Xây dựng chiến lược phát triển Đà Nẵng với trách nhiệm và tình cảm

Thứ Hai, 18/03/2019, 16:38
“Xây dựng chiến lược phát triển Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á vào năm 2045”- đây là nội dung quan trọng và là mục tiêu của Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Chính trị ban hành.

Là cơ quan tham mưu, soạn thảo, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với các ban, bộ, ngành, Thành ủy Đà Nẵng, các chuyên gia kinh tế tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm để xây dựng đề án, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã có những trao đổi tâm huyết về Nghị quyết này.

PV: Thưa đồng chí Nguyễn Văn Bình, đồng chí có thể cho biết quá trình cũng như tầm quan trọng của việc xây dựng Đề án phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045?

Đồng chí Nguyễn Văn Bình.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình: Bộ Chính trị giao cho Ban Kinh tế TW phối hợp với thành ủy Đà Nẵng và các bộ, ban, ngành có liên quan, cũng như các địa phương, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong nước và quốc tế tổ chức tiến hành đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ CNH, HĐH. 

Trên cơ sở kết quả của đề án, ngày 24/1/2019 vừa qua, BCT đã họp và đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là một Nghị quyết hết sức quan trọng, vạch ra chủ trương, đường lối cho phát triển thành phố Đà Nẵng trong 10 năm tới và các năm tiếp theo. Nghị quyết ra đời được nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước hết sức đồng tình, ủng hộ tạo ra khí thế mới cho phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới đây.

PV: Khi nhận nhiệm vụ Bộ Chính trị giao cho Ban Kinh tế Trung ương xây dựng Đề án và những nội dung cơ bản về quan điểm, mục tiêu và tầm nhìn về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông cảm thấy thế nào?

Đồng chí Nguyễn Văn Bình: Chúng tôi nghĩ rằng phải thực hiện công việc này một cách tốt nhất, không chỉ bằng trách nhiệm mà còn bằng rất nhiều tình cảm gửi gắm trong đó. Bởi Đà Nẵng đang phải trải qua thời kỳ rất khó khăn, về bộ máy, về con người cũng như trong định hướng phát triển. Nhiều năm qua, địa phương này không ngừng nỗ lực để xây dựng thương hiệu là thành phố đáng sống. Nếu vì bất kỳ lý do nào mà chững lại, thì là điều rất đáng tiếc cho không chỉ Đà Nẵng mà còn cho sự phát triển chung của cả nước.

Yêu cầu bức thiết đối với Đà Nẵng lúc này là phải có chiến lược tổng thể, nhất quán, có chiều sâu về quy hoạch phát triển, có mô hình phát triển mới, với những cơ chế, chính sách và giải pháp đột phá để Đà Nẵng thực sự bứt phá, tạo sức lan tỏa mạnh tới các địa phương trong khu vực cũng như góp phần quan trọng mang lại sự phát triển mạnh mẽ hơn cho cả nền kinh tế.

PV: Có thể dễ thấy là Ban Kinh tế TW vui mừng không kém gì Đà Nẵng khi Nghị quyết 43 được ban hành,nhưng càng quan tâm nhiều thì sẽ càng phải lo lắng nhiều, thưa ông?

Đồng chí Nguyễn Văn Bình: Đúng như vậy. Đây là một Nghị quyết hết sức quan trọng, vạch ra chủ trương, đường lối cho phát triển thành phố Đà Nẵng trong 10 năm tới và các năm tiếp theo. Nghị quyết ra đời được nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước hết sức đồng tình, ủng hộ tạo ra khí thế mới cho phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới đây. 

Nhưng làm thế nào để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, vẫn còn là chặng đường phía trước đòi hỏi rất nhiều sự bền bỉ, quyết tâm.Trong Nghị quyết đã nêu rõ các quan điểm, các mục tiêu, các giải pháp, vấn đề chỉ còn là tổ chức thực hiện.

Khi ban hành Nghị quyết 43-NQ/TW, Bộ Chính trị đã yêu cầu sự vào cuộc của các cơ quan Trung ương để cùng với thành phố Đà Nẵng sớm đưa nghị quyết trên vào cuộc sống. Với Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã giao cho Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng chủ động trong triển khai thực hiện Nghị quyết; phát huy cao độ sự đồng thuận của xã hội, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm đưa nghị quyết đi ngay vào cuộc sống; chỉ đạo chuẩn bị đề án, kiến nghị về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để trình Chính phủ, Quốc hội theo quy định của pháp luật. 

Bộ Chính trị cũng giao Ban Kinh tế TW chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị quyết; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

PV: Để Đà Nẵng có thể trở thành thành phố hàng đầu Châu Á vào năm 2045 như Nghị quyết của Bộ Chính trị, những viên gạch đầu tiên cho quá trình này phải là gì, thưa ông?

Đồng chí Nguyễn Văn Bình: Trước hết, phát triển thành phố Đà Nẵng phải xuất phát trên cơ sở phân tích, nhận định, đánh giá đầy đủ các lợi thế so sánh của địa phương này. Chúng ta đều biết đây là thành phố trung tâm của miền Trung và tây Nguyên, của duyên hải miền Trung và của Bắc miền Trung. Đà Nẵng là thành phố cảng, thành phố biển có điều kiện tự nhiên hết sức ưu đãi. Với vị trí như vậy có thể xác định Đà Nẵng có một địa chính trị, địa kinh tế hết sức quan trọng, một lợi thế hết sức lớn lao. Đà Nẵng nằm ở trên trục Bắc Nam, cũng như là hành lang Đông - Tây. 

Xác định như vậy, chúng ta thấy Đà Nẵng phải là trung tâm phát triển của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Vì thế, xây dựng và phát triển Đà Nẵng không chỉ riêng cho Đà Nẵng mà còn tạo ra động lực và sự lan tỏa cho cả vùng. 3 trụ cột lớn cho phát triển Đà Nẵng trong thời gian tới đó là phát triển về du lịch, công nghiệp công nghệ cao và phát triển một thành phố cảng biển.

Về du lịch, ngoài du lịch thông thường thì một trong những trọng tâm là phát triển Đà Nẵng thành một trong những trung tâm du lịch của quốc tế. Về công nghiệp, vì thành phố Đà Nẵng rất có lợi thế về du lịch nên để bảo đảm môi trường sinh thái thì phải tập trung phát triển Đà Nẵng theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh. Và Đà Nẵng có lợi thế rất lớn về địa kinh tế và một cảng biển hết sức quan trọng, do vậy phải phát triển kinh tế dịch vụ cảng theo hướng tăng cường hoạt động về logistic.

Từ 3 trụ cột lớn đó, chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2030 làm sao xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch, một trung tâm về khoa học công nghệ, một trung tâm công nghiệp công nghệ cao, một trung tâm về logistic và phát triển Đà Nẵng theo hướng trở thành một thành phố thông minh, một thành phố sinh thái, một thành phố đáng sống để đến năm 2030 tầm cỡ của Đà Nẵng không chỉ là một thành phố hàng đầu của cả nước mà còn là một thành phố hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. Và đến năm 2045 trở thành một trong những thành phố hàng đầu của Châu Á nói chung.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hà An
.
.
.