Sự kiện và suy ngẫm

Thiên nhiên nổi giận

Chủ Nhật, 15/10/2017, 07:30
Miền xuôi ngập lụt. Miền ngược núi lở, lũ quét. Thiên nhiên nổi giận kéo theo sự mất mát không gì bù đắp. Tôi ước gì công tác dự báo của chúng ta tốt hơn; ước gì không còn những cánh rừng bị tàn phá, môi trường bị hủy hoại; ước gì… Nếu những điều ước này thành hiện thực, biết đâu cơn giận dữ của thiên nhiên sẽ dịu hơn…

Không được dự báo trước, nên cũng chẳng có thông tin cảnh báo nào được phát ra và hậu quả của đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua quá khủng khiếp.

Gần 100 người chết và mất tích; ở các tỉnh miền núi phía Bắc, sạt lở núi, nước lũ cuồn cuộn dâng; ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, nước trắng trời. 

Ảnh vnn

Không chỉ thiệt hại về người, những cánh đồng lúa đang sắp đến mùa thu hoạch có nguy cơ mất trắng; những ao cá, trại lợn trôi theo dòng nước hoặc chết trắng chuồng…; có những cây cầu bị sập, nhiều kilomet đường bị sạt lở, vùi lấp… Chỉ tính từ tháng 7 đến nay, thiên nhiên đã dăm lần nổi giận. Và lần nổi giận này thật kinh hoàng.

Có mặt tại thác Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình chỉ vài tiếng sau khi xảy ra trận lở núi (12-10) khiến 18 người chết và mất tích, một góc xóm Mường bị xóa sổ, tôi càng cảm nhận được sự tàn khốc của thiên nhiên. Đây vốn là nơi cư trú lâu đời của bà con dân tộc Mường. Dưới chân dãy đồi núi trập trùng là cánh đồng lúa. Lúp xúp trong những tán cây là các ngôi nhà sàn.

Lở đất cướp đi sinh mạng 18 người ở Hòa Bình

Cũng như muôn vài bản làng khác ở miền núi, ngày thường nơi đây rất thanh bình. Xóm Mường này còn may mắn hơn bản làng kế bên là có thác Khanh – một thắng cảnh thiên nhiên. Vào dịp hè, trai gái vùng lân cận vẫn đến đây để vùng vẫy trong làn nước mát; để chụp ảnh tự sướng “nuôi fây” (đăng Facebook).

Trong số 4 hộ gia đình bị vùi lấp mất nhà, có những hộ trước đó đặt trước thềm nhà chiếc bàn nhỏ để bán nước và đồ ăn vặt phục vụ khách du lịch. Thế mà chỉ trong thoáng chốc, 3 trong số 4 hộ dân này bị xóa sổ. Hộ gia đình thứ tư do có một người con đi nghĩa vụ quân sự nên may mắn hơn. Ngay trong ngày xảy thảm họa này, người lính trẻ ấy được đơn vị đưa về… Hẳn là anh đã rất đau đớn trước nhìn gì đang nhìn thấy.

Một đồng nghiệp của tôi, phóng viên trẻ Hữu Dư, ở TTX Việt Nam đã ra đi đang tác nghiệp trên cây cầu Thia (thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái). Dòng nước lũ đục ngầu, cuồn cuộn trôi đã quật gãy cây cầu, nhà báo trẻ đã chìm vào dòng nước đang nổi giận. Anh ra đi khi tuổi đời chưa đến 30… Sự khốc liệt của mưa lũ ở miền núi không bút nào tả xiết. Nó cuốn trôi cầu, nhà cửa, đường sá…

Vỡ đê ở Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh vnn

Quê tôi, nước trắng ngập đồng. Mẹ tôi bảo, cái đầm sen mà hồi hè tôi bơi ra hái hoa giờ đã chìm trong biển nước. Những cái bờ cao mà người dân đắp quây đầm để vừa thả sen, vừa nuôi cá giờ mất hút dưới làn nước. Cá bơi ra hết rồi.

Tôi có bà chị đấu thầu một góc cánh đồng đào ao nuôi cá, xây chuồng trại nuôi lợn, nuôi gà thì nước lụt làm cho cá bơi ra đồng, lợn gà chết chìm trong nước lụt... Thuở ấu thơ, tôi đã chứng kiến cảnh nước sông Bưởi dâng cao, gây ngập lụt hết huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Nước lụt làm “bay” mất trường của chúng tôi.

Sau trận lụt, tôi đi học trở lại và tất cả học sinh lớp 1 được được ghép học chung trong căn phòng tạm. Lớp lạ, chỗ ngồi chen chúc, tôi lại nhút nhát nên đến lớp chỉ ngồi ngoài cửa. Hết năm lớp 1, tôi không biết đọc, biết viết…

Lần này, trải rộng khắp các huyện đồng bằng của Thanh Hóa như: Nông Cống, Yên Định, Triệu Sơn, Vĩnh Lộc và những huyện miền núi như Thạch Thành, Như Thanh…, nước các sông Bưởi, sông Mã, sông Chu, sông Càu Chày đều dâng cao gây ngập lụt trên diện rộng.

Anh bạn đồng nghiệp người Nam Định than, “quê em lúa vụ này chắc là mất trắng”. Lúa đang sắp thu hoạch, nước ngâm vài ngày mục thân, nảy mầm là điều khó tránh khỏi. Cả một dải đồng bằng các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình…, nguy cơ mất mùa vụ mười hiển hiện trước mắt.

Miền xuôi ngập lụt. Miền ngược núi lở, lũ quét. Thiên nhiên nổi giận kéo theo sự mất mát không gì bù đắp. Những ngày này, phong trào vận động quyên góp ủng hộ bà con gặp thiên tai đang nở rộ. Từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đến các bạn trẻ. Mỗi nơi, một cách nhưng đều có chung một mong muốn, chia sẻ những khó khăn mất mát cho người dân.

Dẫu biết rằng, thiên tai là khó chống nhưng tôi vẫn ước, ước gì công tác dự báo của chúng ta tốt hơn; ước gì không còn những cánh rừng bị tàn phá, môi trường bị hủy hoại; ước gì… Nếu những điều ước này thành hiện thực, biết đâu cơn giận dữ của thiên nhiên sẽ dịu hơn…

Cao Hồng
.
.
.