Trọng dân và vì dân

Thứ Tư, 11/05/2016, 05:52
Thấu hiểu nỗi lo của người dân, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật.


Trong những ngày gần đây, dư luận xôn xao về “Dự án xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng”.

Đây là một siêu dự án kết hợp giao thông với thủy điện sẽ tác động tiêu cực đến hàng chục triệu người dân Bắc Bộ, dù đó là nông dân, công nhân hay bất cứ tầng lớp nào.

Đề án này, theo những thông tin ban đầu – dễ khiến người dân lo lắng khi nó “vẽ” ra một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía Bắc, xuôi xuống một số vùng biển; nạo vét 288km đường sông và kết hợp làm nhiều nhà máy thủy điện nhỏ, kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp đảm bảo cho tàu 400 tấn và sà lan 600 tấn lưu thông quanh năm…

Mặc dù chưa đề ra địa điểm đặt 6 thủy điện trên sông Hồng, đề án đã định hướng làm 7 cảng và âu tàu trên dọc tuyến thủy lộ...

Chưa rõ cái lợi ở đâu nhưng theo nhiều nhà khoa học, nếu dự án này được triển khai, vựa lúa Bắc Bộ có thể chỉ còn trong kí ức và an ninh lương thực khó được bảo đảm vì địa tầng thay đổi, sụt lún trên diện rộng và thiếu nước ngọt từ dòng sông Cái đã bị nhiều đập chặn dòng tích nước; đó là chưa kể những quan ngại về an ninh, quốc phòng…

 Đặc biệt là ý kiến của GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người đã có hơn 60 năm gắn bó với công tác thuỷ lợi: Tính khả thi của dự án là không và có lẽ, mục đích trước hết của nó là nhằm “rút ruột” tài nguyên cát, khoáng sản từ gần 300km của dòng sông Cái đã nuôi sống dân tộc Việt từ hàng ngàn năm nay!

GS Vũ Trọng Hồng cũng nêu ra những ví dụ đau lòng và cảnh báo tuyệt đối không nên giao cho tư nhân triển khai công trình (kiểu như siêu dự án này) trên những dòng sông huyết mạch, (bởi nếu họ bán dự án cho đối tác nước ngoài thì khác nào cõng rắn cắn gà nhà) kể cả những công trình ấy do Chính phủ thực hiện cũng cần phải xem xét kĩ bởi giữa thuỷ điện và thuỷ lợi hoàn toàn khác nhau.

Ở miền Trung, thuỷ điện không giúp gì cho việc chống hạn. Khi người dân cần nước vụ đông xuân, thì thuỷ điện phải tích nước để phát điện. Thuỷ điện có rất nhiều nhưng để phát điện chứ không phải cho nông nghiệp. Nếu có dự án, sông Hồng sẽ chết. Bởi vì lòng sông Hồng sẽ tụt xuống, đồng bằng Bắc Bộ sẽ tụt xuống, nền văn minh sông Hồng sẽ mất đi. Điều này là đau đớn. Thuỷ điện Hoà Bình đã làm đồng bằng Bắc Bộ xuống thấp 1m rồi…

Cũng theo GS Vũ Trọng Hồng, chỉ khoảng 30 năm nữa, nhân loại sẽ bắt đầu phá bỏ dần thuỷ điện. Song các nước tiên tiến như Mỹ đang tiến hành loại bỏ các thuỷ điện nhỏ, bởi nó làm mất đi hệ sinh thái của dòng sông. Trong tương lai, Việt Nam cũng sẽ phá dần thuỷ điện. Thuỷ điện coi như kết thúc số phận!

Rõ ràng, dự án trên là một bài toán duy ý chí, kiểu “tính cua trong lỗ” và đi ngược với xu thế phát triển của xã hội.

 Thấu hiểu nỗi lo của người dân, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành chức năng xem xét lại; yêu cầu phải lập Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng.

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững, báo cáo Thủ tướng Chính phủ… Việc xây dựng Quy hoạch nêu trên phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân trong lưu vực đồng bằng sông Hồng.

Có thể nói, dư luận nói chung và người dân đều “thở phào” sau quyết định kịp thời và ý nghĩa này, bởi nó thể hiện sự tin dân, trọng dân và vì dân của Chính phủ nói chung và Thủ tướng nói riêng. Quyết định này, có thể nói đã ngăn chặn một thảm họa về môi trường và xã hội, đã cứu dòng sông Hồng thoát khỏi “cái chết tức tưởi”.  Người dân mong chờ và cần lắm những quyết định sáng suốt và kịp thời của những nhà quản lí bản lĩnh, trong sạch và đầy tính kĩ trị.

Đây là minh chứng rõ nhất khẳng định quyết tâm của Thủ tướng trong phiên họp đầu tiên của tân Chính phủ diễn ra đầu tháng 5-2016 vừa qua: “Phấn đấu xây dựng một Chính phủ trong sạch, liêm chính, nói không với tham nhũng, tiêu cực và không lãng phí, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ phải làm gương cho xã hội”.

An Khang
.
.
.