S-400 và THAAD: Kẻ tám lạng, người nửa cân

Thứ Bảy, 30/12/2017, 08:39
Hai hệ thống phòng thủ tên lửa tập trung những công nghệ đỉnh cao nhất của hai cường quốc kỹ thuật quân sự hàng đầu thế giới. Mỗi hệ thống đều có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau.

Việc "đại gia dầu mỏ"  Saudi Arabia mong muốn tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa của mình sau vụ các chiến binh Yemen nã tên lửa vào cung điện hoàng gia Al-Yamam khiến cho nhiều chuyên gia kỹ thuật đặt cả S-400 và THAAD lên bàn cân.

Chọn cái nào, chuyên nghiệp hay đa năng?

THAAD  (Terminal High Altitude Area Defense) - Hệ thống phòng thủ tầm cao được tạo ra nhằm mục đích tiêu diệt các mối đe dọa từ tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Trong khi S-400 lại là một hệ thống đa năng được thiết kế cho mục đích tiêu diệt máy bay chiến đấu, trực thăng, và các phương tiện không người lái khác, tức là S-400 có khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo nhưng không phải chuyên biệt cho lĩnh vực này.

Mỗi xe phóng mang được 8 tên lửa THAAD.

Điều này giống như loại máy bay F-15 của Mỹ nếu như phiên bản F-15E Strike Eagle được định nghĩa là đa năng tức là có khả năng đối không lẫn đối đất nhưng nếu xét về khả năng không chiến nó không thể sánh được với đàn anh F-15C hay F-15A vốn được tạo ra để làm chủ bầu trời.

Về tầm bắn thì THAAD hoàn toàn thua S-400 với chỉ vỏn vẹn 200km so với 400km của đối thủ Nga. Nhưng tên lửa THAAD có thể tiêu diệt mục tiêu ở độ cao 150km (có tài liệu nói là 200km) trong khi loại tên lửa mạnh nhất của hệ thống S-400 là 40N6E không thể hoạt động trên độ cao vượt quá 30km.

Mỗi xe phóng của S-400 chỉ mang được 4 tên lửa

S-400 có góc bắn  360 độ trong khi THAAD chỉ có 90 độ phương ngang và 60 độ phương thẳng đứng của THAAD, tức là hệ thống của Mỹ có những điểm mù nhất định mà nếu tên lửa đạn đạo của đối phương xuất hiện ở đó thì hoàn toàn bó tay. Bù lại radar cảnh giới AN / TPY-2 của THAAD có thể sục sạo mục tiêu từ khoảng cách 1.000km trong khi S-400 Triumph chỉ là 600km.

Radar của hệ thống THAAD.

Phương thức hoạt động và sự tin cậy

Ở phương diện này, S-400 sử dụng phương thức hoạt động tương tự như tiền bối S-300 bằng cách nổ các mảnh văng. Tên lửa của S-400 tiếp cận mục tiêu rồi kích nổ đầu đạn, mảnh văng và sức ép sẽ phá hủy mục tiêu.

Ngược lại THAAD lại phá hủy mục tiêu bằng động năng của tên lửa. Tên lửa THAAD sẽ va chạm với mục tiêu để tiêu diệt nó. Để làm được điều này cần một hệ thống dẫn đường vô cùng chính xác cũng như tên lửa đánh chặn phải có tốc độ cao. Cách thức hoạt động tưởng như "rất giống phim khoa học viễn tưởng" này lại đạt kết quả thành công tới 90% trong các cuộc thử nghiệm của Mỹ.

Phương thức hoạt động của hệ thống THAAD.

Cách thức hoạt động của THAAD khiến cho nó chỉ cần các tên lửa có kích thước nhỏ đồng thời vận hành cũng an toàn vì không hề có chất nổ trong đầu đạn. Ngược lại tên lửa S-400 vẫn sử dụng đầu đạn nổ yêu cầu phương pháp bảo quản và sử dụng cần có các biện pháp bảo đảm an toàn nhất định. Nhưng đây cũng là lợi thế của S-400 bởi nó không cần các hệ thống dẫn đường quá phức tạp nhất là đối với các khách hàng có trình độ khoa học không cao.

Cả THAAD và S-400 đều chưa có một lần thực chiến tức là người ta chỉ có thể  tính toán sự tin cậy của nó dựa trên các thông số và kết quả thử nghiệm. Vì vậy ở khía cạnh này có thể nói cả hai hệ thống gần như tương đương nhau.

S-400 có thể tiêu diệt mục tiêu đang bay ở vận tốc gấp 8 lần tốc độ âm thanh.

Giá cả cũng là một điều cần phải cân nhắc khi đưa hai hệ thống này lên bàn cân. Để có một hệ thống THAAD với 6 xe phóng (mỗi xe mang theo 8 tên lửa) khách hàng phải bỏ ra 2,3 tỷ USD, nếu muốn có thêm radar AN/TPY-2 thì cần 500 triệu nữa. Trong khi 8 xe phóng S-400 (mỗi xe mang 4 quả đạn) chỉ cần bỏ ra 574 triệu USD.

Một điều đáng lưu ý là cả THAAD và S-400 đều chỉ là một thành phần trong hệ thống phòng thủ đa lớp mà Mỹ và Nga đang xây dựng. Điều đó có nghĩa cả hai hệ thống này tuy rất mạnh nhưng nếu chỉ có mình chúng sẽ không thể tạo ra một lá chắn tên lửa hoàn hảo.

Hậu Nghệ (theo RIA)
.
.
.