Quá khứ tự hào, tương lai nỗ lực

Thứ Bảy, 30/04/2016, 05:42
Hơn 4 thập kỉ trước, sự nghiệp thống nhất đất nước thắng lợi vẻ vang sau 30 năm đấu tranh gian khổ, cả nước một lòng, đồng tâm hiệp lực vượt qua bao hy sinh, thử thách hiểm nghèo. Trong suốt nhiều năm trước và sau mùa xuân lịch sử năm 1975, cụm từ “Việt Nam - Hồ Chí Minh” đã vang lên trên khắp thế giới như một biểu trưng cao đẹp và hào hùng tiêu biểu cho phong trào giải phóng dân tộc, vì độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Với tất cả sự tỉnh táo và khiêm tốn, chúng ta vẫn hoàn toàn có quyền tự hào về trang sử hào hùng của dân tộc, của Đảng quang vinh trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang hơn 8 thập kỉ qua.

Đất nước thống nhất, vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế; thế và lực của một đất nước có nền văn hiến lâu đời và hơn 90 triệu đồng bào Lạc Hồng không ngừng được củng cố. Song chúng ta không thể không nhìn nhận những khó khăn và thách thức đối với sự phát triển bền vững, với độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Thực tế đó vừa được Quốc hội (kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 21-3 đến 12-4-2016) chỉ rõ: Việc thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, nợ công, nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn; mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được. Đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, miền núi còn nhiều khó khăn. Bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, kém hiệu quả; môi trường đầu tư chậm được cải thiện; thủ tục hành chính còn phiền hà. Công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu; lãng phí, thất thoát còn lớn. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả chưa cao. Tình hình quốc tế, khu vực và trên biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường…

Đó cũng là trăn trở, lo lắng của cử tri cả nước; là những “bài toán khó” với Quốc hội, Chính phủ, với các vị lãnh đạo vừa được Quốc hội bầu, phê chuẩn. Bởi nếu nhìn sang các nước lân bang, chỉ trong quãng thời gian 30 - 40 năm, không ít quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,… đã trở thành nước công nghiệp phát triển, đạt nhiều tiêu chí của một cường quốc…

Trên chặng đường tiến tới dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, nhân dân cả nước kì vọng vào sự lãnh đạo, quản lý và điều hành của những vị lãnh đạo có tầm, có tâm; luôn gần dân, hiểu dân; hiểu được nguyện vọng của quảng đại quần chúng và xu thế phát triển của cuộc sống, của thời đại để có những quyết sách sáng suốt, mang tính đột phá.

Trong bản di chúc lịch sử để lại, phần nói về xây dựng đất nước sau khi giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

Trong lời tuyên thệ của các vị tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đều khẳng định quyết tâm đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức; chủ động hội nhập quốc tế, giữ gìn hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vững bước trên chặng đường phát triển mới.

Kỷ niệm 41 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, càng tự hào về quá khứ, về lịch sử vẻ vang, chúng ta càng phải nỗ lực nhiều hơn cho hôm nay, cho mai sau để sớm đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại, giàu mạnh, văn minh… thỏa lòng mong ước của toàn dân tộc, của Bác Hồ.

“Thái bình tu trí lực/ Vạn cổ thử giang san” - Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy ngàn thu.

Đó vừa là đòi hỏi, vừa là mệnh lệnh của quốc dân!

An Khang
.
.
.