Sao lại miệt thị nỗi đau của con người?

Thứ Ba, 29/10/2019, 07:48
Thông tin về 39 thi thể trong thùng container đông lạnh thuộc hạt Essex, Vương quốc Anh gây bàng hoàng dư luận thế giới. Cho đến hôm nay, Cảnh sát Anh vẫn đang nỗ lực thực hiện các thủ tục nhận diện, chưa đưa ra thông tin chính thức nào về danh tính và quốc tịch của các nạn nhân. Tuy nhiên, bằng những thông tin, dấu hiệu thu nhận được, một số gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh nhận định nhiều khả năng con em mình là nạn nhân trong vụ việc tang thương này.


Trước thực tế đó, điều chúng ta mong mỏi lúc này là sự vào cuộc tích cực, khẩn trương của cơ quan chức năng, sớm có thông tin xác thực về danh tính, quốc tịch nạn nhân và trong trường hợp xác định trong số các nạn nhân có người Việt thì sớm đưa được thi thể nạn nhân về với gia đình, quê hương. Những cái chết nơi xứ người, nhất là trong những trường hợp di cư như vậy, việc phối hợp, đưa thi thể nạn nhân về quê hương phải qua nhiều công đoạn, khó khăn về thời gian, không gian, địa lý, các thủ tục ngoại giao…

Vậy nên, trong lúc này, không gì hơn, chúng ta cần sự chia sẻ, động viên về tinh thần tới những gia đình đang có thân nhân được nhận định liên quan đến vụ việc tang thương này.

Thật đau lòng, khi thông tin chưa rõ ràng, vụ việc đang được cơ quan chức năng Việt Nam và Anh, các bên liên quan vào cuộc một cách khẩn trương, trách nhiệm thì trên mạng Internet, nhiều người đã vội vàng phán xét, đưa ra những bài viết, lời lẽ đi ngược với tình nghĩa đồng bào, đi ngược với đạo đức, lối sống, đạo làm người.

Nhiều người khi thấy thông tin có khả năng liên quan đến con em lao động người Việt thiệt mạng trong thùng container đã ngay lập tức phê phán chính sách đưa người đi lao động tại nước ngoài của Nhà nước Việt Nam. Họ lan truyền những tấm hình vốn là khẩu hiệu về việc khuyến khích đưa người đi lao động tại nước ngoài (xuất khẩu lao động - XKLĐ) như “XKLĐ là thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương”; “Muốn thoát nghèo, hãy tham gia XKLĐ”; “XKLĐ là giảm nghèo nhanh hơn”…

Bằng việc suy diễn rất khập khiễng vụ việc với chính sách XKLĐ của Nhà nước, của các địa phương rồi quy kết tai nạn, thảm kịch là do… đường lối sai, do bị chính quyền “xúi giục”, một số bài viết khơi lại vụ Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường rồi nói rằng, vì chính quyền không xử lý đến nơi, đến chốn, bao che cho doanh nghiệp nước ngoài xả thải nên đẩy người lao động vào bần cùng, buộc phải bươn chải ra nước ngoài kiếm sống, để rồi dẫn tới vụ việc đau lòng ở Anh như vậy!

Trong khi đó, không ít đối tượng lại liên hệ với tình trạng tham nhũng, tiêu cực hiện nay, về việc xử lý những quan chức tham nhũng vừa rồi, nói rằng giờ ở trong nước “quan ăn hết, dân không còn gì” nên phải tha phương cầu thực, bỏ đi xa xứ dù biết là hiểm nguy, bỏ mạng.

Mượn gió bẻ măng, nhiều người đã có tư tưởng cổ suý cho những quan điểm lệch lạc rằng, đã độc lập, tự do rồi, sao lại phải trốn đi nước ngoài lao động, từ đó tung ra những luận điệu mang tính thù hận rằng, người Việt ra đi là vì không chịu được với thực cảnh trong nước, vì chế độ, vì mất tự do, dân chủ, mất niềm tin…

Họ so sánh sự việc này với thực cảnh nhiều người Việt rời đất nước ra đi sau năm 1975 dạng “thuyền nhân” để miệt thị chế độ, nguyền rủa Đảng, Nhà nước với những lời lẽ rất tiêu cực. Có người suy diễn rằng, những nạn nhân “là hình ảnh chúng tôi ngày xưa, những người tỵ nạn!!! Họ hoàn toàn mất niềm tin vào cuộc sống nơi quê nhà, chết họ cũng ra đi, xin đừng nghĩ rằng họ ra đi chỉ vì tiền, họ can đảm hơn nhiều”.

