Tự tin đi tới

Thứ Sáu, 01/01/2016, 08:36
Tờ lịch cuối cùng của năm cũ đã bỏ lại, đánh dấu thêm một thời đoạn đã qua. Một năm lùi vào quá khứ, đó cũng là lúc ta nhìn lại, ngẫm lại và soát xét xem những việc đã làm được, chưa làm được trong năm cũ và vạch hướng, khai mở những lối đi trong năm tới.

Hơn hai trăm quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới cũng có năm mới đến từng thời điểm khác nhau và cách tận dụng khác nhau, nhưng chắc hẳn, sự hy vọng, khát vọng không cách lệch những mục tiêu mà họ đặt ra. Thế giới mười hai tháng của những tờ lịch đã rạp xuống, còn đó khói thuốc súng bùng nổ nhiều nơi, sự tang thương, chết chóc, sự chia rẽ, xung đột bắt nguồn từ những mâu thuẫn có tính thâm căn cố đế cũng như các bất đồng bột phát. Thực chất, trong dòng chảy lịch sử, thế giới không bao giờ bình yên, những mâu thuẫn trong lòng nhân loại, giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ vẫn luôn tồn tại theo quy luật biện chứng, chỉ có điều tùy từng giai đoạn, thời điểm mà biểu hiện khác nhau, gay gắt, khốc liệt hơn hay trầm lắng hơn. Đáng nói, có những hiểm nguy, hậu họa được sản sinh như một phần của mảng tối thế giới. Nước Mỹ phải mất tới mười năm để tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, thế nhưng không có nghĩa chủ mưu bị hạ thì chủ nghĩa khủng bố thoái trào. Hậu Osama Bin Laden lại là thứ mang tên IS, những phần tử khủng bố cực đoan đang ám ảnh toàn thế giới mà một số nước châu Âu đang trở thành mục tiêu. Hậu quả, dù bất cứ lý do gì, người dân vẫn phải gánh chịu.

Xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hoàn thành xuất sắc trọng trách được giao.

Nhưng nếu như mâu thuẫn vẫn như là một quy luật của nhân loại thì người ta vẫn luôn tìm thấy ở đó khát vọng đi tới tương lai. Hòa bình, đối thoại, hợp tác - một xu hướng chung của xã hội hiện đại vắt từ cuối thế kỷ XX tới nay đang là dòng chảy khách quan và các quốc gia, vùng lãnh thổ đều hiểu rằng, chỉ có như thế, sự phát triển mới đồng hành và không ai có thể tách mình ngoài cuộc. Đó cũng là lý do để những nhà lãnh đạo quốc gia, vùng lãnh thổ biết tiết chế cảm xúc trái tim, biết hạ nhiệt những “cái đầu nóng”, xoa dịu mâu thuẫn, hiềm khích để không trở thành đối đầu, không châm ngòi chiến tranh bùng nổ.

Ở khu vực Đông Nam Á, đã có thêm những hành động thực sự ý nghĩa trên con đường xây dựng lòng tin chiến lược. Đúng ngày cuối cùng của năm 2015, cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập khi bản tuyên bố được ký kết bởi 10 lãnh đạo của các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có hiệu lực.

“ASEAN đã và sẽ luôn là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Một cộng đồng bền vững cần có những thành viên vững mạnh” - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại lễ thượng cờ mừng ngày thành lập cộng đồng.

2016 là năm bản lề giữa hai nhiệm kì Đại hội Đảng, Quốc hội, Chính phủ, năm chuyển tiếp giữa hai kế hoạch 5 năm 2011-2016 và 2016-2021. 2016 cũng là mốc đánh dấu chặng đường 30 năm đất nước đổi mới, hội nhập và phát triển. 30 năm trước, khi khởi đầu giai đoạn xóa bỏ bao cấp, chấm dứt thời kỳ xếp hàng mua gạo, đổi hàng lấy hàng, chúng ta có thể hình dung một diện mạo, cơ ngơi như hôm nay? Bằng những cải biến sâu sắc và toàn diện, quá trình đổi mới đã đem lại những thành tựu phát triển to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội và tình trạng kém phát triển, gia nhập nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp. Trong liên tục nhiều năm, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng khá, góp phần đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu, nâng cao đời sống nhân dân. Đặc biệt là sự ổn định chính trị, giữ vững an ninh, chủ quyền quốc gia, sự đồng thuận xã hội, đồng thuận trong Đảng và nhân dân. Đó là tiền đề quan trọng để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ, phát triển sáng tạo, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Bởi vậy, hòa trong dòng chảy thời cuộc, Việt Nam khai mở năm 2016 với vận hội mới. Dù vậy, những thách thức phía trước và thách thức ngay trong nội tại của nền kinh tế - xã hội đang đặt ra những bài toán khó. Hai mươi năm trước, Đại hội VIII của Đảng chỉ rõ 4 nguy cơ thì ngày nay cả 4 nguy cơ đó vẫn hiện hữu, đặc biệt nguy cơ tham nhũng đe dọa sự tồn vong của chế độ, dù đã được chấn chỉnh bằng nhiều phương sách nhưng thực tiễn đang đòi hỏi sự quyết tâm chính trị lớn hơn nữa, bằng những giải pháp hữu hiệu.  

Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 71, sau khi phân tích tình hình thế giới, khu vực và trong nước ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, trong đó có sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng CAND, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ rõ: “Mục tiêu đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Thực hiện thắng lợi mục tiêu trên đòi hỏi nỗ lực phấn đấu cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó lực lượng CAND cùng với QĐND là lực lượng nòng cốt”.

Đăng Trường
.
.
.