấy đứa con gái còm cõi, ngày ngày gân cổ gào thét trên sân khấu mà chẳng đủ cơm ăn ba bữa, một người bạn của cha bà từ Vĩnh Long lên nhận về làm con nuôi. Từ ngày có gia đình mới, Bích Thủy không có cơ hội tham gia ca hát nữa. Từ giã ánh đèn sân khấu, bà khoác trên mình chiếc áo công nhân may mặc. 20 tuổi, cha mẹ nuôi "chấm" được một anh chàng kỹ sư dầu khí ở TP Hồ Chí Minh thường xuyên ghé Vĩnh Long thăm gia đình bà.

Không yêu, không có tình cảm nhưng để không làm buồn lòng cha mẹ nuôi, Bích Thủy đã gật đầu. Chồng đi biền biệt, lấy nhau hai năm nhưng thời gian ở gần nhau đếm chưa hết đầu ngón tay, Bích Thủy ngậm ngùi làm nàng dâu vọng phu. Tối ngày bù đầu với cám lợn, với chợ búa, ấm trà, Bích Thủy không còn cảm giác nhớ chồng nữa. Bà thừa nhận như vậy, bởi đó là kết quả của cuộc hôn nhân không tình yêu.

Cha mẹ chồng muốn có một đứa cháu nối dõi nên hối thúc bà đi thăm chồng. Bà lặng lẽ gật đầu. Những chuyến đi và về đường xá xa xôi khiến bà phờ phạc, nhưng có chút gì đó hy vọng nhen nhóm trong lòng. Trong một lần vì muốn tạo sự bất ngờ cho chồng nên bà không thông báo.

Đến nơi, bà đau đớn phát hiện chồng đang tay ôm tay ấp với người phụ nữ khác. Khóc hết nước mắt cũng không ai thấu hiểu cho nàng dâu, bà viết đơn li dị mong thoát khỏi cuộc hôn nhân cay đắng này. Phiên tòa kết thúc, bà lang thang tìm một nơi chốn để đi, mệt quá bà đổ gục xuống đường lúc nào không hay. Bà tỉnh dậy nhìn thấy nụ cười tủm tỉm của bác sĩ: "Chúc mừng chị đã có thai''.

Mang theo nỗi tủi hờn ê chề, bà trở về quê cha mẹ ở Bình Dương chờ ngày sinh con. "Vượt cạn" trong nỗi thương tổn về tinh thần, trong sự kỳ thị của xóm giềng, bấy nhiêu đó bà đều cắn răng vượt qua. Nhưng sóng gió không dừng lại ở đó. Cái ngày gia đình chồng cũ hay tin bà sinh được con đã kéo quân lên bắt đứa bé về nuôi, bà đã không gượng dậy nổi, không thể vượt qua sự chia ly tình mẫu tử này. Bà quỳ lạy, van xin, cầu khẩn nhưng không "cướp" lại được đứa con. Một thời gian dài bà như người điên, bơ phờ, hốc hác gọi tên con. Rồi mỗi đêm, bà ra bờ ao hát những bài cải lương não nề, sầu thảm. Nay đứa con gái đã lấy chồng, hạnh phúc của con khiến bà nhẹ lòng, nỗi nhớ vơi bớt phần nào trong lòng người mẹ đáng thương này.

Cuộc đời bi thảm hơn kiếp cầm ca

Ở cái tuổi tròn trịa và đẹp nhất đời người thì bà phải gánh trên vai nỗi đau khổ tột cùng sau cuộc hôn nhân đổ vỡ. Chính trong lúc tuyệt vọng, niềm đam mê ca hát đã vực bà dậy. Mắt bâng khuâng nhìn ra cánh đồng cỏ hoang trước nhà, bà nhớ lại: "Biết tin tôi về, mấy anh chị trong đoàn nghệ thuật của tỉnh tìm đến và ngỏ ý mời tôi đi diễn. Tôi đồng ý, về sau đi học thêm chút kiến thức âm nhạc và nhờ người quen giới thiệu, tôi đi hát phòng trà. Dần dần, nhờ giọng hát được nhiều người yêu thích, tôi nhanh chóng chuyển sang hát ở các phòng trà nghệ sĩ nổi tiếng".

Cuối đời, bà vẫn đau đáu với nghiệp cầm ca.

