Anh bộ đội Cụ Hồ ở Trung Phi

Thứ Bảy, 30/04/2016, 11:17
Tháng 8-2015, đoàn công tác Bộ Quốc phòng Việt Nam, do Thiếu tướng Trần Văn Minh, Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, dẫn đầu đã có chuyến làm việc tại Phái bộ MINUSCA.

Làm việc với đoàn, Thiếu tướng (2 sao) quốc tịch Pháp Jacques de Lapasse, Tham mưu trưởng lực lượng Quân sự Phái bộ chia sẻ: “Tôi đánh giá cao hiệu quả công việc của nhóm sĩ quan Việt Nam. Tôi không biết trước khi sang làm việc tại Phái bộ họ đã được đào tạo như thế nào, nhưng họ đã chứng tỏ là những sĩ quan quân sự có khả năng thích ứng nhanh và hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình”.

Tháng 1-2016, ba sĩ quan Việt Nam đã nhận được Huy chương của LHQ vì những đóng góp có giá trị vào nỗ lực chung của Phái bộ MINUSCA mang lại hòa bình và ổn định cho Cộng hòa Trung Phi.

Khả năng thích ứng nhanh

Tháng 4-2015, nhóm sĩ quan của Quân đội nhân dân Việt Nam, gồm Trung tá Nguyễn Xuân Thành, Thiếu tá Vũ Văn Hiệp và Thiếu tá Hoàng Trung Kiên, đặt chân tới Cộng hòa Trung Phi làm nhiệm vụ sĩ quan tham mưu khi tình hình an ninh của nước này còn rất căng thẳng, chưa một ngày yên tiếng súng.

Cộng hòa Trung Phi rơi vào vòng xoáy bạo lực kể từ khi Tổng thống Francois Bozize bị lực lượng nổi dậy với phần lớn là người Hồi giáo lật đổ hồi tháng 3-2013. Tính đến đầu năm 2016, theo thống kê chưa đầy đủ của Liên hợp quốc, bạo lực ở quốc gia có gần 5 triệu dân này đã khiến ít nhất 5.000 người thiệt mạng, gần 440.000 người phải di tản sang các khu vực khác trong nước, 190.000 người phải xin tị nạn tại các quốc gia láng giềng và 2,5 triệu người đang cần hỗ trợ nhân đạo.

Lực lượng quân sự và cảnh sát của chính quyền lâm thời gần như bị tê liệt. Hoạt động đảm bảo an ninh trên toàn quốc cơ bản do lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và lực lượng quân sự thuộc Chiến dịch Sangaris của Pháp thực hiện.

Nhắc lại những ngày đầu đến nhận nhiệm vụ tại Trung Phi, Trung tá Nguyễn Xuân Thành kể rằng: “Mỗi sĩ quan tham mưu đều giữ một vị trí cụ thể và làm việc tương đối độc lập theo sự phân công của Phái bộ. Do môi trường công tác hoàn toàn mới mẻ, nên chúng tôi xác định phải nỗ lực hết sức ngay từ những ngày đầu để có thể làm chủ được công việc của mình trong thời gian sớm nhất”. 

Công tác hậu cần đảm bảo đời sống là một thách thức lớn đối với sĩ quan của bất cứ quốc gia nào được cử tới Cộng hòa Trung Phi. Đây là một trong những quốc gia nghèo nàn, lạc hậu bậc nhất trên thế giới và vẫn đang chìm trong nội chiến, nên hàng hóa phải nhập khẩu chủ yếu từ các quốc gia láng giềng như Cameroon và Congo. Tuy nhiên, các trục đường vận chuyển hàng hóa hay bị phiến quân mai phục nhằm cướp bóc, khiến lương thực, thực phẩm vô cùng khan hiếm và đắt đỏ.

Thiếu tá Vũ Văn Hiệp cho biết: Thời gian an ninh căng thẳng vào tháng 9-2015, trong 2 tuần liền, các cửa hàng ở thủ đô Bangui gần như cạn lương thực, thực phẩm, nhân viên LHQ ở cùng khu nhà trọ với nhóm sĩ quan Việt Nam phải nhờ người dân mua từng mẩu bánh mì, từng chai nước lọc. Do đã chủ động chuẩn bị lương thực, thực phẩm khô dự trữ dài ngày từ Việt Nam mang theo, nên kể cả trong trường hợp an ninh bất ổn kéo dài, các anh vẫn có thể tồn tại được mà không cần phụ thuộc vào nguồn thực phẩm khan hiếm và khó đảm bảo vệ sinh do người dân địa phương cung cấp.  

Nhưng, giữa muôn vàn khó khăn ấy, ba sĩ quan Việt Nam lại thích ứng khá nhanh và phương châm “vừa sản xuất vừa chiến đấu” được áp dụng triệt để. Công việc đầu tiên là… cuốc đất trồng rau. Thổ nhưỡng và khí hậu ở Trung Phi rất khắc nghiệt, nhất là nắng.

Thiếu tá Vũ Hiệp kể: “Các xe của UN đều là xe địa hình dòng Land Cruiser, Navara hay X-Trail... nội thất đều bọc da và nhựa cao cấp. Nhưng chỉ sử dụng được khoảng 5, 6 tháng là tất cả nhựa, da bên trong xe đều bị sùi và chảy ra như nhựa đường nung nóng. Nhiều xe phần bọc da phía trước bị nóng chảy trật khung nhựa bên trong”.

