Một số vấn đề đóng góp ý kiến trong quá trình sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự năm 2015:

Việc sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015 cần phải được tiến hành một cách thận trọng, kỹ lưỡng và toàn diện

Thứ Hai, 22/05/2017, 08:09
BLHS là đạo luật lớn, quy định về tội phạm và hình phạt, có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia, chế độ xã hội chủ nghĩa, an ninh, trật tự, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đạo luật này không chỉ là căn cứ để điều tra, xử lý các hành vi phạm tội, mà còn có tác dụng tích cực trong công tác phòng ngừa tội phạm.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều BLHS năm 2015 cho thấy còn có nhiều vấn đề cần phải tiếp tục có sự nghiên cứu thận trọng, thấu đáo hơn, cụ thể như việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại, thay đổi một số chính sách hình sự liên quan đến công tác phòng ngừa tội phạm, thay đổi cách quy định từ định tính sang định lượng cụ thể ở các điều luật, đến việc loại bỏ, bổ sung một số tội phạm cụ thể… Những thay đổi này có thể dẫn đến nhiều hệ quả phát sinh trong thực tiễn áp dụng mà chúng ta chưa lường hết được.

Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Đây là vấn đề mới, chưa được thực tiễn kiểm nghiệm, dễ nảy sinh hệ lụy phức tạp. Qua rà soát các quy định của BLHS năm 2015, cơ quan chức năng đã phát hiện ra rất nhiều vướng mắc, bất cập, không thống nhất trong các quy định liên quan đến pháp nhân thương mại, như: phân loại tội phạm, đồng phạm, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, hình phạt….

Đến nay, trong dự thảo luật này vẫn chưa giải quyết được một cách triệt để những vấn đề đó. Bên cạnh đó, với việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đặt ra vấn đề phải xử lý yêu cầu của tổ chức quốc tế là bổ sung tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố.

Với những lý do nêu trên, cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng theo hướng bỏ quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong BLHS năm 2015, trường hợp vẫn giữ quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại thì trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung phải giải quyết triệt để những vấn để còn vướng mắc, bất cập liên quan đến trách nhiệm hình sự của pháp nhân.

Về việc thay đổi chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội và trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội: BLHS 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm của người từ đủ 14 tuổi đến dưới l6 tuổi, thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với người chuẩn bị phạm tội chỉ còn trong 25 tội danh và hạ mức hình phạt tối đa xuống còn 5 năm tù sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác phòng ngừa tội phạm, tạo tâm lý không tốt trong xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh, trật tự, nhất là trong tình hình tội phạm do người chưa thành niên gây ra ngày càng gia tăng về số vụ với tính chất mức độ nguy hiểm ngày càng cao (manh động, liều lĩnh, hình thành các băng ổ nhóm, sử dụng vũ khí nóng…).

Về việc thay đổi cách quy định từ định tính sang định lượng cụ thể ở các điều luật sẽ tạo thuận lợi hơn cho các cơ quan thực thi pháp luật, tuy nhiên, việc xác định định lượng tuyệt đối sẽ dẫn đến không thể bao quát hết các trường hợp xảy ra trên thực tế, dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Qua rà soát cho thấy, các sai sót của BLHS năm 2015 chủ yếu là ở vấn đề này.

Về việc loại bỏ, bổ sung một số tội phạm cũng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo; phải quán triệt nguyên tắc đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn đề đang nổi lên của thực tiễn và công tác phòng ngừa, chủ động tiến công tội phạm, bảo vệ lợi ích của nhân dân.

Từ các phân tích nêu trên, cho thấy việc sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015 lần này cần phải được tiến hành một cách kỹ lưỡng, toàn diện, kể cả những nội dung liên quan đến chính sách hình sự chưa phù hợp, tránh tình trạng sau khi sửa đổi, bổ sung vẫn còn các sai sót, bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả của Bộ luật.

Quá trình sửa đổi phải quán triệt yêu cầu nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh vạch trần tội phạm, giữ vững an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, không nên bị hạn chế về mặt thời gian, để có sự nghiên cứu, rà soát, phát hiện đầy đủ, chính xác những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, đưa ra thảo luận kỹ, để sau khi sửa đổi, bổ sung không phải lập tức sửa đổi nữa.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh - Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an
.
.
.