Điều đáng nói, quan điểm, tư tưởng đó không chỉ xuất hiện trên những trang mạng thù địch, phản động nước ngoài mà ngay cả trong nước, không ít người vẫn có tâm lý a dua, hùa theo, cổ súy theo. Họ share bài viết có nội dung xấu, độc về tường Facebook của  mình hoặc đưa ra các bình luận, ý kiến có tính cổ suý.

Thực tế đó khiến dù vụ việc tại Anh đến nay chưa có thông tin chính thức từ cơ quan chức năng nhưng các “thầy phán” đã mặc sức bình phẩm, tạo ra những thông tin rất phản cảm, gây nhiễu và những quan điểm lợi dụng chống phá đất nước, chế độ.

Trong lúc bao gia đình còn đau đáu ngóng tin con, buồn bã, đau lòng khi có các dữ liệu, cơ sở cho thấy nhiều khả năng con mình là nạn nhân trong 39 thi thể được phát hiện nơi xứ người, chúng ta cần sự chia sẻ, sự cảm thông, động viên, giúp đỡ. Như thế mới là đạo nghĩa, là cái lẽ sinh tử ở đời. Sao trong lúc hoang mang như thế, lại đi bình phán, miệt thị, xúc xỉa ở đây, và lại đưa những sự suy diễn, quy kết rất lố lăng?

Một bạn đã bất bình trước hiện tượng phán xét tuỳ tiện đó, chia sẻ trên nhóm OFFB rằng: “Họ là đồng bào mình (nếu thông tin những nạn nhân đó là người Việt), vậy mà lại có những kẻ phán xét người khác, buông những lời cay độc với người đã khuất mà tôi thấy căm phẫn. Việt Nam ta có câu “nghĩa tử là nghĩa tận”, lẽ nào… Hãy nhìn người Anh, mặc dù rắc rối, phức tạp bởi người nhập cư, vượt biên trái phép nhưng họ vẫn tới viếng và cầu siêu cho các nạn nhân, đó là sự văn minh không sáo rỗng, là nhân bản của con người…”.

Nhiều bạn cũng lên tiếng đề nghị “xin đừng phán xét”, đừng nguyền rủa các nạn nhân và đặc biệt là không thể vin vào đó để nói rằng họ là nạn nhân của chế độ, chế độ không đủ tạo cơ hội cho họ sống trong nước mà phải tha phương cầu thực, bỏ mạng ở nước ngoài.

Chúng tôi thấy rằng, cần nhìn nhận vụ việc dưới 3 vấn đề sau:

Thứ nhất, việc lấy vụ việc ra để so sánh, phê phán chính sách XKLĐ của Nhà nước là hết sức lệch lạc. Chính sách XKLĐ của Đảng, Nhà nước đã được thể hiện trong các nghị quyết, chỉ thị và quy định trong Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Đối với vụ 39 thi thể bị phát hiện trong thùng container ở Anh là thuộc trường hợp di cư  bất hợp pháp, người lao động đã rơi vào đường dây đưa người trốn ra nước ngoài, bị thao túng bởi các đường dây buôn người quốc tế. Việc so sánh vụ việc với chính sách XKLĐ của Đảng, Nhà nước là hết sức sai lệch về bản chất.

Tuy nhiên, khi vụ việc, hậu quả xảy ra, dù bị nạn theo cách nào, con đường nào thì các cơ quan chức năng Việt Nam cũng bằng trách nhiệm, nỗ lực cao nhất để phối hợp cơ quan sở tại, xác định danh tính, làm các thủ tục giải quyết.

