Truy vấn chuyện “hoàng hôn nhiệm kỳ, bình minh nguyên lão”

Thứ Tư, 18/11/2015, 01:03
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) làm nóng nghị trường với chất vấn thẳng vào chuyện một số cán bộ tăng tốc tham nhũng trước khi nghỉ hưu mà ông gọi là “hoàng hôn nhiệm kỳ, bình minh nguyên lão”.

Hỏi cách mới làm nóng nghị trường

Hỏi về nạn tham nhũng thì không có gì mới nếu không muốn nói “biết rồi, khổ lắm”, thế nhưng xem như cách hỏi của đại biểu Lê Như Tiến thì vẫn có chất liệu làm mới và nóng điều tưởng như đã cũ. Ông nói: Từ thực tế một số quan chức nhà nước thường tăng tốc tham nhũng, cả về tần suất và cường độ vào thời điểm "hoàng hôn nhiệm kỳ, bình minh nguyên lão". Đại biểu chất vấn: “Hiện nay là thời điểm rất nhạy cảm, thời điểm chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Xin Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết trách nhiệm cá nhân và những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để chặn đứng việc quan chức nhà nước chạy đua nước rút để thực hiện những “chuyến tàu vét” cuối cùng trước khi hạ cánh?”. Đại biểu cũng truy vấn trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trước các hành vi vi phạm, hợp thức hóa tài sản Nhà nước thành tài sản nhà mình, bất động sản của công thành bất động sản tư và đề bạt, bổ nhiệm không bình thường vào lúc “xế chiều” hàng loạt cán bộ, công chức thân hữu vào bộ máy công quyền.

Câu hỏi này khiến hội trường rộ lên nhiều sự bàn tán, tỏ ý tán thành cách hỏi của đại biểu. Trước nghị trường, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh lật vài trang tài liệu rồi khá bình tĩnh, ông tìm thấy “bảo bối” trong tay và nói: “Báo cáo của Chính phủ năm 2015 và những nhiệm vụ chủ yếu của năm 2016 có nêu: Chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các giải pháp đồng bộ, các chủ trương phòng, chống tham nhũng. Do đó, trong quá trình triển khai các giải pháp đồng bộ trong hai năm 2015 và 2016 chúng tôi sẽ lưu ý nội dung này của đại biểu. Trong quá trình triển khai sẽ kiểm tra thực hiện và tổ chức thực hiện”.  Về giải pháp thứ hai, Tổng Thanh tra nhấn mạnh, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. “Nếu đối tượng có những vi phạm này là người đứng đầu thì chúng ta phải phát huy vai trò của tổ chức Đảng, của các tổ chức đoàn thể và vai trò của cán bộ công chức, viên chức. Bằng cách các tổ chức này phải có trách nhiệm trong việc giám sát và thực hiện tố giác nếu có các hành vi tham nhũng, tiêu cực” – Tổng Thanh tra nêu rõ. Ông cũng khẳng định ngành Thanh tra sẽ tăng cường phát hiện, thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm, thông qua kênh thông tin từ dư luận, thư tố giác và thông tin từ báo chí…

Dường như đại biểu Lê Như Tiến muốn hỏi thêm khi chưa thấy người đứng đầu ngành Thanh tra đi thẳng vào chuyện “chạy nước rút” cuối nhiệm kỳ, trước khi nghỉ hưu chứ không phải là câu hỏi chống tham nhũng nói chung. Tuy nhiên phần chất vấn tiếp tục bởi ý kiến khác.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) lo ngại tham nhũng không giảm như các nghị quyết đã đề ra mà còn ngày càng tinh vi và có hiện tượng chi phối chính sách luật pháp. “Khi đó chính người tham nhũng sẽ xử lý người chống tham nhũng chứ không phải là ngược lại. Mong Thủ tướng cho biết những cam kết về giải pháp của Chính phủ. Cử tri rất cần những lời cam kết có thể kiểm chứng và xử lý được trách nhiệm về sau”. Đại biểu cũng truy vấn việc Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ và một số nhà máy khác mà báo chí đã đăng gây thất thoát hơn 1 tỷ USD, trong khi chúng ta đang cố gắng đi vay 3 tỷ USD. Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề cập tới tình trạng kinh tế đất nước còn khó khăn nhưng một số địa phương có kế hoạch hoành tráng hoá công sở, tốn kém hàng ngàn tỷ đồng…