Khắc nghiệt như thế nên để trồng được rau là cả một sự kỳ công, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và cả kĩ thuật phù hợp. Mỗi buổi chiều trở về sau giờ làm việc và những ngày cuối tuần, nhóm sĩ quan Việt Nam kiên trì, cần mẫn cải tạo đất và tăng gia như một chế độ trong ngày đối với quân nhân. Với những nỗ lực không mệt mỏi và kinh nghiệm tăng gia trong nhiều năm quân ngũ, ba sĩ quan Việt Nam đã cải tạo khu vườn hoang mượn của bà chủ nhà thành những luống rau xanh mướt. Việc này khiến chủ nhà, người dân xung quanh và đồng nghiệp sống gần đó cảm phục.

“Tiếng lành đồn xa”, rất nhiều đồng nghiệp làm việc ở Phái bộ cũng nghe tiếng và tìm đến học hỏi kĩ thuật trồng, chăm sóc và xin hạt giống. Thiếu tá Hoàng Trung Kiên cho biết, vườn rau là một điểm tham quan của nhiều người dân và đồng nghiệp của các anh đang làm việc cùng ở Phái bộ. Họ không nghĩ là ở nơi nắng hạn và thổ nhưỡng cằn cỗi như Trung Phi lại có thể trồng được những loại rau cần nhiều nước và khí hậu ôn hòa như rau muống, cải ngọt, xà lách…

Nhiều sĩ quan các nước như Bangladesh, Zambia và Kenya đến ở trước và có mang theo hạt giống rau từ nhà, nhưng họ không nghĩ là có thể trồng thành công ở mảnh vườn này, và họ vẫn băn khoăn: “Tại sao người Việt Nam lại làm được?!”.

Ba sĩ quan QĐND Việt Nam chụp ảnh cùng chỉ huy Lực lượng quân sự Phái bộ MINUSCA trong lễ kỉ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 tại Phái bộ.

Tự hào là người Việt Nam

Thiếu tá Hiệp bảo rằng anh đã rất ngạc nhiên khi nhiều đồng nghiệp cùng làm việc tại Phái bộ MINUSCA, đến từ nhiều nước trên thế giới, có hiểu biết tốt về Việt Nam. Có nhiều người nghiên cứu khá sâu về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Một lần, Ryan, một đồng nghiệp người Ma-rốc tới văn phòng của tôi để liên hệ công việc, thấy tôi đeo biển Việt Nam, anh ta bắt tay thật chặt đầy xúc động: “Việt Nam thật tuyệt vời! Không kẻ thù nào khuất phục được các bạn. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thần tượng của tôi”.

Năm 1960, sau chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam, thực dân Pháp buộc phải ngậm ngùi chấm dứt ách đô hộ áp đặt gần một thế kỉ ở Cộng hòa Trung Phi. Vì vậy, nhiều người dân Trung Phi đã coi Việt Nam như một bài học về sự đoàn kết dân tộc cho sự nghiệp hòa bình và thống nhất đất nước – những thứ mà giờ đây người dân nơi này đang cố gắng hết sức để đạt được sau nhiều năm ngập chìm trong bạo lực và chia sẽ tôn giáo. 

Vì thế, cùng với nhiệm vụ của một sĩ quan của MINUSCA, 3 sĩ quan Việt Nam luôn có ý thức quảng bá hình ảnh, đất nước Việt Nam với các đồng nghiệp trong Phái bộ và người dân địa phương. Có một kỉ niệm khiến các anh nhớ mãi đó là dịp 2-9-2015, các anh đã tổ chức kỉ niệm 70 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam. Xúc động nhất là khi cả hội trường hướng lên lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc Việt Nam đang treo cạnh lá cờ Liên hợp quốc. Ba sĩ quan Việt Nam dõng dạc tự hào hát bài Tiến quân ca trong tiếng nhạc hùng tráng.

“Hướng lên lá cờ Tổ quốc thiêng liêng, niềm xúc động và tự hào dân tộc dâng trào trong mỗi sĩ quan QĐND Việt Nam đang làm nhiệm vụ quốc tế ở xa Tổ quốc thân yêu. Mỗi chúng tôi đều hơn một lần đón Tết Độc lập xa quê hương nhưng có lẽ lần này sẽ là kỉ niệm sâu đậm nhất, bởi lần đầu tiên, chỉ ba chúng tôi trong bộ quân phục của QĐND Việt Nam giàu truyền thống anh hùng, mang trên đầu chiếc mũ nồi xanh của LHQ, thực hiện nghi lễ chào cờ linh thiêng trong sự chứng kiến của hơn 120 khách mời đến từ gần 40 quốc gia trên Thế giới”, Trung tá Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.

Quà tặng khách mời hôm ấy là những sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc, và đặc biệt, các anh đã chuẩn bị một số áo phông in cờ Tổ quốc, có chữ Việt Nam và những lời chào mời du khách tới thăm Việt Nam… Những người lính Cụ Hồ vui sướng nhìn hội trường tràn ngập cờ đỏ sao vàng và những dòng chữ Việt Nam khắp lối, khi các đồng nghiệp thay nhau ướm thử chiếc áo được tặng lên mình và chụp ảnh kỉ niệm.

Và ý nghĩa hơn, qua những thông tin và những tài liệu, sách báo, tạp chí, video được cung cấp tại buổi lễ đã giúp đông đảo bạn bè quốc tế hiểu hơn về Việt Nam, về những cuộc đấu tranh vệ quốc hào hùng trong quá khứ, về một đất nước với nền văn hóa đậm đà bản sắc và một Việt Nam đang phát triển đầy năng động và ngày càng uy tín trên trường quốc tế.

Mạnh Hưng - Ngân Giang
.
.
.