Siêu chiến đấu cơ Su-47 “chết yểu” của Nga bất ngờ lộ diện, dấy lên nhiều đồn đoán

Thứ Tư, 28/08/2019, 09:31
Có thiết kế cánh ngược độc đáo, độ cơ động siêu việt cùng khả năng tác chiến tuyệt vời, tiêm kích Su-47 "berkut" của Nga vẫn "chết yểu" khi không được sản xuất hàng loạt do chi phí đắt đỏ và yêu cầu kỹ thuật cao.

Nga ngày 27-8 khai mạc triển lãm hàng không quốc tế MAKS 2019 ở ngoại ô Moscow với sự góp mặt của 800 công ty hàng không từ khắp nơi trên thế giới. Đây cũng là dịp để Nga phô diễn những sản phẩm hàng không mới nhất hoặc các dự án quân sự, dân sự sắp được triển khai trong tương lai. 

Su-47 được kéo từ đường băng đến khu trưng bày ở MAKS 2019. Ảnh: ITN

Đáng chú ý, triển lãm lần này bất ngờ có sự xuất hiện của máy bay Su-47 "berkut"  mẫu chiến đấu cơ được coi là độc đáo nhất thế giới do Liên Xô chế tạo nhưng lại không được sản xuất hàng loạt. Các chuyên gia cho rằng việc Moscow đưa Su-47 tới triển lãm có thể là dấu hiệu cho thấy người Nga muốn tái khởi động dự án này.

Là một siêu cường quân sự với nhiều dự án vũ khí tham vọng, Liên Xô từng sở hữu nhiều nguyên mẫu máy bay chiến đấu vô cùng độc đáo và ưu việt. Tuy nhiên, không phải mẫu nào cũng có thể sải cánh bay khắp thế giới, Su-47 là một trong số đó.

Su-47 trong một lần bay biểu diễn. Ảnh: Sukhoi

Theo Aviations Militaires, ý tưởng của Su-47 bắt nguồn từ việc Liên Xô thu giữ một nguyên mẫu máy bay ném bom cánh ngược có tên Ju-287 của phát xít Đức vào giai đoạn cuối của Thế chiến II. Mẫu máy bay này đã khiến những kỹ sư Liên Xô tính tới việc thiết kế một loại tiêm kích có đôi cách “dị”.

Năm 1983, lãnh đạo Liên Xô quyết định khởi động dự án tiêm kích cánh ngược và giao chương trình này cho trung tâm nghiên cứu hàng không OKB Sukhoi.

Theo tính toán của chuyên gia Liên Xô, so với cánh xuôi truyền thống, thiết kế cánh ngược mang lại ưu thế về lực nâng, khả năng cơ động cao ở tốc độ thấp, cũng như giảm độ dài cất hạ cánh – đây chính là những yếu tố giúp lực lượng không quân chiếm ưu thế tuyệt đối trong các pha không chiến tầm gần.


Xem Su-47 thể hiện khả năng không chiến ưu việt. Video: NKSRussia

Mặc dù vậy, chỉ vài năm sau khi dự án được khởi động, Liên Xô lại rơi vào giai đoạn tan rã khiến ngân sách cho dự án này bị cắt hoàn toàn. Nhận thấy những ưu việt của loại chiến đấu cơ này, OKB Sukhoi quyết tâm dùng ngân sách riêng để tiếp tục phát triển mẫu tiêm kích Su-47.

Tới tháng 9-1997, phiên bản thử nghiệm mang định danh S-37 thực hiện chuyến bay đầu tiên. Năm 2002, không quân Nga quyết định đổi tên mẫu máy bay này thành Su-47 Berkut (Đại bàng vàng).

Su-47 sử dụng vật liệu composite được xử lý kỹ để chống hiện tượng momen xoắn nhằm triệt tiêu yếu điểm về phân bổ lực nâng trên cánh, trong khi vẫn cho phép cánh giữ những tính năng khí động học ưu việt.

Su-47 sử dụng vật liệu composite siêu bền và thiết kế cánh cụp, cánh xòe. Ảnh: ITN

Tuy nhiên, dù có tới 90% thành phần làm từ vật liệu composite, cánh của Su-47 vẫn tiềm ẩn nguy cơ gãy rời khỏi thân nếu bay với tốc độ quá cao. Bên cạnh đó, cặp động cơ D-30F11 không đủ mạnh để chiếc Su-47 có khả năng siêu hành trình.

Giới hạn công nghệ và giá thành đắt đỏ trong bối cảnh nền kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn khiến Su-47 không được sản xuất hàng loạt, biến nó thành một trong những mẫu máy bay “chết yểu” khiến người Nga tiếc nuối nhất.

Đến nay, OKB Sukhoi vẫn sử dụng nguyên mẫu duy nhất để thử nghiệm các công nghệ hiện đại, sau đó triển khai những công nghệ này trên dự án máy bay tàng hình PAK-FA, tức siêu tiêm kích thế hệ 5 Su-57.

Các chuyên gia cho rằng, với công nghệ được cải tiến liên tục, Nga ngày nay có cơ sở để tái khởi động dự án Su-47. Nếu được ứng dụng công nghệ tàng hình, Su-47 có thể sẽ tạo ra một cuộc chạy đua mới trong lĩnh vực tiêm kích chiến đấu.

Thiện Minh
.
.
.