"Gái một con trông mòn con mắt", nhan sắc của bà ngày càng mặn mòi khi lấy lại được tinh thần. Nhiều gã đàn ông điêu đứng, ngả nghiêng vì bà. Nhưng bà lại rất sợ, quá khứ hôm qua vẫn như vết thương chưa lành sẹo. Suốt 10 năm hoạt động nghệ thuật, tiếp xúc đủ thành phần xã hội, đàn ông giàu sang, tốt bụng đều có cả nhưng trái tim bà vẫn chẳng thể mở lối đón nhận ai. Dành dụm được một khoản tiền nhỏ, bà quay về Bình Dương mở một quán ăn nghệ sĩ ở xã Tương Bình Hiệp.

Nhờ tay nghề nấu ăn của bà nên khách kéo về nườm nượp. Ai có nhu cầu nghe hát, bà chủ sẵn lòng gửi tặng một bài cải lương mượt mà, đằm thắm. Mê mẩn bà chủ quán ăn kiêm ca sĩ cải lương, một anh tài xế taxi ở TP Hồ Chí Minh lúc nào cũng có mặt ở quán của bà để đàm đạo nghệ thuật. Đôi khi anh này chạy 50 cây số giữa đêm tối xuống Bình Dương chỉ để nghe một câu vọng cổ và hát lại cho bà nghe một làn điệu mà anh mới học thuộc. Đồng cảm và đam mê nghệ thuật, họ bước vào đời nhau từ lúc nào không biết.

Người đàn ông này thuận tình về Bình Dương sống với bà trong cảnh "già nhân ngãi, non vợ chồng". Mỗi ngày, cả hai phụ giúp nhau trông coi quán ăn Nghệ sĩ. Cuộc sống "vợ chồng" là điều tất yếu dẫn đến cái thai trong bụng bà. Biết tin có con, bà thoáng buồn, vì hai người chưa đăng ký kết hôn, nhưng niềm hạnh phúc sắp được làm mẹ đã đánh tan mọi suy nghĩ trong đầu bà.

Căn nhà tình thương của hai mẹ con người nghệ sĩ bệnh tật.

Bà hạ sinh một bé trai kháu khỉnh. Bà lâng lâng trong niềm hạnh phúc mà bỏ qua triệu chứng rong kinh nhiều tháng trời. Đến lúc không thể chịu được nữa, bà đi bệnh viện kiểm tra mới ngất lịm khi cầm tờ kết quả: Ung thư cổ tử cung. Tai ương giáng xuống đầu người đàn bà nghệ sĩ này khi đứa con còn đỏ hỏn và chồng hờ cũng chỉ lui tới vài lần cho phải đạo rồi bỏ của chạy lấy người.

Tiền tài, quán xá bà cầm cố rồi bán lấy tiền chữa bệnh và mua sữa cho con. Những ngày không vào xạ trị hóa chất, bà địu con đi bán vé số. Giọng ca vọng cổ nức tiếng năm xưa nay không còn đủ sức để hát, cuộc đời bà còn bi thảm hơn cả kiếp cầm ca. Ung thư di căn sang tiểu đường, cột sống khiến bà gầy rộc đi, chỉ còn trơ bộ xương. Đứa con đến tuổi đi học, gánh nặng ngày càng đè lên vai nặng trĩu.

Đài Truyền hình HTV9 đã làm một chương trình mang tên "Yêu thương cuộc sống" nói về cuộc đời sau cánh gà của giới nghệ sĩ đang từng ngày chống chọi với bệnh tật. Bà là một trong số những nghệ sĩ được mời tham gia. Câu chuyện bà kể ra đã lấy biết bao nước mắt người xem, đặc biệt trong giới nghệ sĩ. Họ góp tiền dựng cho mẹ con bà căn nhà tình thương, để mưa gió không "lộng hành" vào tận chỗ ngủ nữa. Từ ngày có nhà xây, mẹ con bà quạnh quẽ ôm ấp nhau, nhưng căn nhà ấy lúc nào cũng nước mắt nhiều hơn nụ cười.

Chia tay chúng tôi, bà cố ngân lên một câu vọng cổ nhưng bị nghẹn nơi cổ họng, còn chút hơi sức cuối cùng, bà òa lên thành tiếng khóc.

Ngọc Thiện
.
.
.