Giải đáp thắc mắc về sự lãng phí do các nhà máy gây ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, dự án Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ không đạt so với kế hoạch. Về nhóm giải pháp khắc phục, Bộ trưởng khẳng định sẽ yêu cầu chủ đầu tư rà soát lại máy móc công nghệ, có kế hoạch đào tạo, nâng cao tay nghề công nhân.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng.

Nâng Nghị định 72 thành luật để quản lý trang thông tin điện tử

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về vấn đề trang tin điện tử tổng hợp, đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) đề cập hiện tượng nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp sao chép, cắt dán, lấy cắp thông tin từ các cơ quan báo chí làm thành sản phẩm của mình để nhằm lôi kéo, hấp dẫn công chúng. Họ tung tin với nội dung gây sốc, làm biến dạng thông tin theo hướng giật gân, khai thác sâu vào đời tư cá nhân hoặc bôi nhọ uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân, gây hoang mang trong dư luận và tạo sự bất ổn trong xã hội.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, đến giờ phút này, Bộ đã cấp phép hoạt động cho 1.599 trang thông tin điện tử tổng hợp. Nghị định 72 đã ghi rõ trang thông tin điện tử được phép trích dẫn nguyên văn văn bản quy phạm pháp luật, các bài báo, thông tin chính thống. Thừa nhận các trang tin điện tử đang tồn tại những bất cập nhất định, Bộ trưởng nhận trách nhiệm sẽ vào cuộc chấn chỉnh những sai phạm trong thời gian tới. Trước hết là thu hồi giấy phép một số trang tin điện tử tổng hợp vi phạm pháp luật, hoạt động trái phép, một số người đưa thông tin sai trái; tuyên truyền, nâng cao chất lượng, trách nhiệm của các nhà mạng và những người được cấp phép sử dụng trang thông tin tin điện tử. “Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng với các cơ quan, ban, ngành có liên quan, như Bộ Công an phối hợp ra những văn bản, chỉ thị, thông tư để góp phần hoàn thiện hơn việc quản lý hoạt động này; phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội nâng Nghị định 72 lên thành một luật để quản lý những hoạt động trên môi trường mạng nhưng ngoài hoạt động báo chí” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hết thời gian rồi thì làm sao bây giờ?

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khiến nghị trường bật cười sau khi trình bày khá dài thì hết giờ, ông nói: “Trách nhiệm của tôi là sẽ truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp, chứ hết thời gian rồi thì làm sao bây giờ?”.  Khi đại biểu hỏi Bộ trưởng nghĩ sao chứ du lịch Việt Nam đang thua Lào, Campuchia, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh dí dỏm, thực lòng ông mong du lịch Lào, Campuchia phát triển mạnh hơn nữa bởi “nhờ đó, chúng ta sẽ học được kinh nghiệm”. Theo ông, mỗi quốc gia đều có điều kiện riêng để phát triển riêng. Việt Nam có thế mạnh chính trị - xã hội ổn định, danh lam, thắng cảnh phong phú, đa dạng. Việt Nam là một trong ít quốc gia có nhiều địa danh được UNESCO công nhận ở châu Á. Nói cách khác, du lịch Việt Nam giàu tiềm năng, giàu điều kiện…  Bộ trưởng nói thêm, vì thời gian đương nhiệm không còn nhiều nên khó khiến Quốc hội hài lòng, nhiều vấn đề cấp bách của ngành du lịch “sẽ để lại cho Bộ trưởng nhiệm kỳ tiếp theo”. 

Bình luận về phần trả lời của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dí dỏm: “Đồng chí Bộ trưởng cho Quốc hội đi du lịch mệt quá!”.

