So với mình và so với người

Thứ Tư, 01/05/2019, 10:12
1-5, người lao động toàn thế giới nghỉ ngơi. Lúc này đây, có hai sự so sánh để hiểu chính mình – lao động quốc gia đang phát triển và được đặt nhiều kỳ vọng.

Trước hết, so với mình. Khi so sánh thời điểm hiện tại, chúng ta thường lấy mốc đầu đổi mới làm cơ sở để rọi xét xem mình tiến lên nhanh chậm ra sao. Khi so sánh mốc này, tất thảy chúng ta đều nhìn thấy rõ sự tiến triển vượt bậc về chất của nền kinh tế, năng suất, hiệu quả lao động, tổng thu nhập đầu người hiện nay với hơn 30 năm về trước. 

Từ chỗ người người cơm ăn không đủ no, áo không đủ mặc, từ cảnh người lao động xếp hàng chen lấn mua từng cân gạo, lạng thịt cho “qua ngày đoạn tháng” thì nay, chúng ta đã không còn lo nghĩ việc “ăn no, mặc ấm”, bước vào giai đoạn cao hơn “ăn ngon, mặc đẹp”, thậm chí, nhiều người vượt lên mức “ăn sang, mặc chảnh”, không còn quan tâm đến giá trị đồng tiền trong ăn mặc… 

Năm 1986, tổng thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 86 USD/năm, đến năm 1990, GDP bình quân đầu người cũng chỉ đạt 98 USD (trong khi cùng thời điểm, Lào là 186 USD, và Campuchia 191 USD). GDP bình quân đầu người tăng gấp 21 lần; chênh lệch GDP bình quân đầu người của Việt Nam so với các nước cũng dần được rút ngắn. 

Nếu như trước đổi mới GDP tăng chưa đầy 4% thì sau đổi mới, có những năm GDP tăng đến 8-9%. Trung bình từ 1986 đến nay, GDP tăng trưởng bình quân ở mức 6,6% năm. Quy mô kinh tế tăng 39 lần, lên mức 245 tỷ USD vào năm 2018. GDP bình quân đầu người tăng 27,4 lần, đạt gần 2.590 USD vào năm ngoái.

Chất lượng tăng trưởng không ngừng cải thiện. Năm 2016, để có 1% tăng trưởng GDP thì cần tới 2,94% tăng trưởng tín dụng; năm 2017 chỉ số này giảm xuống còn 2,68%. Năm 2018, ước tổng tăng trưởng tín dụng theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước là khoảng 14%, với mức tăng trưởng 7,08% thì chỉ số % tăng trưởng tín dụng cần thiết cho 1% tăng trưởng GDP chỉ còn là 2,1%".

Như vậy, so với chính mình trong quá khứ, Việt Nam đã thiết lập những dấu mốc mới về kinh tế vô cùng ấn tượng. Năm 2010, Việt Nam ghi danh vào nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp sau nhiều thập kỷ nằm trong nhóm nước thu nhập thấp của Ngân hàng Thế giới (WB). Ngay từ thời điểm bắt đầu vào ngưỡng này, tăng trưởng GDP đã chậm lại (GDP Việt Nam bắt đầu vòng xoáy suy giảm từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, rơi từ 8% xuống còn 5,3% năm 2009, và quanh mức 6,5% cho tới nay).

Thứ hai, so với các nước trong khu vực và thế giới, so năng suất lao động (NSLĐ) của người Việt, lại cho thấy còn rất nhiều áp lực, khoảng cách. Theo Tổng cục Thống kê, NSLĐ của Việt Nam thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng cao trong khu vực ASEAN nhưng năng suất của Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. 

NSLĐ của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7,0% mức năng suất của Singapore; bằng 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; bằng 42,3% của Indonesia, bằng 56,7% của Philippines. Có thể tính, 1 người lao động Singapore làm ra sản phẩm bằng 13 người Việt. Chênh lệch về NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.

So sánh những điều trên đất nước ngày càng phát triển, tiến xa hơn nhiều so với quá khứ, nhưng vẫn có khoảng cách rất lớn nếu so với Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia... cách đây 30, 50 năm đã có trình độ phát triển gần giống Việt Nam hiện nay. 

Tại buổi gặp gỡ trước thềm năm mới Kỷ Hợi, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu không ít trăn trở cho kinh tế Việt Nam.“Khi Việt Nam chạy thì các nước chạy với tốc độ nhanh hơn”, vì thế so với khu vực những con số thống kê trên “chưa thấm vào đâu”. 

So với một số nước trong khu vực quy mô kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn (năm 2017, quy mô kinh tế Indonesia gấp 4,5 lần; Malaysia gấp 1,4 lần hay Hàn Quốc gấp 6,8 lần Việt Nam). Việt Nam vẫn đang thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, xếp thứ 136/168 nước. GDP bình quân đầu người chỉ ngang mức của Malaysia cách đây 20 năm, Thái Lan 15 năm hay Indonesia 10 năm trước", Bộ trưởng Dũng nêu.

Như vậy, hai phép so sánh trên cho chúng ta những suy ngẫm:

Một, so sánh với chính mình trong quá khứ để thấy tự hào về thành quả đạt được, để thấy sự tiến bộ lớn lao trong hơn 3 thập kỷ qua, chúng ta đã bước qua những ngưỡng thử thách và đúc rút nhiều kinh nghiệm bổ ích. So sánh với chính mình cũng để thấu hiểu về đất nước, về một thời kỳ gian nan mà cha ông đã ráng sức vượt qua, từ đó ý thức trách nhiệm với hiện tại và tương lai.

Hai, so sánh với người, với các nước để thấy rõ hơn vị trí mà mình đang đứng, thấy được thách thức trong chặng đường phía trước. Thành quả đạt được là lớn lao nhưng “mình đi thì họ còn đi nhanh hơn”, trong khi xuất phát điểm họ đã cao hơn. Do đó, đặt ra việc thu hẹp khoảng cách là không hợp lý, thay vào đó là thúc đẩy tăng trưởng, tăng NSLD, bắt kịp yêu cầu mới.

Ba, so sánh để ý thức trách nhiệm với chính mình, với quê hương, đất nước mình, để làm sao mỗi người góp sức vươn lên “cho bằng bạn, bằng bè”. Ngược lại, nếu thấy họ cao sang hơn mình, rồi thì mình tự ti, mặc cảm, ca thán, oán trách bậc tiền nhân và chửi bới chính quyền, miệt thị thể chế, đó là thói hư tật xấu chỉ gây thêm phiền nhiễu, tâm lý nặng nề, thực tai hại cho sự phát triển.

Đ.Trường
.
.
.