Ứng xử văn hóa công vụ - không để người dân bị xói mòn niềm tin

Chủ Nhật, 30/07/2017, 08:59
Những ngày qua, dư luận hết sức bất bình với hành vi ứng xử của hai cán bộ phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội với công dân đi khai tử. Thực tế, đó chỉ là một “hạt nổ” bởi trường hợp này không phải là cá biệt.

Thói quen cửa quyền, hách dịch đã ngấm sâu vào một số cán bộ công chức, gây mất lòng tin của người dân vào chính quyền. Những hành vi ấy đang đi ngược với mục tiêu xây dựng chính phủ kiến tạo, chính phủ phục vụ. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Thưa ông, Hà Nội vừa xảy ra vụ việc anh cán bộ Nguyễn Lê Hiếu và bà Phó chủ tịch UBND phường Văn Miếu gây khó dễ cho dân khi làm thủ tục khai tử. Ông có cảm nhận và đánh giá như thế nào?

Ông Vũ Quốc Hùng: Rõ ràng cách xử lý của chính quyền, quan hệ giữa quan chức - công chức - nhân viên nhà nước với dân có vấn đề. Nhưng, không phải bây giờ mới có vấn đề mà có vấn đề từ lâu rồi. Do vấn đề đó không được chấn chỉnh nên ngày càng phổ biến. Chuyện xảy ra ở phường Văn Miếu chỉ là một hiện tượng mới được phát hiện và phát hiện nhờ công luận, dư luận.

Có rất nhiều ví dụ cụ thể về tình trạng trên. Nếu hàng ngày chúng ta đi quan sát, thẩm tra, xác minh thì còn thấy nhiều vụ việc tồi tệ hơn. Đó là thái độ vô trách nhiệm, khinh dân, xa dân của khá nhiều cán bộ công chức. Lại càng đau đớn hơn khi các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn luôn nhắc nhở.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11, khóa 12 đã nêu lên những vấn đề cần chấn chỉnh trong Đảng, trong cán bộ đảng viên, đã triển khai xuống các cấp. Thế nhưng vì những thiếu sót, những yếu kém của cán bộ đảng viên (vì hầu hết ở mọi nơi Đảng phải chịu trách nhiệm về lãnh đạo) mà vẫn có nhiều đảng viên thực thi nhiệm vụ đã vô trách nhiệm với dân, xa dân.

Phóng viên: Theo ông đánh giá, hiện tượng cán bộ công chức thực thi nhiệm vụ thiếu trách nhiệm với dân, thậm chí là vô cảm có nhiều và đã diễn ra trong thời gian dài, nguyên nhân là do đâu?

Ông Vũ Quốc Hùng: Khi công việc của người dân không được giải quyết kịp thời, nó thể hiện ở hai vấn đề: Thứ nhất là cán bộ, công chức trình độ kém nên khi vận dụng những quy định của pháp luật thì không vận dụng nổi dẫn đến thực thi pháp luật cũng không nổi. Thứ hai là cán bộ, công chức có dấu hiệu tham nhũng, vòi vĩnh bôi trơn. Thế nhưng, để chỉ ra câu chuyện vòi vĩnh, bôi trơn lại không có nhiều. Bởi, để kết luận được có hay không chuyện vòi vĩnh, bôi trơn thì luôn phải trả lời câu hỏi “Chứng cứ đâu?”.

Làm thế nào mà người dân thường có chứng cứ được?. Khi người dân đó có chứng cứ thì tức là người đó cũng lại phạm tội. Đó là còn chưa nói đến chuyện người dân sợ bị trả thù vì lãnh đạo thì xa mà người thiếu trách nhiệm quản lý mình thì gần. Nếu người tố cáo bị lộ thì sẽ bị trả thù. Thế nên, câu hỏi đặt ra là ai sẽ bảo vệ người tố giác?

Trở lại vụ xảy ra ở phường Văn Miếu cũng vậy, việc đình chỉ cán bộ để xem xét, xử lý là đúng rồi, nhưng phải làm rõ đúng sai, phải xử lý đến cùng chứ không được xử lý nửa vời thì mới có tác dụng. Bởi, đây chỉ là một dấu hiệu, một vụ việc riêng lẻ. Trong khi, hiện tượng đó còn diễn ra ở nhiều nơi khác nữa. Trước vụ việc ở phường Văn Miếu là vụ dư luận ồn ào liên quan đến bà Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân và còn nhiều vụ việc khác…

Ông Vũ Quốc Hùng.

