Những điều chưa biết về loại máy bay An-148 vừa gặp thảm họa

Thứ Hai, 12/02/2018, 12:09
Trước khi thảm kịch ở ngoại ô Moscow xảy ra, thế hệ máy bay Antonov An-148 được sản xuất tại Nga chỉ gặp một tai nạn trong quá trình thử nghiệm vào năm 2011, song là do lỗi của phi hành đoàn.

Máy bay Antonov An-148 của hãng hàng không Saratov Airlines (Nga) chở 65 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn ngày 11-2 đã bốc cháy và rơi ở ngoại ô thủ đô Moscow sau khi cất cánh từ sân bay ở Moscow đi Orsk, một thành phố nằm sát biên giới Nga-Kazakhstan.

Một chiếc Antonov An-148 của Nga. Ảnh: TASS

Giới chức Nga đã tìm thấy hộp đen và bộ ghi âm buồng lái của chiếc máy bay xấu số tại hiện trường. Tổng thống Putin ra lệnh thành lập một ủy ban điều tra khẩn cấp để tìm hiểu nguyên nhân vụ việc theo mọi hướng có thể, bao gồm lỗi kỹ thuật, lỗi con người và điều kiện thời tiết.

Tuy nhiên, công tác điều tra dường như sẽ tập trung hơn vào các điều kiện ngoại cảnh và con người hơn. Bởi chiếc An-148 vừa gặp nạn mới được đưa vào sử dụng vài năm, còn bản thân nó cũng là một thế hệ máy bay thương mại ít tai tiếng nhất của hãng Antonov.

An-148 là máy bay phản lực chở khách tầm ngắn do tập đoàn Antonov của Ukraine thiết kế và sản xuất. Nó được mệnh danh là "niềm tự hào" của hàng không Ukraine, song lại được đóng góp, nếu không muốn nói là đa số, từ người Nga.

Tới năm 2009, liên hiệp sản xuất máy bay Voronezh (VASO) của Nga đã được cấp phép sản xuất thế hệ máy bay này, với tỷ lệ linh kiện nội địa tới 70%, để cung cấp cho Bộ Quốc phòng Nga, Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga và các hãng hàng không, trong đó bao gồm chiếc An-148 xấu số bị rơi ở Moscow hôm 11-2.


Một chiếc An-148 hạ cánh an toàn lên một bãi cỏ. Video: Youtube

Trong số các máy bay An-148 được Nga sản xuất, chỉ có duy nhất một chiếc từng gặp nạn, song là trong quá trình thử nghiệm vào năm 2011 và do lỗi của phi hành đoàn. Các phi công lái chiếc An-148 khi đó đã cố gắng tăng tốc chiếc máy bay nhanh hơn tốc độ cho phép tới 30m/s.

An-148 thiết kế với kiểu cánh đơn đặt cao trên thân với động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy Ivecheko Progress D-346-158 (tốc độ 800-900km/h) đặt trên các mấu dưới cánh. Kiểu bố trí này nhằm bảo vệ động cơ và cấu trúc cánh chống lại hư hại từ các vật thể lạ.

Với hệ thống điều khiển hiện đại và cấu hình cánh tối ưu, chiếc máy bay có thể được sử dụng ở tất cả sân bay nhỏ, trên cỏ, cát, băng tuyết hay nơi có cơ sở hạ tầng nghèo nàn.

Buồng lái An-148 sử dụng 5 màn hình tinh thể lỏng kích thước lớn, thay thế các loại đồng hồ cơ khí trên những dòng máy bay cũ. Hệ thống điều khiển điện tử (fly-by-wire) giúp phi cơ vận hành được cả ngày lẫn đêm, trong điều kiện tầm nhìn kém và giao thông trên không đông đúc.


Thiên Minh
.
.
.