Việt Nam-ASEAN và Cách mạng Công nghiệp 4.0:

Kỳ 1: Dấu ấn trong lòng bạn bè quốc tế qua WEF ASEAN 2018

Thứ Năm, 13/09/2018, 19:26

“Trong 27 năm tổ chức hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN ) và Đông Á, đây là Hội nghị thành công nhất trên nhiều khía cạnh”, Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab chia sẻ. 


Năng động trong CMCN 4.0

Kết thúc vào chiều 13-9, Hội nghị WEF ASEAN 2018 diễn ra tại Hà Nội với sự chuẩn bị chu đáo, chuyên nghiệp của nước chủ nhà Việt Nam đã để lại ấn tượng và những kỷ niệm khó phai với bạn bè quốc tế. 

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, người sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Klaus Schwab đánh giá, trên cương vị chủ nhà, Việt Nam đã thực hiện thành công trọng trách cùng WEF và các nước ASEAN tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng và hình thành các ý tưởng, định hướng lớn về phát triển của các nước ASEAN trong Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) nhằm góp phần thực hiện thành công Tầm nhìn ASEAN 2025 vì lợi ích và sự phát triển của cả khu vực và từng quốc gia, đóng góp cho sự thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.

Ông Klaus Schwab nói: “Hội nghị thành công về nội dung, tổ chức; không phải chỉ có hàng nghìn người trên hội trường theo dõi, mà nhờ công nghệ 4.0 đã tương tác với 90.000 người theo dõi trực tiếp. Điều đáng mừng và đặc biệt của hội nghị, đó là trong gần 60 phiên thảo luận chuyên đề, tính tương tác giữa các startup, các nhà nghiên cứu, các đại biểu, diễn giả, các nhà hoạch định chính sách cũng rất cao. Công tác tổ chức tuyệt vời thể hiện bố trí các hoạt động hợp lý. Công tác hậu cần, bảo đảm an ninh tuyệt đối”. 
Việt Nam đã gây được ấn tượng từ khâu tổ chức

Cũng theo Chủ tịch điều hành WEF, Hội nghị có số lượng tin bài gấp 4 lần so hội nghị WEF tại một số nước trong khu vực. Thống kê của WEF cho thấy, đến hết ngày 13-9, có hơn 8.000 tin bài về hội nghị được phát trên các mạng chính thống toàn cầu (nhiều hơn so với năm 2017 chỉ có hơn 2.000 tin bài); trong đó có gần 3.000 bài về lãnh đạo Việt Nam; trên mạng Linkedln có gần 33.500 người theo dõi và bình luận; 6,7 triệu người theo dõi trên mạng Facebook, Twitter và 13.000 góp ý, bình luận… Chủ tịch điều hành WEF kết luận, Hội nghị WEF ASEAN tại Việt Nam là hội nghị khu vực thành công nhất của WEF trong 27 năm qua.  

Nhận định Hội nghị WEF ASEAN 2018 được tổ chức khi ASEAN chứng tỏ đây là một khu vực năng động và phát triển nhanh, Chủ tịch WEF Borge Brende nhấn mạnh, riêng Việt Nam đã cho thấy chặng đường phát triển phi thường. Từ năm 2010 đến nay, GDP của Việt Nam đã tăng gần gấp đôi, tỷ lệ người nghèo chưa đến 3%, so với mức 50% hồi đầu thập niên 1990. 
đến cách sắp xếp các cuộc họp

Chỉ qua các con số tích cực và những gì thể hiện tại WEF, Việt Nam đã trở thành điểm đến của các doanh nghiệp thế giới, thu hút nhiều vốn FDI. Báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 7 tháng đầu năm 2018, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam là 22,94 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, 7 tháng qua, trung bình mỗi ngày Việt Nam thu hút hơn 100 triệu USD vốn FDI.

Để có số vốn FDI nêu trên, Việt Nam đã đón nhận 1.656 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới là 13,2 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2017; đồng thời có 627 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 4,95 tỷ USD, bằng 84,2% so với cùng kỳ năm 2017. 

