Tường lửa cho chính mình

Thứ Bảy, 21/11/2015, 08:36
Cách đây 18 năm, ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức kết nối với mạng Internet toàn cầu.

Giờ đây, 1/2 dân số Việt Nam sử dụng Internet và một bộ phận lớn cư dân coi không gian mạng không thể thiếu trong đời sống thường ngày, thậm chí ăn, ngủ, sống cùng mạng (đến cuối năm 2014, Việt Nam có gần 45 triệu người sử dụng Internet, đạt tỷ lệ trên 49% dân số, cao hơn mức trung bình của thế giới (40,4%) và cao hơn nhiều mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (32,4%). 

Nếu như xưa kia, con người phát kiến ra lửa để đốt cháy, đưa cuộc sống từ mông muội đến biết ăn chín, uống sôi; phát minh ra điện để mở ra thời đại công nghiệp thì ngày nay, Internet là một phát minh vĩ đại của nhân loại và là kênh kết nối bậc nhất của con người trên toàn cầu trong thế giới ngày nay.

Nhờ Internet, thế giới đã có bước phát triển vượt bậc, đạt được những thành tích phi thường trên hầu hết các lĩnh vực đời sống, đưa thế giới vượt qua trình độ văn minh công nghiệp bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên toàn cầu hóa và phát triển kinh tế tri thức. Chưa bao giờ, quả địa cầu trở nên nhỏ lại đến thế, trở nên gần hơn đến thế khi nó được bao phủ bởi Internet, có cảm tưởng như khoảng cách mênh mông “nửa vòng trái đất, rẽ tầng mây” giờ chỉ là cái trở tay trong nháy mắt.

Nhưng Internet, không gian mạng cũng bao phủ lên nó hai mặt sáng - tối, thời cơ và thách thức với mọi quốc gia, vùng, lãnh thổ, mọi tổ chức, cá nhân. Trong bài viết “Vì một môi trường Internet tinh khiết và trong sạch”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận sự phát triển Internet ở Việt Nam, những ưu điểm, hạn chế cũng như yêu cầu đặt ra trong giai đoạn tới. 

Gần 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã kiên trì, nhất quán chính sách tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc phát triển Internet. Là một kho tàng kiến thức khổng lồ và môi trường kết nối toàn cầu, Internet đã làm tăng các cơ hội giáo dục cho mọi người dân, kinh doanh của doanh nghiệp và giao lưu giữa con người với con người trên toàn thế giới. 

Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế của không gian mạng như tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đánh cắp công nghệ, tài sản trí tuệ, bản quyền trên Internet ngày càng tăng, nguy cơ gián điệp mạng, những thông tin độc hại, phản cảm, vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức, thương hiệu, gieo rắc tư tưởng xấu… 

“Tôi cho rằng, Internet không chỉ là môi trường công nghệ, môi trường kinh doanh hay liên kết mà Internet còn là môi trường văn hóa, giáo dục rất quan trọng, ảnh hưởng tới việc hình thành nhân cách và góp phần định hình văn hóa nhân loại trong tương lai. Đây còn là một điều kiện quan trọng để tăng cường tính công khai, minh bạch, góp phần bảo đảm quyền dân chủ - tự do, quyền con người, quyền công dân trong một Nhà nước pháp quyền tiến bộ - tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Do đó, xây dựng môi trường Internet có văn hóa và giàu tính nhân văn là điều chúng ta phải cùng nhau hướng tới” – Thủ tướng chỉ rõ.

Chính bởi không gian mạng chiếm lĩnh cuộc sống ngày nay quá lớn, tác động quá lớn, trong khi không gian “đen” cũng chiếm tỷ lệ không hề nhỏ nên đây cũng thực sự là trở ngại lớn của các quốc gia, tổ chức, cá nhân. Bởi thế, phát kiến “Ngày Toàn cầu vì hòa bình và an ninh Internet” với chủ đề “Vì một môi trường Internet tinh khiết và trong sạch” được hưởng ứng mạnh mẽ. Trong đó, sáng kiến đang được ủng hộ là xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức trên Internet (do các chính khách, giáo sư của diễn đàn Toàn cầu Boston khởi xướng). 

Ở nhiều quốc gia, nhận thức được nguy cơ từ không gian mạng, nhiều nơi đã thành lập các tổ chức về an ninh mạng (Mỹ đã thành lập “Bộ chỉ huy không gian mạng”, Trung Quốc thành lập “Trung tâm chiến tranh mạng”, Israel thành lập “Lực lượng chuyên trách không gian mạng” và đơn vị “Chiến binh mạng Israel”... ). 

Người đứng đầu “Bộ chỉ huy không gian mạng” Mỹ đã dự đoán rằng “cuộc chiến tranh sắp tới sẽ bắt đầu từ không gian ảo”. Không đâu xa, những cuộc xung đột, khủng bố gần đây đều có sự kích động, hậu thuẫn từ không gian mạng và một số tổ chức đang triệt để lợi dụng điều này để cổ súy cho tư tưởng cực đoan, kỳ thị, hận thù dân tộc, cổ súy các quan điểm đi ngược lại với xu thế phát triển chung.

Rõ ràng, Internet đang bùng phát và không dễ để kiểm soát, nhưng sự chung tay lúc này là cần thiết và cần tiếng nói chung. Ngay trong mỗi cá nhân, nếu mọi ý nghĩ, quan điểm, bình phẩm của mình đều được tung lên mạng, đều “đâm chọc” các vấn đề, sự kiện quốc tế hay trong nước thì sự phức tạp, nhiễu loạn thông tin đã vượt qua sự kiểm soát của mỗi thành viên, chưa nói ở phạm vi cộng đồng, xã hội. 

Bởi thế, trong khi thế giới tiếp tục tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật, xây dựng luật pháp quốc tế về an ninh Internet thì mỗi người khi tham gia vào không gian mạng cần làm chủ bản thân. Không truyền đưa, phát tán các thông tin độc hại, các thông tin chưa được kiểm chứng, không có nguồn gốc đáng tin cậy, không dùng ngôn ngữ dung tục làm tầm thường hóa con người trong các bài viết, tranh ảnh, hay bình luận, trao đổi trên mạng, không cổ súy những quan điểm, tư tưởng thù nghịch, gây hại cho đất nước, cộng đồng… Làm chủ bản thân, đừng để trượt ngã vào bão mạng theo kiểu rơi tự do.

“Muốn làm được điều đó đòi hỏi không chỉ một hệ thống an ninh mạng mạnh bởi như thế vẫn chưa đủ mà mỗi người sử dụng Internet phải xây dựng bức tường lửa cho chính mình” – Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định điều này trong bài viết mới đây về an ninh mạng.

Đăng Trường
.
.
.