Tín hiệu lạc quan sau 365 ngày không yên ả

Thứ Tư, 10/02/2016, 07:22
Thoát ra khỏi thế kỷ XX đầy kịch tính, bước vào thế kỷ XXI người ta ước vọng sẽ được sống trong một thế giới yên bình hơn. Ngờ đâu 15 năm qua loài người chẳng lúc nào được gối cao đầu ngủ yên.


Dưới tác động của xu thế toàn cầu hóa, những mối đe dọa an ninh xuất hiện ngày càng nhiều và mang tính toàn cầu, toàn diện: về chính trị - an ninh, về kinh tế - tài chính, về văn hóa – xã hội, thậm chí cả về khí hậu thời tiết… Năm 2015 là một ví dụ điển hình cho thực trạng đáng buồn ấy.

Về chính trị - an ninh, các vụ khủng bố tàn khốc liên tiếp xảy ra: nào là các vụ đánh bom liều chết như cơm bữa tại các nước Trung Cận Đông; vụ máy bay A320 của Nga bị gài bom rơi trên bán đảo Sinai của Ai Cập; vụ khủng bố kinh hoàng giữa thủ đô Paris; vụ bắt con tin ở thủ đô Bomako của Mali…cướp đi sinh mạng của hàng trăm, hàng nghìn người cho thấy mối đe dọa từ phía các tổ chức khủng bố Al Queda, Boko Hama, IS… đã trở thành mối  hiểm họa to lớn tới chừng nào, đẩy nhiều nước vào trạng thái bất an, nơm nớp lo sợ.

Gắn liền với thảm họa trên là sự rối loạn kéo dài hàng chục năm nay tại nhiều nước Trung Cận Đông và Bắc Phi, từ Afghanistan tới Iraq, Libya, Yemen, Liban, Syria, Niger, Sudan… mà nguồn gốc là những mâu thuẫn nội tại của các nước đó về chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, sắc tộc và sự can thiệp từ bên ngoài. Đặc biệt năm nay cuộc chiến ở Syria chuyển sang trạng thái mới khi nhiều nước phương Tây và cả Nga đẩy mạnh các cuộc không kích đánh vào hang ổ của IS trên lãnh thổ nước này.

Hậu quả của những sự rối loạn nói trên là cuộc khủng hoảng nhân đạo, hàng triệu người từ Trung Cận Đông, Bắc Phi ồ ạt đổ vào Tây Âu gây ra nhiều vấn đề phức tạp về kinh tế- xã hội, về an ninh, chính trị nội bộ nhiều nước và giữa các nước thuộc EU, buộc họ phải xét lại nhiều thể chế khu vực, kể cả thể chế tự do đi lại.

Ở Viễn Đông, mối nguy cơ bất an trên biển Đông vẫn còn đó, nhất là Trung Quốc đẩy mạnh công việc bồi đắp, xây dựng trên các bãi đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị lấn chiếm cuối những năm 80 thế kỷ trước và Mỹ đưa tàu chiến, máy bay vào khu vực để khẳng định mối quan tâm về quyền tự do hàng hải và hàng không ở tuyến đường huyết mạch này.

An ninh mạng trở thành mối quan tâm lớn của nhân loại tới mức cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung phải đặt lên bàn bàn thảo; các lực lượng khủng bố và chống khủng bố cũng tận dụng tối đa phương tiện thông tin hiện đại để đối phó với nhau.

Nói như vậy không có nghĩa là bầu trời chính trị - an ninh không le lói điểm sáng. Xem ra quan hệ giữa Nga với phương Tây, kể cả giữa Mỹ với Nga bắt đầu có những dấu hiệu đối thoại; tam giác Trung – Nhật – Hàn cũng như từng cặp Trung – Nhật, Nhật – Hàn, hai bờ eo biển Đài Loan cũng chứng kiến những dấu hiệu làm lành; cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran được tháo gỡ, quan hệ Mỹ - Cuba được cải thiện, kết quả cuộc bầu cử ở Myanma mở ra khả năng hòa giải dân tộc ở nước này…

Về kinh tế, tuy đỉnh cao của cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ bùng phát năm 2008 đã qua đi nhưng hệ lụy của nó còn dai dẳng, đe dọa sự ổn định của nền kinh tế - tài chính, tiền tệ toàn cầu. Nổi lên là cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp, đặt cả châu Âu lẫn thế giới chứ không riêng nước này bên miệng hố rối ren. Trong một thế giới tùy thuộc lẫn nhau, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là kinh tế Trung Quốc giảm tốc và điều chỉnh tỷ giá đã tác động không nhỏ tới kinh tế toàn cầu. Giá dầu giảm liên tục, có lúc rất sâu gây ra tác động trái chiều: Các nước nhập khẩu dầu khí đỡ gánh nặng nhưng các nước xuất khẩu dòng, trong đó có Nga lại chịu thiệt lớn, rơi vào trạng thái suy giảm nhiều hơn.

Biến đổi khí hậu đã trở thành mối quan tâm của thế giới từ nhiều năm nay, song tiếc rằng mãi chưa đạt được sự đồng thuận về các biện pháp ứng phó. Những biểu hiện bất thường về khí hậu xảy ra trong năm 2015 ở nhiều nước như hồi chuông báo động nhắc nhở mọi người hãy vượt qua lợi ích nhỏ hẹp để cùng nhau cứu vãn hành tinh. Rất may là những thỏa thuận tại Cấp cao ở Paris họp vào cuối năm là dấu hiệu tích cực đối với loài người.

Phải chăng kết thúc có hậu ấy là tín hiệu lạc quan, làm dịu đi mối lo ngại sau một năm đầy rối ren, trắc trở? Ước mong hy vọng đó sẽ trở thành hiện thực trong năm tới.

Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ
.
.
.