Thứ hai, dựa vào vụ việc để miệt thị chế độ là trò lố lăng. Trong điều kiện nguồn lao động trong nước dồi dào và bối cảnh quốc tế cần sự hợp tác của lao động đa quốc gia, XKLĐ là chính sách phát triển của nhiều quốc gia, nhất là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Do đó, không thể xuyên tạc việc lao động ra nước ngoài làm việc là vì mất niềm tin, không có chỗ sống, làm việc trong nước, càng không thể nói theo kiểu nước nhà độc lập, tự do, sao dân phải xa rời quê hương!

Hiện, hoạt động XKLĐ của Việt Nam đang ngày càng mở rộng đến nhiều quốc gia và các vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đáp ứng một phần nhu cầu về nguồn lao động của các nước, với đủ các loại hình lao động khác nhau. Đồng thời, hoạt động này đã tạo cho người lao động Việt Nam nhiều cơ hội làm việc, tìm kiếm được nguồn thu nhập tốt.

Theo ước tính, Việt Nam hiện có hơn 500.000 lao động đang làm việc trong 30 ngành công nghiệp khác nhau ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân mỗi năm gửi về nước khoảng 2,5 tỷ USD. Kết thúc năm 2018, ghi nhận kỷ lục là năm thứ 5 liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt ngưỡng 100.000 lao động/năm.

Đương nhiên, trong thực hiện đưa người đi lao động ở nước ngoài cũng còn những bất cập, lỗ hổng; quá trình đi lao động còn hiện tượng lừa đảo, lợi dụng, những rủi ro, tai nạn ở nước ngoài.

Thứ ba, cần nhìn nhận vụ việc về đạo lý và pháp lý. Đối với những người ra đi bất hợp pháp, sa vào các đường dây đưa người vượt biên, trốn ở lại nước ngoài, đây cũng là thực tế đang xảy ra ở một số địa phương.

Có thể, nhiều người đã nghe, tin vào những lời đường mật về cuộc sống, thu nhập tươi đẹp hơn khi đến Anh hay những nước tư bản phát triển mà đã dấn thân, bất chấp việc phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ (có thông tin cho biết, để trốn sang Anh lao động, họ phải bỏ ra không dưới 30.000 bảng Anh, tức gần 1 tỉ đồng).

Nếu như xác định nạn nhân người Việt chết trong thùng container kia thì lúc này, chúng ta cần sự sẻ chia với mất mát, đau thương tới gia đình thân nhân theo đạo lý, tình nghĩa đồng bào. Về khía cạnh pháp lý, xã hội, đây cũng sự cảnh báo với các gia đình, hãy tỉnh táo trước khi quyết định cho con em ra nước ngoài.

Mọi trường hợp vượt biên là phi pháp, lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, từ sức khoẻ tới tính mạng, do đó cần tỉnh táo trước những cám dỗ, đường mật của những đối tượng trong đường dây đưa người trốn ra nước ngoài, cảnh giác với nạn buôn người vốn là vấn nạn báo động ở nhiều nước hiện nay.

Kết lại bài viết này, chúng tôi muốn nhắc đến thư của một sinh viên Đại học Sheffield Hallam (Anh) chia sẻ cảm xúc về câu chuyện nhiều người nhập cư trái phép đến xứ sở sương mù: “Tôi mong là Vương quốc Anh và các nước liên quan mau chóng điều tra vụ án, tìm ra danh tính những người bị nạn và xác nhận về với gia đình của họ.

Ngoài ra, tôi cũng hi vọng những người có ý định nhập cư lậu qua Anh phải suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi chọn con đường này, nhiều khi cái giá phải trả không chỉ bằng tiền. Trên hành trình nhập cư lậu, các di dân đối mặt với cơ chế kiểm soát biên giới khá phức tạp của cả Anh lẫn EU và dĩ nhiên cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ kèm theo khác.

Đã từng có những di dân như Carlito Vale, Jose Matada và Mohammed Ayaz được cho là đã ngã và tử nạn từ phần khung gầm của máy bay sau khi trốn ở đó với hi vọng nhập lậu thành công vào Anh. Ước tính khoảng 1.080 người đã chết cho tới nay trong hành trình vượt Địa Trung Hải để đến được châu Âu. Đó là những cái chết không phải do tai nạn, cũng không phải chuyện chỉ xảy ra một lần…”.

Minh Đăng
.
.
.