Phóng viên: Ông vừa nói đến trình độ và đạo đức cán bộ. Vậy theo ông, có phải do cách tuyển chọn công chức, cán bộ theo hướng “con ông cháu cha”, hay vẫn tồn tại quan điểm “một người làm quan cả họ được nhờ” dẫn đến chất lượng cán bộ kém?

Ông Vũ Quốc Hùng: Không hẳn vậy. Có khi không phải vì “con ông cháu cha” mà là vì tiền. Nếu “con ông cháu cha” là những người phấn đấu thật sự thì tốt. Nhưng do tuyển chọn công chức bằng cảm tính, cảm tình và bằng mối quan hệ kinh tế, không với tinh thần chọn hiền tài đã dẫn đến một bộ phận cán bộ không nhỏ hiện nay thiếu đức thiếu tài.

Phóng viên: Vậy nguyên nhân dẫn đến một bộ phận cán bộ không nhỏ có thái độ cửa quyền, có ý thức “canh tác” vị trí ấy là gì, thưa ông?

Ông Vũ Quốc Hùng: Nguyên nhân chính vẫn là chất lượng của cán bộ, ý thức phục vụ của cán bộ, ý thức vì nhân dân quên mình... Cái tư tưởng vụ lợi, tư tưởng cá nhân, tư tưởng của nhóm lợi ích chi phối. Vấn đề này Đảng đã chỉ ra rồi. Đảng ta đang có phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chuẩn mực có rồi nhưng chưa làm được.

Phóng viên: Chúng ta đang hướng tới xây dựng một chính phủ kiến  tạo và hành động. Đó là chính phủ hiện đại, minh bạch và mang tính phục vụ cao. Thế nhưng, thực tế cho thấy chủ trương này chưa thực sự lan tỏa tới cơ sở?

Ông Vũ Quốc Hùng: Chúng ta có hệ thống chính trị hùng mạnh, có đảng, có chính quyền, có các đoàn thể chính trị, xã hội, đoàn thể nghề nghiệp đều đem lại lợi ích cho người dân. Nhưng tất cả hệ thống trùng điệp đó đều mới là hình thức mà chưa rõ vai trò.

Chủ trương kiến tạo chính phủ liêm chính, chính phủ phục vụ là chủ trương vô cùng đúng đắn. Và tôi cũng phải mở ngoặc rằng chính phủ các nước cũng phải phấn đấu như thế thì họ mới được lòng dân. Từ chủ trương đến thực tiễn là một quá trình, cho nên cần thiết phải có một cuộc đổi mới, nếu không muốn nói là cách mạng trong công tác cán bộ. Cần phải công phu trong việc rà soát lại toàn bộ công tác tổ chức của cán bộ từ Trung ương đến địa phương.

Phóng viên: Trở lại vấn đề cụ thể về văn hóa ứng xử công vụ, thành phố Hà Nội và nhiều ngành, lực lượng đã ban hành các quy tắc ứng xử, nhưng thực tế cho thấy việc triển khai từ lời nói đến hành động còn là khoảng cách vô cùng xa. Vậy trước mắt, chúng ta phải làm gì để cải thiện được tình hình, lấy lại lòng tin trong nhân dân?

Ông Vũ Quốc Hùng: Phải chọn và phân công người tiếp dân, thường trực của các cơ quan hành chính chứ không phải chỉ chọn người ở trụ sở tiếp dân. Những gì dân cần là phải giải quyết ngay lập tức. Nếu cán bộ đi vắng thì những người làm công vụ phải đến gặp những người đó lấy chữ kí và con dấu. Nếu không phục vụ nhân dân được 24/24 giờ thì cũng phải làm việc trong phạm vi bình thường 8 tiếng, đó là thời gian mà cơ quan hành chính có người để giải quyết vụ việc. Nếu người có trách nhiệm giải quyết đi công tác thì phải bố trí người thay thế chứ không thể viện cớ, bắt người dân đi lại nhiều lần.

Chúng ta đã có một hệ thống chính trị hùng mạnh thì phải tập trung giải quyết cho bằng được. Tất cả đều phải bắt đầu từ cơ sở, thông qua hoạt động, thái độ của cán bộ công chức từ cơ sở để tạo niềm tin cho nhân dân, xây dựng chính phủ kiến tạo trên tinh thần phục vụ nhân dân.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.