Trưng cầu ý dân các vấn đề về quốc phòng, an ninh, đối ngoại...

Thứ Năm, 12/11/2015, 20:11
Trong phiên làm việc ngày 1211, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trưng cầu ý dân.


Theo đó, Quốc hội được xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề sau: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh; vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.

Về kết quả trưng cầu ý dân, để bảo đảm hiệu lực của vấn đề trưng cầu ý dân được đông đảo cử tri cả nước tham gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cho tiếp thu theo hướng cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành (Điều 44 của dự thảo Luật).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày Tờ trình Luật về hội (Ảnh: Văn Bình).

Thảo luận tại hội trường, còn có những ý kiến khác nhau trong dự thảo luật này. Lo rằng, nếu quy định tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu trưng cầu quá cao là không khả thi và nếu không tổ chức tốt có thể dẫn đến tình trạng ép cử tri đi bỏ phiếu hoặc cử tri đi bầu thay, làm giảm sút ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân, đại biểu Lâm Lệ Hà (Kiên Giang) phân tích: “Dự thảo luật quy định cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất 3/4 tổng số (tương đương 75%) cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu và nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa (tương đương 37%) số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành. Quy định như vậy là quá cao, Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ, quy định tỷ lệ tham gia và tán thành của cử tri phù hợp để đảm bảo tính khả thi của luật”.

Đại biểu Lâm Lệ Hà đề nghị dự thảo luật chỉ quy định cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ được ít nhất 2/3 (tương đương 65%) tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu, đối với nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa (tương đương khoảng 33%) số phiếu hợp lệ tán thành.

Đại biểu thảo luận tại hội trường ngày 12/11 (Ảnh: Văn Bình).

Không đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) lập luận: “Mục đích của một cuộc trưng cầu ý dân là phải đạt được sự đồng thuận cao của đa số cử tri về một vấn đề hệ trọng của đất nước. Muốn vậy, số cử tri tham gia trưng cầu ý dân phải là đa số và phương án lựa chọn cũng phải là sự lựa chọn của đa số. Quy định như Điều 44 thoạt nhìn có vẻ như đã đạt được yêu cầu nêu trên, tuy nhiên nếu đặt ra một số tình huống thì chúng ta thấy chưa thỏa mãn”.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn nêu ra 2 tình huống để chứng minh cho quan điểm của mình. Trong trường hợp có 3/4 số cử tri (tức 75%) số cử tri đi bỏ phiếu và nếu chỉ cần 50% số phiếu hợp lệ tán thành thì tức là có khoảng 37% số cử tri chọn phương án. Đại biểu đặt giả thiết nếu số phiếu hợp lệ không phải 100% mà chỉ có 90% thì chỉ còn 33% cử tri chọn phương án, nếu là 80% thì chỉ còn 31%, và nếu 70% phiếu hợp lệ thì phương án chọn chỉ còn 27%.

“Nói tóm lại thì số cử tri tán thành một phương án nào đó đều chỉ dưới 1/3 tổng số cử tri cả nước. Tôi tin rằng đó không phải là lựa chọn của đa số thì sớm hay muộn việc đó cũng sẽ dẫn đến sự bất ổn…” – đại biểu Sơn nhận định.

Ở tình huống thứ hai, nếu số cử tri đi bầu là 74%, và 74% đó đều lựa chọn một phương án, có nghĩa là đã đạt được sự đồng thuận rất cao của xã hội, nhưng theo dự thảo luật phương án đó sẽ không được thực hiện vì không đạt được 75%. “Theo tôi, chỉ quy định cuộc trưng cầu ý dân là hợp lệ và nội dung trưng cầu ý dân có giá trị thi hành khi được quá nửa số cử tri trong danh sách tán thành. Như thế chúng ta sẽ đạt được cả 2 yêu cầu: Quá nửa số cử tri tham gia bỏ phiếu và sự lựa chọn là của đa số cử tri”- ông đề xuất.

Căn cứ xử lý đối tượng lợi dụng tổ chức hội
chống phá Đảng, Nhà nước

Chiều 12/11, trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật về hội, Bộ trưởng Bộ nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, tính đến tháng 12/2014 cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương), trong đó có 8.792 hội có tính chất đặc thù.

Tuy nhiên, qua tổng kết công tác quản lý nhà nước về hội và tình hình tổ chức, hoạt động của hội cho thấy còn có những bất cập. Sắc lệnh số 102/SL/L004 được ban hành từ năm 1957 vẫn còn hiệu lực nhưng nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn tổ chức, hoạt động của hội; hệ thống pháp luật hiện hành về hội chưa đồng bộ; chưa có các quy định cụ thể về tạm đình chỉ hoạt động, giải thể và thu hồi con dấu của hội khi tổ chức và hoạt động của hội vi phạm quy định của pháp luật và điều lệ hội... Nhu cầu lập hội ngày càng nhiều và đa dạng, cần phải được điều chỉnh bằng luật để bảo đảm quyền lập hội của công dân và để có đủ căn cứ xử lý các trường hợp lợi dụng tổ chức hội, lợi dụng diễn đàn, đối thoại của hội để chống phá sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tạo ra sự không đồng thuận trong xã hội. Dự thảo luật có 8 chương, 36 điều.

Nâng tuổi trẻ em lên “dưới 18 tuổi”

Tờ trình về dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) cho thấy, điểm mới nổi bật của dự thảo Luật lần này là mở rộng khái niệm trẻ em cả về độ tuổi và phạm vi. Cụ thể, Điều 1 Dự thảo Luật quy định “trẻ em là người dưới 18 tuổi” mà không giới hạn là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi.

Lý giải về thay đổi này, tờ trình cho rằng, người dưới 18 tuổi chưa phát triển đầy đủ, chưa hoàn thiện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và tâm sinh lý, chưa đủ năng lực để thực hiện toàn diện quyền và nghĩa vụ của công dân, cần có sự hướng dẫn, quan tâm, chăm sóc của gia đình, Nhà nước và xã hội, cần được bảo vệ về mặt pháp lý và xã hội. Thứ hai, việc nâng tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi mà không giới hạn là công dân Việt Nam để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, các điều ước quốc tế và hệ thống pháp luật Việt Nam...

Quỳnh Vinh
.
.
.