Vấn đề then chốt xây dựng Đảng

Thứ Năm, 17/09/2015, 07:23
Góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đặc biệt nhấn mạnh chủ đề của Đại hội XII, bởi đây là vấn đề cực kỳ quan trọng. 

Việc xác định trúng chủ đề, thấu hiểu thực tiễn đòi hỏi thì mới đề ra được đường lối, giải pháp thiết thực giải quyết những vấn đề của cuộc sống, của Đảng, của đất nước và người dân đặt ra.

Theo ông Phúc, không phải ngẫu nhiên “tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” được nhấn mạnh đầu tiên trong chủ đề Đại hội lần này. Điều này xuất phát từ ý nghĩa “then chốt” của công tác xây dựng Đảng, làm tốt công tác này mới giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng trước những thách thức và nguy cơ hiện hữu trong giai đoạn cách mạng hiện nay; điểm mới thứ hai, là vấn đề “dân chủ xã hội chủ nghĩa” được nhấn mạnh gắn với việc “phát huy sức mạnh toàn dân tộc”.

Ông Phúc phân tích, chúng ta đã đạt được không ít thành tựu trong thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong vấn đề này cũng còn nhiều hạn chế, thiếu sót, thậm chí còn hình thức, cho nên đặt vấn đề giải quyết thật tốt vấn đề dân chủ xã hội chủ nghĩa mới tạo sự đồng thuận cao trong Đảng và toàn xã hội, trên cơ sở đó mới phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc. Công cuộc đổi mới Đại hội lần này đặt ra không chỉ là toàn diện, mà còn yêu cầu phải đổi mới đồng bộ; Đặc biệt, nội dung “Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định” được xác định ngay trong chủ đề Đại hội, khác với các Đại hội trước đó được bàn thảo và ghi trong nghị quyết đại hội.

Đặt vấn đề như vậy, vì xuất phát từ thực tiễn cũng như những thách thức trong công cuộc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững môi trường hòa bình để phát triển hiện nay, nhất là vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo như chúng ta đều thấy... Bên cạnh đó, Đại hội lần này đã đề ra mục tiêu “xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” vào năm 2020, là đã có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế và khả năng đạt được của chúng ta.

Từ bài học được nêu trong phần đánh giá tổng quát kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XI, nguyên nhân và kinh nghiệm có nêu “...phải hết sức chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng...”. Ông Phúc soi rọi vào hoạt động thực tiễn các doanh nghiệp Nhà nước thời gian qua, với những thông tin không mấy khả quan, để thấy thấm thía vai trò của tổ chức Đảng trong loại hình doanh nghiệp này.

Đưa ra con số thống kê chỉ có 53% doanh nghiệp Nhà nước có lãi, 25% doanh nghiệp hòa vốn, còn lại là thua lỗ. Trong khi doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ khối lượng lớn tài sản, tiền vốn, đất đai của Nhà nước, nhưng lợi nhuận lại rất thấp hoặc thua lỗ. Những vụ tiêu cực, tham nhũng lớn xảy ra tại doanh nghiệp Nhà nước như Vinashin, Vinalines, hay một vài ngân hàng gần đây có nhiều nguyên nhân, nhưng theo ông Phúc, có thể thấy rõ sự yếu kém trong công tác lãnh đạo và thực hành dân chủ của tổ chức đảng trong những đơn vị này.

Công tác kiểm tra, thanh tra ở đây cũng hình thức, vì thế không kịp thời phát hiện sai phạm cho đến khi bị cơ quan điều tra làm rõ. Trách nhiệm của đảng viên trong các đơn vị này cũng không được phát huy. Đến nay, chúng ta đang đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, trong tất cả những yếu kém cần khắc phục, thì điều quan trọng là phải tạo được cơ chế nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của tổ chức Đảng ở các doanh nghiệp đó. Bởi khi giao cho họ quyền, tài sản lớn, thì đi đôi là phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, tránh bị lạm dụng tư lợi.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ “then chốt” xây dựng Đảng (như đề ra trong dự thảo báo cáo chính trị) trong tình hình hiện nay, ông Phúc cho rằng, phải khắc phục một cách thực chất, tạo chuyển biến mạnh mẽ những hạn chế, yếu kém, nhất là những yếu kém khuyết điểm kéo dài nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục đã được Nghị quyết Trung ương IV khóa XI nêu.

Chính từ “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí...” đã làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Bước sang nhiệm kỳ mới, những yếu kém khuyết điểm đó vẫn là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Ông Phúc nêu giải pháp, là phải thiết chặt kỷ luật Đảng, thực thi nghiêm minh pháp luật Nhà nước; thứ hai, là tăng cường giáo dục trong Đảng, trong đó coi trọng nêu gương người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương. Điển hình như những việc làm của ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An đã có sức lôi cuốn mạnh mẽ quần chúng nhân dân thực hiện các phong trào ở địa phương thời gian qua; đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ vai trò trách nhiệm của mình để tự rèn luyện, phấn đấu. Chỉ có như thế, mới từng bước đẩy lùi yếu kém, cái xấu, để cái tốt có chỗ đứng và phát huy. Trên cơ sở đó, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Khánh Chi (ghi)
.
.
.