Hội trường lại sôi động…

Chủ tịch Quốc hội và đại biểu truy vấn về “hàm cục trưởng, vụ trưởng”

Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình nhận được chất vấn về chức danh hàm (hàm vụ trưởng, vụ phó, hàm cục trưởng, cục phó) và ông có một đêm để suy nghĩ thêm trước khi được người điều hành phiên họp đề nghị trả lời vào sáng 17/11. Câu hỏi chất vấn của đại biểu Bùi Mạnh Hùng. Đại biểu cho biết, tại kỳ họp thứ 8, ông đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về chức danh hàm không có trong quy định của Nhà nước. Lúc đó, Bộ trưởng đã hứa sẽ nêu giải pháp nhưng sau một năm không thấy hồi âm. Ông tiếp tục gửi văn bản chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Nội vụ và được trả lời là đã xin ý kiến Thủ tướng. “Vậy vấn đề chức danh hàm sẽ xử lý thế nào và liệu việc này còn kéo dài tới bao giờ?” - đại biểu hỏi. 

Đăng đàn sau phần trả lời của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã “rút kinh nghiệm” việc nói dàn trải. Tuy nhiên, trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng cũng sa vào lối mòn của người trả lời trước khi trình bày khá dài và cho biết qua nghiên cứu vấn đề hàm có hai luồng ý kiến và Bộ đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

- Đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ, chức danh hàm có đúng luật pháp không, nếu không thì địa phương có được làm theo Trung ương không? - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng truy vấn thẳng. 

 +Vấn đề này chưa có quy định luật pháp và chúng tôi đang nghiên cứu hai phương án và trình Thủ tướng  – Bộ trưởng giải đáp.

- Như vậy việc làm trên là sai, Bộ trưởng trả lời rõ cho địa phương biết là trong khi chờ Thủ tướng có ý kiến, có được tiếp tục làm hay không? – Chủ tịch Quốc hội tiếp tục.

Bị truy vấn sâu, Bộ trưởng Nội vụ tỏ rõ sự lúng túng. Tuy nhiên, ông vẫn kịp “cười tươi” để giải đáp tiếp:

+ Chúng tôi báo cáo Chủ tịch Quốc hội, báo cáo Quốc hội là hiện chưa có quy định pháp luật nào về chức danh hàm, do đó các địa phương cũng như Trung ương chưa được phép “mở” vấn đề này.  Ngày 8-10, Bộ xin ý kiến Thủ tướng và Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì cùng các đồng chí nghiên cứu hoàn thiện đề án. Trong khi đang nghiên cứu thì ở cả Trung ương và địa phương không được tiếp tục làm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có mặt tại phiên họp. Tuy nhiên, Đoàn Chủ tịch không mời Thủ tướng trả lời chất vấn về vấn đề này.

Điều hành phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói: “Nếu dừng vấn đề này cũng rất khó”.

Ý kiến đại biểu

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình): Chất vấn đạt yêu cầu là đi đến cùng sự việc

Hoạt động chất vấn kỳ này, các đại biểu đã mang được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, thông điệp của nhân dân để đặt các câu hỏi trực tiếp với các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành. Sau khi kết thúc chúng ta sẽ tổng kết lại tất cả, về phương pháp chất vấn, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, cái gì là tối ưu thì chúng ta tiếp thu, thay đổi ở những lần sau, điều chỉnh cho phù hợp, hiệu quả. Tuy nhiên đánh giá của cá nhân tôi là kỳ này có sự thay đổi tốt hơn, người hỏi ngắn hơn và đi vào trọng tâm hơn. Tuy nhiên người trả lời cần đi thẳng vào nội dung, sau khi trả lời cần có sự cam kết sẽ làm, thời gian làm bao lâu và đưa ra giải pháp cụ thể, để các ĐBQH và cử tri tiếp tục theo dõi, giám sát. Chúng tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền đã cam kết, đã hứa thì phải thực hiện. Trong quá trình thực hiện vướng mắc gì thì tìm ra nút thắt để gỡ, giải quyết vấn đề. Không để tình trạng kiến nghị xong không giải quyết, hứa rồi để đấy thì cuộc chất vấn không đạt yêu cầu, chất vấn đạt yêu cầu là phải đi đến cùng sự việc.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Nhiều đại biểu hỏi việc rất vụn

Nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi súc tích, thẳng thắn có tầm vĩ mô nhưng cũng có nhiều đại biểu hỏi việc rất vụn, có khi một đại biểu hỏi nhiều Bộ trưởng cùng lúc. Như vậy, muốn hay không thì nó cũng vẫn bị phân tán, người điều hành và người trả lời cũng không tập trung sâu được do không đủ thời gian. 

Theo tôi, kiểu chất vấn này chỉ nên áp dụng đối với kỳ cuối cùng của khóa, còn nếu áp dụng cho các kỳ họp, cần đổi mới lại phương thức. Tức là một đại biểu chỉ nên chất vấn một hoặc hai Bộ trưởng cùng một lĩnh vực và không trao đổi lại các báo cáo, đồng thời chỉ nêu câu hỏi từ 2 đến 3 phút. Như vậy, mới có nhiều đại biểu được đặt câu hỏi và thời gian của phiên chất vấn cần kéo dài 3 ngày, chứ 2,5 ngày như hiện nay là hơn ít.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên): Trả lời dài dòng làm Quốc hội sốt ruột

Theo dõi chất vấn, tôi thấy nhiều Bộ trưởng trả lời dài dòng, tản mát làm Quốc hội sốt ruột, Chủ tịch Quốc hội cũng sốt ruột. Cách điều hành như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là rất hay, ai trả lời dài dòng là cắt, yêu cầu đi thẳng vào vấn đề, điều này cũng giúp việc hỏi và trả lời rõ ràng, sôi động hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của nhiệm kỳ Quốc hội, vẫn còn những tồn tại, hạn chế kéo dài. Có nội dung, có lĩnh vực nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội phản ánh, kiến nghị nhiều lần, được nghị quyết của Quốc hội đề cập trong nhiều kỳ họp, nhưng chậm xem xét, giải quyết, làm cho đại biểu Quốc hội và cử tri không đồng tình.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội): Không lẽ nông dân khóc mãi bên bờ ruộng

Ở phiên chất vấn ngày hôm nay, tôi thấy chủ toạ đã linh động trong điều hành, đưa ra một cải tiến rất hay là rút ngắn thời gian hỏi để có thêm nhiều đại biểu được đặt câu hỏi. Về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương đối với câu hỏi của tôi thì chưa rõ lắm. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng với tư cách là Tư lệnh ngành phải có trách nhiệm quản lý và tổ chức thị trường nhưng do chưa làm tốt nên để lại hậu hoạ cho nông dân. Tại sao để tràn lan trên thị trường các loại hoá chất không nguồn gốc, độc hại, phân bón giả…, để sau đó lúa lép không hạt, thịt lợn không mỡ, cam ngâm tẩm để 1 năm không thối… Theo tôi, Bộ trưởng phải kiến nghị với Quốc hội có giải pháp gì hữu hiệu chứ cứ để thế thì rất gay. Về vấn đề thương lái, tôi nói đến thương lái ăn chặn chứ không phải thương lái nghiêm chỉnh. Thị trường nào mà chẳng cần có thương lái, nhưng đối với những thương lái ăn chặn thì sẽ xảy ra tình trạng như khoai tím Vĩnh Long, dưa hấu Quảng Ngãi, hành tím Sóc Trăng, vải Lục Ngạn ngày xưa… luôn khiến người nông dân phải khổ vì trồng xong không biết bán cho ai. Bộ Công Thương phải có giải pháp tổ chức, chặn thương lái xấu, nếu không nông dân sẽ phải khóc mãi trên bờ ruộng.

Trường Vinh (ghi)

Đăng Minh – Quỳnh Vinh
.
.
.