Tâm thế thời cuộc

Thứ Tư, 13/01/2016, 22:13
30 năm trước, khi tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, xã hội khó khăn trăm bề, Đảng ta đánh giá: “Một số đảng viên thụ động, bàng quan, bất lực trước sự tràn lan của những tin đồn nhảm, những dư luận ác ý, tê liệt trước sự tiến công của địch về tư tưởng”. 30 năm sau, trải qua 6 nhiệm kỳ Đại hội Đảng, Việt Nam đã ở một vị thế, tâm thế khác, tương xứng với tiềm lực đất nước.


1. Đại hội Đảng, đây là lúc chúng ta cùng nhìn lại, suy ngẫm chặng đường đã đi. 3 thập kỷ chỉ là dấu gạch nối của lịch sử nhưng với một tiến trình phát triển của rất nhiều kế hoạch và sự quyết tâm, đây thực sự là thời đoạn hệ trọng của nước nhà. Hãy nhìn lại tầm này 30 năm trước, khi cánh cửa đổi mới bắt đầu hé mở: với dân số khoảng 61 triệu người, quy mô nền kinh tế chỉ đạt 109 nghìn tỷ đồng, tương đương 5 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người năm 1988 đạt 86 USD/năm, tương đương khoảng 1,8 triệu đồng/người (theo giá quy đổi hiện nay). 

Như vậy, mỗi tháng bình quân một người thu nhập chỉ khoảng 150 nghìn đồng. Ngày đó, thu nhập của người dân thường được quy đổi sang gạo. Bây giờ thử đặt vấn đề: Ai có thể sống với mức thu nhập 150 nghìn đồng/tháng hay vẻn vẹn chỉ có 13kg gạo độn lẫn khoai, sắn? 

Thực ra, với cán bộ, công chức Nhà nước, thời kỳ từ năm 1986 đến khoảng 1990 là gian nan nhất chứ không phải trước 1986. Nguyên do, khi bắt đầu công cuộc đổi mới, cùng việc đổi tiền, thay đổi thói quen hàng đổi hàng, những năm cuối 1980 lạm phát ở mức phi mã. Tiền mất giá, đồng lương nhận sáng thì chiều đã trượt vèo mấy lần giá trị. Cùng với đó là việc xóa bỏ bao cấp khiến con cái ăn theo bố mẹ bị cắt giảm. Tới hôm nay, những thông số đã cách trời vực. 

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2015, quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 4.192.900 tỷ đồng, tức gấp khoảng 40 lần so với năm 1986. GDP bình quân đầu người ước đạt 45,7 triệu đồng/người, tương đương 2.109 USD, gấp khoảng 25 lần so năm 1988.

Báo cáo Đại hội VI nhận định: 5 năm qua (1981-1986) là một đoạn đường đầy thử thách đối với Đảng và nhân dân ta. Cách mạng nước ta diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những thuận lợi cơ bản, nhưng cũng có nhiều khó khăn phức tạp. Đại hội cũng nhận rõ: Tình hình kinh tế - xã hội đang có những khó khăn gay gắt; sản xuất tăng chậm; hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp; phân phối lưu thông có nhiều rối ren; những mất cân đối lớn trong nền kinh tế chậm được thu hẹp; quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa chậm được củng cố; đời sống nhân dân lao động còn nhiều khó khăn… 

Cùng khủng khoảng kinh tế, vấn đề tư tưởng chính trị khi đó cũng rất đáng lo ngại. Đại hội VI đã đánh giá: “Đã có lúc, có nơi, một số đảng viên thụ động, bàng quan, bất lực trước sự tràn lan của những tin đồn nhảm, những dư luận ác ý, tê liệt trước sự tiến công của địch về tư tưởng… Để khắc phục tình trạng không bình thường đó, cần tổ chức lại công tác đấu tranh chống chiến tranh tâm lý của địch, nhất là ở những thành phố lớn”.

Đại hội XII của Đảng đánh dấu 30 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới.

Nhìn lại, có thể thấy hạt nhân đổi mới kinh tế đã được Đảng ta khai mở bằng việc đưa ra quan điểm mới về cải tạo xã hội chủ nghĩa (XHCN) dựa trên 3 nguyên tắc: Nhất thiết phải theo quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất để xác định bước đi và hình thức thích hợp. Phải xuất phát từ thực tế của nước ta và là sự vận dụng quan điểm của Lênin coi nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ. Trong công cuộc cải tạo XHCN phải xây dựng quan hệ sản xuất mới trên cả 3 mặt xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, chế độ quản lý và chế độ phân phối XHCN.

Dự thảo văn kiện Đại hội XII nhận định: Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trước đây, chúng ta còn đói kém nhưng đã có lúc ngộ nhận về sự “tiến kịp lên CNXH”, thậm chí có quan điểm vô cùng lạc quan khi tính đường lên CNXH chỉ bằng vài kế hoạch 5 năm, 10 năm. Nhưng khi Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, lại có tư tưởng bàng quan, mơ hồ về con đường đi tới. 

