Kỹ sư thiết kế F-16 chê F-35 siêu tốn tiền và vô dụng

Thứ Tư, 27/04/2016, 23:58
Với giá 110 triệu USD, nhưng máy bay phản lực chiến đấu F-35 vẫn trong tình trạng “không thể chấp nhận để chiến đấu” và tiêu tốn quá nhiều tiền đến nỗi một nhà lập pháp phải phàn nàn đó là một “bê bối” lớn.

Ủy ban Quân lực Mỹ “đá nhau” về chương trình F-35

Đã có những phát biểu trái ngược diễn ra trong một phiên họp Ủy ban Quân lực Thượng viện Quốc hội Mỹ vào ngày 26-4 về chương trình vũ khí trị giá 379 tỷ USD, Mỹ khẳng định không muốn thấy kế hoạch này thất bại.

 “Nếu F-35 không thành công, chúng ta sẽ bị đẩy vào một tình thế cực kỳ khó khăn”, ông J. Micheal Gilmore, giám đốc thử nghiệm vũ khí  và đánh giá hoạt động Bộ quốc phòng Mỹ phát biểu trước các thành viên Ủy ban Quân lực Thượng viện.

Vấn đề kỹ thuật chủ yếu tập trung vào cái gọi là “bộ não” của F-35 còn gọi Hệ thống Thông tin Hậu cần Tự động (ALIS), kiểm soát máy bay hoạt động, bảo dưỡng, lập kế hoạch và quản lý chuỗi cung ứng vũ khí, đạn dược. Một trong những mối lo lắng liên quan đến ALIS chính là thiếu quy trình xử lý dự phòng cho việc xử lý dữ liệu, điều đó đồng nghĩa sẽ có một thất bại thực tế đối với lực lượng máy bay chiến đấu 2.443 chiếc của Mỹ. Đặc biệt, an ninh mạng là vấn đề đáng lo nhất.

Mẫu máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ.

 “ALIS vẫn chưa phát triển và vì nó chưa thể chấp nhận chiến đấu, nên cần phải có những biện pháp khắc phục tích cực”, Gilmore cho biết. Phát biểu của ông rất quan trọng đối với chương trình F-35 và ông cũng là người chẳng mấy lạc quan về sự phát triển của ALIS.

Ông nói rõ vấn đề an ninh mạng và thử nghiệm hiện tại chưa đủ đáp ứng cho tình huống chiến đấu thực tế. Một nghiên cứu của Lầu Năm Góc có từ năm 2013 làm trì hoãn kế hoạch ALIS có thể tiêu tốn từ 10 đến 100 tỷ USD.

Tuy nhiên, Gilmore cũng chưa biết cần bao nhiêu nhân lực, nguồn vốn để phát triển chương trình máy bay chiến đấu hiện đại dự kiến sẽ được Không quân, Hải quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ cùng quân đội đồng minh sử dụng.

Trong khi đó, chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện, Thượng nghị sĩ John McCain chỉ trích sự phát triển của F-35 là một “bê bối” gây tốn kém nhiều chi phí khiến Mỹ “mất mặt” với thế giới. 

Trấn an bằng cách “khoe” công nghệ hiện đại…

Thiếu tướng Không quân Christopher Bogdan, giám đốc chương trình F-35 đã cố gắng đặt nó vào “hoàn cảnh thực tế” để trấn an.

“F-35 là kế hoạch đầu tư lâu dài để bảo vệ đất nước này. Trong 10, 20, 30 năm tới, rất cần đến khả năng của F-35 để cho phép chúng ta duy trì vị trí ‘lãnh đạo’ trên thế giới”, ông cho biết.

“Những năng lực đó bao gồm khả năng công nghệ cao, chẳng hạn thông tin liên lạc gắn trên mũ phi công trị giá 400.000 USD. Camera đặc biệt trang bị xung quanh máy bay cho phép phi công nhìn 360 độ. Cảm biến trên F-35 sẽ tương tác với những máy bay đang bay gần đó tạo nên hình ảnh chính xác hơn đối với môi trường chiến đấu khắc nghiệt, sau đó nhanh chóng được nạp vào hệ thống vi tính của máy bay”, Christopher Bogdan phân tích.

“Radar, khả năng tiếp nhận thông tin trên chiến trường và vũ khí hiện đai sẽ tạo nên sự khác biệt”, Tướng Không quân Mỹ cho biết thêm.

Kỹ sư thiết kế F-16 “dội nước lạnh” lên kế hoạch F-35

Tuy nhiên, kỹ sư tham gia thiết kế F-16, Pierre Sprey đã “dội gáo” nước lạnh lên Dogan khi chỉ rõ thậm chí F-35 có thể bị đánh bại trong Thế chiến II. Trong khi những nhà phát triển F-35 ca ngợi công nghệ tàng hình dành cho dòng chiến đấu cơ này, ông Sprey đã tìm ra “lỗ hổng lớn”

Ông phân tích: “Công nghệ tàng hình từng được quảng cáo quá trớn khi lần đầu tiên nó được phát triển theo một chương trình tiêu tốn nhiều triệu USD vào đầu những năm 1980. Họ đặt ra ý tưởng, nếu anh không có khả năng tàng hình, anh sẽ lỗi thời.

“Tàng hình có mục đích làm chệch hướng radar. Nhưng trong khi kỹ thuật này có thể chống là radar phát tần số cao, nó không thể chống lại thiết bị phát tần số thấp”, ông phân tích thêm. Kỹ sư cho rằng thậm chí radar của Quân đội Anh từng sử dụng vào năm 1940 có thể phát hiện ra F-35.

Ông chua chát nói: “Đó là kỹ nghệ chính trị, nó rất tốn kèm, không an toàn và có thể để lại hậu quả nghiêm trọng mà chưa ai có thể nhổ tận gốc”.

Vậy thì, câu hỏi đặt ra, F-35 nên bị xóa bỏ? “Tất nhiên, nó nên bị xóa bỏ từ ngày hôm qua rồi”, ông Sprey cho biết.

Thế nó cần xóa bỏ ngay hôm nay ư?, kỹ sư đáp “Không. Phải cho đến khi nó trở thành sự thất bại ê chề trước mắt công chúng vì tai nạn và bị đánh bại trong chiến đấu”.

Trúc Phạm
.
.
.