Trò chuyện chủ nhật

Tư nhân chỉ liên kết, không chi phối hoạt động báo chí

Chủ Nhật, 15/11/2015, 08:08
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII lần đầu tiên cho ý kiến vào dự thảo Luật báo chí (sửa đổi), với rất nhiều vấn đề mới đáp ứng nhu cầu phát triển báo chí, yêu cầu của Hiến pháp 2013 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận...

Chuyên mục “Trò chuyện chủ nhật” tuần này dành cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang, đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh về những vấn đề mới bạn đọc quan tâm trong Luật Báo chí (sửa đổi) lần này.

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang: Tôi cảm nhận, dự thảo luật lần này đã có sự thay đổi đáng kể, nhằm cụ thể hoá tinh thần của Hiến pháp 2013 và tạo điều kiện để hoạt động báo chí phát triển… Về quyền tự do báo chí của công dân thì tôi tán thành quan điểm trong tờ trình của Chính phủ, đó là quyền tự do báo chí của công dân thực chất là quyền tự do ngôn luận của công dân trên báo chí. Dự thảo luật đã mở ra những định hướng mới để thực thi quyền của công dân, ví dụ quyền giám sát, phản biện của công dân trên báo chí; công dân có quyền tham gia vào hoạt động báo chí…

Đại biểu QH Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang.

PV: Dường như Luật sửa đổi quy định theo hướng mở để thu hút sự tham gia của tư nhân vào báo chí, theo đại biểu mức độ tham gia của tư nhân như thế nào để tạo ra hiệu ứng tích cực cho báo chí phát triển lành mạnh?

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang: Luật không quy định đối tượng được thành lập cơ quan báo chí là các tổ chức tư nhân, tôi cho là phù hợp. Lực lượng báo chí hiện nay đủ làm diễn đàn cho người dân, không cần thiết phải mở rộng thêm đối tượng. Tuy nhiên, dự thảo luật đã cho phép sự tham gia có mức độ của tư nhân vào hoạt động báo chí thông qua hoạt động liên kết với cơ quan báo chí trong một số lĩnh vực, thể hiện ở Điều 44 của dự thảo luật. Điều này đã diễn ra trong thực tế và nay được luật hóa. Với điều kiện, tình hình kinh tế-xã hội của nước ta hiện nay thì việc để tư nhân liên kết trong một số lĩnh vực của hoạt động báo chí như dự thảo luật là phù hợp, giúp huy động thêm nguồn lực xã hội để phát triển báo chí…

PV: Dự thảo luật cũng nêu ra vấn đề mới là sửa đổi chức danh người đứng đầu cơ quan báo chí từ Tổng Biên tập sang Tổng Giám đốc… Theo đại biểu, quy định này có tác động gì tới chất lượng hoạt động của cơ quan báo chí?

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang: Đây là quy định phù hợp với quy hoạch báo chí của nước ta. Đặc biệt là trong thời điểm hiện nay đất nước đang hình thành các cơ quan báo chí đa phương tiện, tập đoàn truyền thông tích hợp nhiều ấn phẩm báo chí, kênh truyền hình… Tôi chỉ băn khoăn về tiêu chuẩn lãnh đạo cơ quan báo chí, tức người đứng đầu và cấp phó. Dự thảo luật chỉ yêu cầu về trình độ văn hoá, trình độ lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức, độ tuổi mà còn thiếu yêu cầu về năng lực quản lý và làm báo. Đây là hai yêu cầu quan trọng để chứng tỏ người đó có thể đứng đầu và lãnh đạo cơ quan báo chí.

PV: Lại có ý kiến cho rằng quy định đặt văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí tại địa phương phải có sự chấp thuận của UBND địa phương đó là siết chặt và làm khó cơ quan báo chí, quan điểm của đại biểu về việc này?

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang: Quy định việc lập văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí khi hoạt động tại các địa phương cần đơn giản hơn. Quy định phải có ý kiến của UBND tỉnh, thành phố mới được đặt văn phòng đại diện sẽ dễ dẫn đến việc địa phương thích cơ quan báo chí này thì đồng ý, không thích thì lại từ chối, nhất là những cơ quan báo chí đã từng viết bài phê bình địa phương đó. Theo tôi với những điều kiện khá chặt chẽ về điều kiện lập văn phòng đại diện và cử phóng viên thường trú như dự thảo luật quy định, chỉ cần thông báo cho địa phương đó là đủ. Bên cạnh báo chí địa phương, thì các cơ quan báo chí khác tại địa phương sẽ giúp tăng thêm tiếng nói phản biện, tạo động lực cho sự phát triển của địa phương đó.

PV: Hiện cả nước tồn tại 1.610 trang thông tin điện tử tổng hợp, trong đó có 251 trang thông tin điện tử của các cơ quan báo chí. Có một thực tế là rất nhiều trang tin vi phạm bản quyền, “ăn cắp” thông tin từ các báo, theo đại biểu cần sắp xếp lại các trang thông tin điện tử như thế nào?

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang: Có 2 loại trang tin điện tử. Trang tin điện tử của các tổ chức mà thuần tuý thông tin về các hoạt động nội bộ tổ chức của họ thì nên giữ. Còn những trang tin điện tử tổng hợp có thông tin mang tính chất báo chí thì cần tính toán cân nhắc có nên cho phép tồn tại hay không. Phần lớn các trang tin này không nghiêm túc, vi phạm bản quyền trong khi việc kiểm tra, xử phạt thì chưa nghiêm. Nếu vẫn duy trì thì phải có hình thức xử lý nghiêm những vi phạm về bản quyền.

PV: Xin cảm ơn đại biểu!

An Quỳnh (thực hiện)
.
.
.