Vượt qua thách thức, vững bước đưa đất nước tiến lên tầm cao mới

Thứ Năm, 21/01/2016, 08:55
Tiễn biệt Ất Mùi, chào đón Bính Thân Xuân cũng là lúc kết thúc kế hoạch 5 năm 2011 - 2015. Trên con đường dài ba thập kỷ kể từ ngày phát động công cuộc đổi mới, 5 năm qua với đất nước ta quả thật là 5 năm đầy cam go, thách thức.

Chẳng bao lâu sau khi Đại hội XI của Đảng bế mạc và nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới thì cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ thế giới trầm trọng nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái 1929 – 1933 đã bùng phát, thổi luồng gió độc tới mọi quốc gia và “cái đuôi” của nó còn quẫy đến tận nay. Là một bộ phận của thế giới, nước ta chẳng tránh được tai bay vạ gió. Cộng với sự yếu kém vốn có của nền kinh tế và những trục trặc trong quản lý – điều hành, kinh tế nước ta đã trải qua một chặng đường nhiều chông gai: lạm phát cao, tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Trong khi đó Biển Đông “nổi sóng”, năm nào cũng xảy ra chuyện mà đỉnh cao là năm 2014 giàn khoan HD-981 của Trung Quốc ngang nhiên vào thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, kế đến là năm 2015 đẩy mạnh hoạt động bồi đắp, tôn tạo bãi đá Chữ Thập bị chiếm đóng cuối những năm 80 thế kỷ trước và ngay trước thềm Đại hội XII, máy bay liên tiếp từ lục địa “bay thử” ra đó, đưa tranh chấp từ mặt biển lên trời xanh!

Nhiều chỉ tiêu kinh tế đã đạt và vượt kế hoạch trong năm 2015.

Cục diện thế giới cũng hết sức rối ren: nào là khủng hoảng Ukraina, xung đột, chiến tranh lan khắp Trung Cận Đông, Nhà nước Hồi giáo tự xưng hành xử tàn bạo, khủng bố khắp nơi, người nhập cư ồ ạt đổ vào châu Âu, quan hệ giữa các nước lớn ở cả phương Tây lẫn phương Đông rối ren.

Như vậy là cả bên trong lẫn bên ngoài nước ta đều phải gánh chịu không ít thử thách cam go. Làm thế nào để vượt qua chúng để không những trụ vững mà phải đi lên  - đó quả thật là một bài toán không dễ.

Ấy vậy mà trên mặt trận đối ngoại, nước ta không những duy trì được những thành quả lớn lao đã gặt hái trong ba thập kỷ đổi mới mà còn thu được không ít kết quả mới rất đáng tự hào: Quan hệ quốc tế được mở rộng chưa từng có, vị thế đất nước được nâng cao hơn bao giờ hết, tiếp tục duy trì được cục diện hòa bình trong quá trình đấu tranh quyết liệt để bảo vệ chủ quyền biển – đảo. Ta hãy điểm qua từng mặt:

Ngày nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 186 quốc gia khắp năm châu bốn biển, trong đó với nhiều nước láng giềng trong khu vực và các nước lớn trên thế giới đã hình thành khung khổ quan hệ đối tác chiến lược hay toàn diện; sự giao lưu, tiếp xúc cấp cao diễn ra sôi động, liên tục, ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao an ninh – quốc phòng được triển khai đồng bộ, góp phần củng cố cục diện quan hệ quốc tế đa dạng hóa, cơ động linh hoạt.

Nhiều kỳ vọng vào sự phát triển kinh tế trong năm 2016.

Quan hệ kinh tế đối ngoại được thúc đẩy mạnh mẽ. Mặc dầu kinh tế trong nước và kinh tế thế giới đều khó khăn, song kim ngạch xuất khẩu hàng năm vẫn tăng 2 con số, từ 96 tỷ USD năm 2011 lên khoảng trên 160 tỷ năm 2015, trong đó có năm xuất siêu. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào nước ta cũng không ngừng tăng tiến, vốn thực hiện trong 5 năm lên tới gần 60 tỷ USD! Những gì gặt hái được trên mặt trận kinh tế đối ngoại đã góp phần đắc lực đưa nền kinh tế nước ta phục hồi, tăng trưởng trở lại.

Một dấu ấn đậm nét của 5 năm qua là Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Ngoài những thỏa thuận về Khu vực Thương mại Tự do (FTA) đã có, chủ yếu là đa phương với tư cách thành viên ASEAN, trong 5 năm qua, nước ta đã tiến hành đàm phán khẩn trương về hàng loạt FTA mới bao gồm 53 quốc gia, chiếm hầu như toàn bộ sản lượng và kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, trong đó nổi lên là các thỏa thuận về Cộng đồng Kinh tế ASEAN, xuyên Thái Bình Dương (TPP), với Liên minh Châu Âu, với Liên minh Á – Âu, với Hàn Quốc…

Một nét mới khác là vị trí, vai trò của Việt Nam đã đạt nhiều điểm cao mới như được bầu vào Hội đồng Nhân quyền và Hội đồng Kinh tế - Xã hội, Ban Chấp hành UNESCO, thể hiện sự công nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của nước ta về kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân quyền. Thêm vào đó một lần nữa, nước ta sẽ trở thành nước chủ nhà của Hội nghị Cấp cao APEC vào năm 2017, sau hơn 10 năm chủ trì Cấp cao APEC Hà Nội.

Đứng trước mối đe dọa đối với chủ quyền biển đảo của đất nước trên biển Đông, một chiến dịch đấu tranh rộng lớn, kiên trì đã được triển khai ở mọi cấp độ, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ, rộng khắp của bạn bè quốc tế.

Xem như vậy thì cả ba mục tiêu về đối ngoại là bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; củng cố môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển; nâng cao vị thế của đất nước đều thu được những thành tựu mới rất đáng ghi nhận.

Qua đó ta có thể rút ra một số bài học. Một là, bất luận trong tình huống nào ta vẫn phải kiên trì đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, giương cao ngọn cờ chính nghĩa, hòa bình và hợp tác, theo đuổi chính sách ngoại giao đa dạng hóa, đa phương hóa; hai là, thực lực bản thân có ý nghĩa quyết định, trong đó sức mạnh mềm đóng vai trò quan trọng; đó là lòng yêu nước nồng nàn và khối đoàn kết của toàn dân tộc, đó là sự thống nhất trong tư tưởng và hành động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Kinh nghiệm lịch sử nhiều lần cho thấy, không ai hy sinh lợi ích riêng của họ và làm thay ta vô điều kiện, thậm chí có người còn sử dụng vấn đề của ta phục vụ cho lợi ích riêng của họ; ba là,vận dụng bài học về sức mạnh tổng hợp, cần làm mọi cách để tăng cường sức mạnh tinh thần cũng như sức mạnh vật chất về quốc phòng – an ninh, kinh tế; bốn là, trong một thế giới đầy phức tạp và yêu cầu gắt gao giữ vững hòa bình để phát triển, hơn lúc nào hết cần giữ cho trái tim luôn luôn nóng và cái đầu luôn luôn lạnh, hành động tỉnh táo, cân nhắc kỹ lưỡng để vừa giữ được nước, vừa xây được nước.

Bước vào 5 năm mới, không phải mọi chuyện sẽ êm thấm; những bài học lịch sử và riêng 5 năm qua sẽ mách bảo chúng ta phương cách tận dụng những cơ hội mới mở ra, hóa giải thách thức sẽ hé lộ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta. 

Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng
.
.
.