Xét về lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều vốn nhất, đạt 9,63 tỷ USD, chiếm 41,95% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,6 tỷ USD, chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,69 tỷ USD, chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư đăng ký... 
tạo sự đa dạng cho các diễn giả khi trình bày

Trong số các đối tác đầu tư, Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 6,88 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,46 tỷ USD, chiếm 23,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam...

Các nhà kinh tế nhận định rằng, với dòng vốn đầu tư đổ về ngày càng lớn, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội để bứt phá về kinh tế nhất là trong bối cảnh CMCN 4.0, Việt Nam có nhiều thế mạnh về nguồn nhân lực, hạ tầng Công nghệ thông tin và viễn thông.

Đổi mới, sáng tạo với nhiều đề xuất
đến sự chỉn chu về hình thức

Nói lại về việc sáng suốt lựa chọn Việt Nam tổ chức sự kiện WEF ASEAN 2018, Chủ tịch WEF Borge Brende cho hay, hầu hết các doanh nghiệp đều bị hấp dẫn bởi Việt Nam và các nước ASEAN khác nhờ sự năng động, sáng tạo của dân số trẻ. 

Tại Hội nghị, Việt Nam cũng đã thể hiện được sự chủ động, đổi mới và tầm nhìn chiến lược của mình khi đưa ra nhiều sáng kiến gồm: ASEAN phẳng – một ASEAN không khoảng cách; sự kết nối giữa các trường đại học trong ASEAN để học tập suốt đời; an ninh thông tin – thiết lập trung tâm đảm bảo an ninh mạng ASEAN; phát triển thương mại điện tử…..

Về sáng kiến ASEAN phẳng, Việt Nam đề xuất hòa mạng di động một giá cước toàn ASEAN với tên gọi “ASEAN - Roam Like Home” nhằm tăng cường kết nối khu vực thông qua việc giảm mạnh cước chuyển vùng quốc tế thông tin di động, hướng tới mục tiêu người dân ASEAN chỉ phải trả phí chuyển vùng quốc tế trong phạm vi các nước ASEAN như ở nhà. 

Với sáng kiến học tập suốt đời, tại phiên thảo luận “Tương lai việc làm ở ASEAN”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã bày tỏ quan điểm rõ ràng là, trong CMCN 4.0, cần đẩy mạnh tinh thần học tập suốt đời, học tập cho toàn bộ người dân ở bất kể độ tuổi. Tuy nhiên hiện nay khi nói đến học tập cho người lớn, số đông đều nghĩ tới độ tuổi từ 25 đến trên 30, rất ít người nghĩ tới việc học tập cho những người từ khoảng trên 60 tuổi nên cần chú ý hơn đến việc hỗ trợ người cao tuổi học tập để nắm bắt, hòa mình vào trong cuộc cách mạng này. 
và sự đảm bảo an ninh cùng những sáng kiến nổi bật

Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam đang xây dựng môi trường Tri thức Việt số hóa, thu thập, tổng hợp các kiến thức của Việt Nam và của các nước để biên tập lại dưới dạng hỏi đáp đơn giản cho mọi ngành nghề, lứa tuổi; cố gắng tạo kho dữ liệu và khuyến khích các startup trẻ tận dụng kho dữ liệu để tạo ra nhiều ứng dụng thông minh cho mọi người, vừa để phát triển việc khởi nghiệp vừa tạo ra ứng dụng hỗ trợ thuận lợi hơn cho người dân trong việc học tập và cuộc sống nói chung. 

Còn với đề xuất về thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trong phiên thảo luận về “Thị trường số, Cơ hội toàn cầu” với sự tham dự của gần 200 đại biểu là đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp, hiệp hội trong và ngoài nước, đã đề xuất các nhà hoạch định chính sách ASEAN xây dựng chiến lược chuyển đổi số không những ở cấp quốc gia, mà còn chung cho toàn khu vực ASEAN. 

Trong đó, chiến lược này cần chú trọng những vấn đề như đẩy mạnh an ninh mạng và luồng dữ liệu xuyên biên giới, tạo điều kiện sự phát triển của thương mại điện tử và tài chính di động, tăng cường tiếp cận số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số…

Huyền Chi - Linh Đan
.
.
.