Trải qua thực tiễn đổi mới, nhận thức lý luận của Đảng ta về các đặc trưng của xã hội XHCN được phát triển qua các nhiệm kỳ đại hội, nhất là trong Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011. 

Đặc biệt, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH được thông qua tại Đại hội VII (1991) xác định: Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội do nhân dân lao động làm chủ; có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới. Từ 6 đặc trưng được nêu trong Cương lĩnh năm 1991, Đảng ta đã bổ sung, phát triển thành 8 đặc trưng ở Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011.

2. Giờ đây, khi đã có nền tảng vững vàng, vị trí tương xứng, câu hỏi đặt ra: Bao giờ chúng ta xây dựng thành công CNXH (mô hình CNXH với 6 đặc trưng như Cương lĩnh năm 1991)? Thực ra, trong 6 đặc trưng này, đã có những đặc trưng chúng ta đạt được nhưng xét tính toàn diện và chiều sâu thì rõ ràng còn khoảng cách quá lớn, ví dụ như về kinh tế, để “có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” thì chưa ai trả lời được bao giờ (10 năm, 20 năm, 50 năm hay 100  năm…) chúng ta đạt được trình độ đó. 

Diện mạo đất nước ngày càng hiện đại, phát triển. 

Trong chiến lược phát triển, lâu nay chúng ta cũng chỉ đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp, nhưng tiêu chí nước công nghiệp hiện đại chỉ là sự khởi đầu so với tiêu chí khó khăn hơn nhiều của nước XHCN.

Các nước XHCN khác thì sao? Hãy xem Trung Quốc - nước láng giềng XHCN đặt ra mục tiêu như thế nào?

Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước Quốc hội Việt Nam hồi tháng 11/2015, ông nói: “Đối với tình hình trước mắt, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang giương cao ngọn cờ XHCN mang màu sắc Trung Quốc vĩ đại, đoàn kết dẫn dắt mọi lực lượng của Trung Quốc, xây dựng xã hội khá giả toàn diện, tiến hành cải cách sâu rộng, xây dựng quốc gia pháp trị toàn diện mọi mặt, thi hành nghiêm khắc chiến lược phát triển của Đảng. 

Nỗ lực phấn đấu hoàn thành thực hiện mục tiêu xã hội khá giả toàn diện vào thời điểm chào mừng 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời thực hiện mục tiêu to lớn đưa Trung Quốc trở thành quốc gia XHCN hiện đại hóa, giàu mạnh, hài hòa vào thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước CHND Trung Hoa”.

100 năm ngày thành lập nước CHND Trung Hoa là vào năm 2049, tức còn 33 năm nữa. Trung Quốc đặt mục tiêu đến lúc đó “trở thành quốc gia XHCN hiện đại hóa, giàu mạnh, hài hòa” là khả thi hay lạc quan quá mức? 33 năm nữa để hoàn thành mục tiêu nước XHCN hiện đại hẳn là ý nghĩ rất táo bạo của Trung Quốc, mục tiêu đó có lẽ mang tính động viên tinh thần hơn là hiện thực, cho dù họ hiện là quốc gia có GDP đứng thứ hai thế giới (khoảng hơn 9 nghìn tỷ USD, gấp 45 lần Việt Nam) và thu nhập bình quân đạt khoảng hơn 7  nghìn USD (gấp 3 lần Việt Nam).

Việt Nam đã ở bậc thang khác xa chính mình 30 năm trước, nhưng so các nước trong khu vực thì nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn hiện hữu. Báo cáo tại Hội thảo “Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015-2035”, Tổng cục Thống kê cho biết, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang kém so với Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, Malaysia khoảng 25 năm, Thái Lan khoảng 20 năm, Indonesia và Philippines khoảng 5-7 năm. So với một số nước trong khu vực, mức GDP hơn 186 tỷ USD (năm 2014) vẫn còn nhỏ bởi GDP của Indonesia gấp 4,8 lần, Thái Lan gấp 2 lần, Malaysia gấp 1,8 lần, Singapore gấp 1,7 lần và Philippines gấp 1,5 lần.

Nhìn nhận như vậy để thấy chặng đường phía trước còn nhiều gian nan và thời kỳ quá độ lên CNXH là một tiến trình bền bỉ, lâu dài, chưa thể biết kéo dài bao lâu. Nhưng thành quả công cuộc đổi mới mấy chục năm qua đã chứng minh rằng, con đường chúng ta đang đi là sự lựa chọn khách quan, đúng đắn, xã hội chúng ta đang xây dựng là ý nguyện lòng dân. Thực tiễn cũng khẳng định, một khi ý Đảng, lòng dân đồng thuận, tâm thế vững, nhất định chúng ta vượt qua thách thức để tự tin đi tới.

An Nhi
.
.
.