Với tên lửa Alabuga, Nga sẽ biến hệ thống radar kẻ thù thành phế thải

Thứ Năm, 28/09/2017, 19:11
Nga đã phát triển nhiều loại vũ khí phát sóng vô tuyến cực mạnh có thể phá hủy tất các thiết bị điện tử của đối phương từ khoảng cách xa.

Đây là thông tin được Phó giám đốc Công ty Công nghệ Vô tuyến - Điện tử Nga (KRET) cho biết khi trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Sputnik vào ngày 28-9. Trước đó truyền thông Nga từng cho biết về một loại vũ khí tấn sử dụng sóng vô tuyến mới của nước này là tên lửa Alabuga.

Theo đó tên lửa Alabuga có thể tạo ra các xung nhịp cực mạnh ở tần số UHF có thể biến mọi thiết bị điện tử (trạm radar, đài truyền hình, trung tâm thông tin...) trong khoảng cách 3.500m thành đống "phế liệu".

Nga đang có những bước tiến trong lĩnh vực vũ khí điện từ.

Cố vấn cao cấp của KRET ông Vladimir Mikheev cho biết Alabuga là viết tắt của một loạt các nghiên cứu khoa học được phát triển trong lĩnh vực vô tuyến điện tử. Theo ông Vladimir Mikheev, khi vũ khí này được kích hoạt nó sẽ phá hủy các mạch điện tử, làm ngưng hoạt động hệ thống thông tin...

Đồng thời vị chuyên gia Nga cho biết kinh nghiệm thu được từ việc phát triển tên lửa Alabuga có thể được sử dụng để phát triển các loại vũ khí khác như đạn pháo, bom, tên lửa... có tính năng tương đương. "Tất cả các cường quốc trên thế giới đều đang phát triển loại vũ khí này", ông Vladimir Mikheev tuyên bố.

Nếu thông tin về tên lửa Alabuga được xác nhận thì đây có thể là vũ khí điện từ mới nhất của Nga. Từ thời Liên Xô các nghiên cứu về vũ khí điện từ đã được tiến hành và thu được không ít thành quả.

Mỹ cũng phát triển loại vũ khí tương tự được gọi là bom E. Một quả bom E khi phát nổ sẽ tạo ra xung điện từ cực mạnh phá hủy hoàn toàn các thiết bị điện tử trong một phạm vi nhất định.

Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần 1 năm 1991, Hải quân Mỹ từng sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk mang đầu đạn là bom E phóng vào lãnh thổ Iraq nhằm vô hiệu hóa các trạm radar và đài phát thanh của quốc gia Trung Đông này.

Hậu Nghệ
.
.
.