Tránh động cơ học lý luận chỉ để thăng quan tiến chức

Thứ Hai, 24/07/2017, 09:29
Học tập lý luận chính trị là cách để người cán bộ tự đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo; để thay đổi hình ảnh của bản thân theo hướng tích cực, thân thiện, gần dân, trọng dân... chứ không phải chỉ với động cơ học để thăng quan, tiến chức.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã chỉ ra những biểu hiện của bệnh lười học tập lý luận chính trị (LLCT) là: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Ở một số cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng LLCT hiện nay, không khó để nhận thấy những biểu hiện của căn bệnh này. 

Bệnh lười học LLCT bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng chủ yếu nhất là từ chính cá nhân người học. Có thể kể tới một số nguyên nhân của căn bệnh này, như:

Một là, người học không xác định được mục đích đúng đắn của việc học tập LLCT, học không vì mục đích tự thân mà vì lý do thăng tiến; học để lấy bằng cấp, để đáp ứng tiêu chuẩn được đề bạt, bổ nhiệm lên những vị trí cao hơn. Động cơ học tập không trong sáng, vì tư lợi cá nhân thì việc học không thể có chất lượng, hiệu quả.

Hai là, trong thời đại công nghệ số, truyền thông, internet phát triển nhanh, một bộ phận giới trẻ, trong đó có những cán bộ trẻ bị phân tán bởi giao lưu, chia sẻ trên internet. Những thú vui trên không gian mạng khiến nhiều người ngại đọc, ngại cầm những cuốn sách, tập giáo trình - nhất là giáo trình LLCT thường trừu tượng, khô khan; họ thích học, thi, viết luận văn theo kiểu ăn xổi, mì ăn liền…

Ba là, với nhiều học viên, trong thời gian đi học LLCT còn nhiều sức ép trước vấn đề tuổi tác, công việc, cuộc sống gia đình chi phối, không thể toàn tâm, toàn ý cho việc học. Niềm say mê, hứng thú nghiên cứu giảm sút.

Bốn là, thực tiễn luôn vận động, biến chuyển không ngừng với nhiều vấn đề mới nảy sinh, trong khi đó ở nhiều cơ sở đào tạo, bồi dưỡng LLCT vẫn còn “tự khép mình”, chậm đổi mới trong biên soạn giáo trình, tài liệu. Nhiều nội dung bị trùng lặp, lạc hậu so với thực tiễn trong và ngoài nước. Chậm cập nhật những tư tưởng lý luận mới của thời đại.

Nội dung và phương pháp giảng dạy, thi cử còn nhiều bất cập. Tình trạng buông lỏng quản lý của cơ sở đào tạo; nạn chạy bằng cấp còn xuất hiện; mở lớp quá nhiều trong khi không xác định được nhu cầu thực chất của việc học… dẫn đến chất lượng giảng dạy thấp, không thu hút, thuyết phục được người nghe, gây nhàm chán, đơn điệu khiến người học ngày càng rời xa những vấn đề LLCT.

Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII thẳng thắn thừa nhận: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu”.

V.I Lênin khẳng định: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”; Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: do "kém về lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông, nhiều cán bộ, đảng viên của ta mắc phải bệnh chủ quan, gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo.

Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại". Vì thế, việc học tập LLCT có vai trò hết sức quan trọng; là công việc cần thiết, cấp bách, thường xuyên và lâu dài.

Với tính chất là loại hình dạy - học đặc thù, để nâng cao chất lượng dạy học LLCT, khắc phục bệnh lười học, xem thường LLCT cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Thứ nhất là, đối với người học, cần thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục đích của việc học: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”.

Phải thường xuyên học tập, trau đồi phẩm chất chính trị, gắn việc học lý luận với thực tiễn công việc hàng ngày: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”.

Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc học LLCT không chỉ dừng ở phạm vi trường lớp mà phải nêu cao tinh thần tự học, học ở mọi nơi, mọi lúc: “học ở trường, ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”.

Cần dành thời gian nghiên cứu kỹ các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nhà tư tưởng, vận dụng vào tình hình thực tiễn. Ở trên lớp, tích cực đóng góp ý kiến trong xây dựng bài học; tiếp thu bài giảng của thầy cô, ý kiến của bạn bè để có thêm những bài học kinh nghiệm cho bản thân. Gắn những tri thức thu được vào thực tiễn cuộc sống, tránh lý luận suông. Không ngừng phấn đấu, tu dưỡng đạo đức cách mạng thông qua con đường học tập.

Thứ hai là, đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng LLCT, cần phải khắc sâu những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác huấn luyện cán bộ, như: “cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều; huấn luyện từ dưới lên trên; phải gắn liền lý luận với công tác thực tế; huấn luyện phải nhằm đúng yêu cầu; huấn luyện phải chú trọng việc cải tạo tư tưởng…”.

Trong bối cảnh tình hình hiện nay, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cần đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ, sáng tạo khâu biên soạn giáo trình, tài liệu. Đào tạo, bồi dưỡng gắn với nhu cầu xã hội, bồi dưỡng theo các chức danh nghề nghiệp giúp người học nâng cao nhận thức, trình độ nghiệp vụ chuyên môn, gắn liền với điều kiện tự nhiên, văn hoá vùng miền. Phải thường xuyên cập nhật những tri thức mới của nhân loại.

Trong quản lý học viên, cần sự nghiêm túc, thưởng phạt nghiêm minh, đúng quy chế đào tạo. Có những kế hoạch cụ thể, thiết thực trong việc kiểm tra đôn đốc thực hiện tốt nền nếp, kỷ cương, tinh thần, thái độ học tập trên lớp, trên thư viện và đi nghiên cứu thực tiễn, viết bài thu hoạch.

Thứ ba là, với đội ngũ giảng viên, cần không ngừng đổi mới tư duy, phương pháp giảng dạy sao cho giờ học trở nên sinh động, hấp dẫn. “Người huấn luyện của đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc… phải học thêm mãi”. Không chỉ truyền dạy LLCT một chiều, người thầy giỏi cần phải biết vận dụng tri thức lý luận vào thực tiễn, biết khai thác những tư liệu từ kinh nghiệm thực tiễn của người học mang đến.

“Ngoài những tài liệu về chủ nghĩa Mác - Lênin, còn có những tài liệu thiết thực. Đó là những kinh nghiệm do những người đi học mang đến, kinh nghiệm thành công cũng như kinh nghiệm thất bại. Những kinh nghiệm đó đem trao đổi, gom góp lại tức là những bài học quý”.

Thứ tư là, với những nhà lãnh đạo quản lý, cần tuyên truyền sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của việc học tập LLCT, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương.

Bên cạnh đó, việc cử đối tượng đi học phải công khai, minh bạch, đúng tiêu chuẩn để kịp thời động viên, khích lệ tinh thần phấn đấu của cả tập thể. Tránh sự cả nể, cử không đúng người, gây lãng phí thời gian, nhân lực, gây sự bất bình trong cơ quan, đơn vị.

Để việc học tập LLCT trở thành nhu cầu tự thân, là động lực quan trọng góp phần làm nên thành công của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải ý thức sâu sắc về trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân trước những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.

Học tập LLCT là cách để người cán bộ tự đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, làm chủ hành động của cá nhân; để thay đổi hình ảnh của bản thân theo hướng tích cực, năng động, tiến bộ, thân thiện, gần dân, trọng dân, chứ không phải chỉ với động cơ học để thăng quan, tiến chức.

TS Nguyễn Huy Phòng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)
.
.
.