Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự

Thứ Bảy, 16/05/2020, 09:19
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: "Kiên định chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam".

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa cách mạng và khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh, lực lượng CAND thường xuyên quán triệt và vận dụng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.

1. Vận dụng quan điểm “thêm bạn, bớt thù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngay từ khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang chuyển mạnh từ thế cầm cự sang thế phản công để tiến tới tổng phản công, thực hiện phương châm thêm bạn, bớt thù, muốn làm bạn với tất cả các nước dân chủ, không gây thù oán với ai. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố rõ quan điểm đối ngoại của Chính phủ ta với chính phủ các nước là sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới. Người khẳng định: “Chủ nghĩa Mác- Lênin dạy chúng ta rằng: Muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải phân biệt rõ ai là bạn, ai là thù, phải thực hiện thêm bầu bạn, bớt kẻ thù”.

Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng Công an nhân dân đã có cách nhìn nhận mới về đối tượng đấu tranh. Lực lượng Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các bộ, ban, ngành có liên quan kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước có chủ trương, chính sách và phương sách đối xử phù hợp, phục vụ cho việc thiết lập quan hệ “đối tác toàn diện”, “đối tác chiến lược”, “đối tác chiến lược toàn diện”; chủ động mở rộng hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, rộng với thế giới, quán triệt chỉ đạo của Đảng, Nhà nước chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật.

2. Vận dụng quan điểm phục vụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Có thể nói rằng tinh thần phục vụ nhân dân là một tư tưởng xuyên suốt trong cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cách đây tròn 72 năm, ngày 11-3-1948, trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu XII, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu Tư cách người Công an cách mệnh, trong đó nhắc nhở: “Cần thường xuyên làm cho anh chị em Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc”3. 

Di chúc của Người chỉ vỏn vẹn ba trang đánh máy nhưng từ “phục vụ” được sử dụng đến 11 lần. Bác nhấn mạnh: phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Thấu triệt lời Bác dạy, vận dụng, phát triển tư tưởng của Người, lực lượng Công an đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ “tư duy quản trị (cai quản, cấm đoán, áp đặt) sang “tư duy quản lý dân chủ, công khai, minh bạch, hiện đại, mang tính phục vụ”. 

Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tôn trọng quyền con người, phục vụ và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, của các cơ quan, tổ chức. Đặc biệt, trong hoạt động quản lý không làm cản trở, ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế, tạo sự tương đồng, thông thoáng, phù hợp với pháp luật và các giá trị chuẩn mực quốc tế nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát được đối với những vấn đề có liên quan đến an ninh, trật tự.

3. Vận dụng quan điểm dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thống kê trong các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, chúng ta thấy cụm từ “dân vận” xuất hiện đến 25 lần. Nổi bật trong đó là tác phẩm “Dân vận”. Tác phẩm đã khẳng định vị trí xứng đáng trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, với giá trị đặc biệt, thể hiện xuyên suốt tư tưởng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”4, đồng thời khẳng định: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”5. Đây là sự nhấn mạnh về tầm quan trọng chiến lược của công tác dân vận trong xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhận thức sâu sắc vai trò của công tác dân vận trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã tăng cường công tác liên kết, phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể ký nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch liên tịch về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng, chống tội phạm. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã gắn kết với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các phong trào khác. 

Nhiều mô hình điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được xây dựng và phát huy tác dụng như phong trào “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ”, “Thanh, thiếu niên nói không với tội phạm ma túy, “Chi đoàn thanh niên không có tội phạm”, “Tổ phụ nữ không có chồng, con phạm tội, vi phạm pháp luật, nghiện ma túy”, “Xóm đạo bình yên”, “Ông, bà, cha, mẹ mẫu mực, con, cháu thảo hiền”… Qua đó, nhiều mô hình tiêu biểu, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được củng cố, nhân rộng, mang lại hiệu quả là biểu hiện sinh động của mối quan hệ giữa Công an với nhân dân.

Đảng ủy Công an Trung ương có hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng năm 2020, trong đó có kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng ủy Công an Trung ương nêu rõ: Khẳng định sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng của Người về công tác Công an; phân tích, làm rõ sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và bảo vệ an ninh, trật tự; đấu tranh phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phủ định giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh.

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội-2016, tr.199.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb. CTQG, Hà Nội- 2001, tr.605.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, sđd, tr.406.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. CTQG, Hà Nội-2001, tr.698.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, sđd, tr.700.


Thượng tá, TS Đỗ Văn Dũng
.
.
.