Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về dân số

Chủ Nhật, 08/10/2017, 09:17
Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) lần này, cùng với vấn đề bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, công tác dân số là một nội dung quan trọng được xem xét, trong bối cảnh Việt Nam đang đối diện với nguy cơ già hóa dân số. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định đây là vấn đề rất lớn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc bảo vệ, phát triển giống nòi, quốc gia, dân tộc.

Với mong muốn mang đến cho bạn đọc những thông tin đầy đủ hơn trong vấn đề này, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ):

PV: Thưa ông, là người gắn bó với hoạt động dân số của Việt Nam nhiều năm qua, ông có thể cho biết những vấn đề lớn của dân số Việt Nam hiện nay là gì?

Ông Nguyễn Văn Tân: Có nhiều vấn đề quan trọng trong công tác dân số Việt Nam cần phải xử lý trong thời gian tới. Đó là qui mô dân số, già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) , chất lượng dân số, phân bổ dân cư và cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

PV: Xin ông nói rõ hơn về vấn đề qui mô dân số của Việt Nam?

Ông Nguyễn Văn Tân: Những năm qua, chúng ta đã giảm mức sinh, giảm tốc độ gia tăng dân số một cách thành công. Năm 1990, tốc độ gia tăng dân số tới gần 2%/năm với số trẻ sinh ra từ 1,9-2,2 triệu/năm và chúng ta đã tập trung giải quyết để đạt mức sinh thay thế là mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1-2 con. Việt Nam gần như là nước duy nhất duy trì được mức sinh thay thế 2-2,1 con trong 10 năm qua, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế -xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, hiện đang xuất hiện xu thế giảm mức sinh: ở Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế (1,5 - 1,6 con), TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ còn 1,5 con vv… Điều đáng lưu ý là khi mức sinh đã thấp thì rất khó đưa lên. Nếu tình hình này kéo dài sẽ tác động đến nhiều mặt của xã hội, mà nhiều nước đã trải qua như Nhật, Thái, Singapore, Trung Quốc vv…là những minh chứng. Năm 2013, Trung Quốc đã phải thay đổi chính sách một con, cho phép sinh 2 con, nhưng số đăng ký chỉ đạt 3/4 dự kiến.

PV: Già hóa dân số cũng đang là một vấn đề lớn của nước ta. Những hệ lụy của già hóa dân số mà chúng ta đang phải đối mặt là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tân: Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, với tỷ lệ người trên 60 tuổi chiếm 10% dân số. Một đặc điểm của già hóa dân số Việt Nam là tốc độ thuộc nhóm nhanh nhất thế giới. Các nước phải mất vài chục năm, thậm chí cả trăm năm, thì Việt Nam chỉ mất 17-20 năm để già hóa dân số.

Theo Liên hợp quốc, đến năm 2050, Việt Nam sẽ bước vào dân số “siêu già”. Hiện chúng ta có hơn 10 triệu người cao tuổi và dự báo đến năm 2030 sẽ có gần 19 triệu và năm 2050 là hơn 28 triệu người.

Điều này tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội của đất nước cũng như của mỗi gia đình, khi lực lượng lao động giảm và số người sau 60 tuổi tăng lên.

Thực tế này cũng tạo áp lực cho quỹ hưu trí quốc gia khi phải chi trả lương hưu nhiều hơn, thời gian dài hơn, đồng thời, đòi hỏi hệ thống chăm sóc xã hội phải điều chỉnh cho phù hợp. Trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc ba bệnh. Bệnh tật ở người cao tuổi chủ yếu là các bệnh không lây nhiễm và mạn tính, khiến cho chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng. Mà người cao tuổi còn có những yêu cầu về chăm sóc sức khỏe khác biệt và đặc thù hơn nhiều so với nhóm dân cư khác… Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa đáp ứng nhu cầu.

Một đặc điểm nữa của Việt Nam là lớp người cao tuổi hầu hết đều trải qua các cuộc chiến tranh kéo dài, đời sống kinh tế khó khăn, tài sản tích lũy không có, chủ yếu trông vào gia đình và xã hội.

Người cao tuổi Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp, đời sống khó khăn. 68,2% sống ở nông thôn, 70% không có tích lũy vật chất, 18% nghèo, chỉ có 30% người cao tuổi có lương hưu hoặc trợ cấp từ ngân sách nhà nước. Điều này đòi hỏi có những chính sách an sinh xã hội đặc thù. Khi xã hội nhiều người cao tuổi, thì thiết kế xã hội còn phải thân thiện, phù hợp, từ đồ dùng, thực phẩm đến toilet, đường xá …

Ở Việt Nam, 72,3% người cao tuổi sống với con cháu, nhưng xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Tình trạng người cao tuổi sống độc lập chiếm tỷ lệ cao. Do đó, sẽ xuất hiện nhu cầu chăm sóc người cao tuổi cùng với yêu cầu về nhân lực chăm sóc người cao tuổi, xây dựng nhà dưỡng lão v.v…

Ông Nguyễn Văn Tân.

PV: Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì trước vấn đề già hóa dân số?

Ông Nguyễn Văn Tân: Để thích ứng với vấn đề già hóa dân số, cần xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên toàn quốc, xây dựng các mô hình chăm sóc người già tại gia đình và cộng đồng; đảm bảo an sinh xã hội: cải cách cơ cấu hệ thống bảo trợ xã hội, mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm hưu trí, y tế; khuyến khích việc làm cho người cao tuổi; xây dựng và phát triển các dịch vụ xã hội đối với người cao tuổi.

Bộ Y tế đã ban hành Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 – 2025, trong đó, ưu tiên các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa … An sinh xã hội cho người cao tuổi hiện tại cũng chính là đảm bảo tương lai cho mọi người.

PV: Một vấn đề của dân số Việt Nam hiện này còn là MCBGTKS với nguy cơ hàng triệu đàn ông sẽ ế vợ. Ông có thể cho biết ý kiến về vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Tân: Có 14-15 nước ở trong tình trạng MCBGTKS, trong đó có Việt Nam. Dù xuất hiện muộn, nhưng tốc độ MCBGTKS của Việt Nam lại tăng nhanh: Năm 2006 có 109,8 bé trai/100 bé gái; năm 2013 có 113,8 bé trai/100 bé gái và hiện là 112 bé trai/100 bé gái. MCBGTKS diễn ra trầm trọng. Trước chỉ diễn ra ở thành thị thì nay cả ở nông thôn; người có điều kiện kinh tế, học vấn cao hơn lại lựa chọn giới tính khi sinh nhiều hơn.

MCBGTKS tác động trực tiếp đến các chỉ báo nhân khẩu học và các vấn đề xã hội. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì đến năm 2050, Việt Nam sẽ thừa 3-4 triệu đàn ông với nguy cơ không lấy được vợ. Việt Nam sẽ nhập khẩu cô dâu ở đâu? Một số lớn đứa trẻ được sinh ra với mong muốn để nối dõi tông đường, hương hỏa tổ tiên mà không lấy được vợ thì làm sao có thể nối dõi tông đường?

Đây cũng là một vấn đề lớn trong cơ cấu dân số. Hậu quả của thiếu phụ nữ là làm tan vỡ cấu trúc gia đình; phụ nữ kết hôn sớm; tỉ lệ ly hôn cao; bạo hành gia đình; bạo lực giới; bất bình đẳng giới; mất ANTTXH khi tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS; buôn bán phụ nữ, trẻ em gia tăng vv… Nhiều nước trải qua MCBGTKS đã phải thiết kế búp bê tình dục thay thế cho việc thiếu phụ nữ.

Để giải quyết được vấn đề MCBGTKS đòi hỏi phải tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi; thực hiện các chính sách hỗ trợ nữ giới, tăng cường thực thi pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi vv…

PV: Được biết, chúng ta đã có một số phương án để điều chỉnh mức sinh, nhằm khắc phục tình trạng MCBGTKS. Ông có thể cho biết các phương án này?

Ông Nguyễn Văn Tân: Có 3 phương án được đề ra. Thứ nhất, là duy trì mức sinh hiện nay càng lâu càng tốt, nhưng không qui định thành luật lệ, mà chỉ vận động để những nơi sinh 3 con thì sinh ít đi và những nơi sinh ít thì nâng mức sinh lên. Thứ 2 là tiếp tục chính sách sinh ít hơn 2 con để tiếp tục giảm tốc độ, qui mô tăng dân số, nhằm giảm bớt đầu tư cho an sinh xã hội, tiếp tục đưa mức sinh giảm xuống.

Có điều đã đưa mức sinh xuống thì rất khó để tăng lên. Phương án thứ ba là cứ để sinh con thoải mái, không vận động, không cấp phát phương tiện tránh thai miễn phí… Trong 3 phương án trên có thể phương án đầu tiên sẽ được lựa chọn.

PV: Việt Nam đang có cơ cấu dân số vàng và chúng ta có tận dụng được lợi thế này không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tân: Việt Nam có cơ cấu dân số vàng từ năm 2007 với hơn 62 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 68,5% dân số. Lợi thế của dân số vàng là nguồn nhân lực khổng lồ cho đất nước và tương lai già hóa dân số đã được chuẩn bị. Song, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng nhưng chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng dân số còn rất nhiều hạn chế. Việt Nam đã tận dụng được cơ hội tuy chưa nhiều. Nhu cầu việc làm tăng nhưng sức bền, kỷ luật lao động, kỹ năng làm việc, trình độ quản lý còn nhiều hạn chế.

Vì thế, cần có chính sách phù hợp trong đầu tư và nâng cao chất lượng lao động để phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng: Tăng năng suất lao động, tăng cơ hội việc làm, nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động vv…

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.