Sẵn sàng từ chối "dự án đen" để tránh thảm hoạ

Thứ Bảy, 02/07/2016, 16:33
"Tôi vừa mừng vừa lo. Nếu như Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói đã trải qua 84 ngày đêm nặng trĩu thì ông ấy sẽ phải có thêm ít nhất 840 ngày đêm mất ngủ nữa. Sự việc không phải đã kết thúc mà chỉ mới bắt đầu"- PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam bày tỏ...



Về việc Formosa thừa nhận là thủ phạm làm cá chết hàng loạt và cam kết bồi thường 500 triệu USD, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam bày tỏ: "Tôi vừa mừng vừa lo. Nếu như Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói đã trải qua 84 ngày đêm nặng trĩu thì ông ấy sẽ phải có thêm ít nhất 840 ngày đêm mất ngủ nữa. Sự việc không phải đã kết thúc mà chỉ mới bắt đầu". 

PV: Sau gần 3 tháng chờ đợi, việc chỉ mặt đặt tên thủ phạm và buộc họ phải bồi thường được coi là một thắng lợi lớn. Theo ông, thắng lợi này thuộc về ai?

Sau gần 3 tháng mới truy tìm được thủ phạm gây ra cá chết hàng loạt

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Thắng lợi này thuộc về Chính phủ và nhân dân. Chúng ta đã từng lúng túng và bị động, cho đến khi Chính phủ vào cuộc thì mọi việc bắt đầu có sự chỉ đạo, phân công nghiêm túc và có sự phối hợp hiệu quả. Đặc biệt khi các cơ quan quản lý đặt lòng tin vào các nhà khoa học trong nước và quốc tế, và họ đã không phụ lòng tin của Chính phủ và nhân dân. Về việc truy tìm nguyên nhân cá chết, đóng góp lớn nhất thuộc về các nhà khoa học, trong đó tiên phong là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với sự tham gia của hơn 100 chuyên gia khoa học đầu ngành tại 32 Viện nghiên cứu cùng với sự phối hợp của các chuyên gia nước ngoài. Cần phải khen thưởng kịp thời các tập thể khoa học như vậy.

PV: Mối quan tâm rất lớn lúc này là sử dụng 500 triệu USD sao cho hiệu quả. Ông nghĩ sao về điều này?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Đây là tiền đền bù cho vùng bị ảnh hưởng với 2 mục tiêu chính là phục hồi môi trường và hỗ trợ sinh kế cho người dân. Ngay lúc này, phải xác định rõ đối tượng nào được hưởng. Chính phủ nên ưu tiên cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Khi biển không còn cá thì bài toán đặt ra là sinh kế người dân sẽ ra sao. Formosa cam kết sẽ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân thế nhưng những con người bao đời làm nghề cá, họ biết làm gì khi không ra khơi? Người dân nghèo là đối tượng rất dễ bị tổn thương, nguồn sinh kế tự nhiên của họ đã bị tước đoạt, chuyển sang sinh kế mới cũng không đơn giản. Nhà nước không nên áp đặt việc chọn sinh kế gì để chuyển đổi mà hãy để người dân tự lựa chọn.

PV: Theo ông, câu chuyện Formosa cho chúng ta bài học gì?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Chúng ta vẫn chưa cân bằng được mối quan hệ giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Bằng chứng là chúng ta vẫn ưu tiên cho lợi ích trước mắt mà chưa cân nhắc tới lợi ích lâu dài. Việc giải quyết lợi ích quốc gia và lợi ích cục bộ địa phương cũng chưa hài hoà. 

Khi chúng ta cho thuê dài hạn một vùng đất và chọn một “dự án đen”, chúng ta chưa cân nhắc kỹ vấn đề môi trường và cũng chưa quan tâm nhiều đến khía cạnh an ninh, quốc phòng. Điều này nhìn từ Formosa rất rõ. Lẽ ra khi họ thuê đất để làm ăn thì phải "nhập gia tuỳ tục" nhưng chúng ta muốn vào kiểm tra cũng rất khó vì đây là ‘đại dự án’ và có tính chất “đặc biệt” theo như lí giải của họ. Sau này, khi thời hạn thuê đất đã hết, việc lấy lại đất cũng chắc gì đơn giản. Sự cố Formosa vừa qua cũng cho thấy chúng ta không có kế hoạch hành động quốc gia để sẵn sàng ứng phó với các thảm họa môi trường biển. Cơ chế phối hợp không hình thành ngay từ đầu nên các bên đều bị động, lúng túng, thiếu bài bản.

Về phía Formosa, bài học lớn nhất là không trung thực. Cái cách họ làm cống ngầm đã cho thấy sự tính toán rất kỹ. Đây là công trình đồ sộ, chi phí không ít. Cách xả thải của Formosa giống hệt Vedan, chứng tỏ họ có chủ ý ‘làm theo’. Nếu Formosa tiếp tục tư duy này sẽ rất nguy hiểm. 

PV: Dự án 10 tỉ USD như Formosa thì hệ thống xử lý chất thải phải đầu tư ít nhất 1,5-2 tỉ USD mới đạt chuẩn nhưng họ lại chỉ đầu tư 45 triệu USD. Tuy vậy, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Formosa vẫn được đánh giá tốt. Theo ông, chất lượng của những ĐTM hiện nay đến đâu?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: ĐTM là công cụ để quản lý môi trường để góp phần kiểm soát các dự án có nguy cơ tổn hại môi trường. Tuy nhiên, hiện nay, chất lượng các ĐTM rất kém vì nhiều lý do. Phần lớn ĐTM không phát huy được tác dụng, chỉ là thủ tục để hướng vào hỗ trợ doanh nghiệp và chủ đầu tư. Có thể nói, gần như ĐTM nào cũng được phê duyệt, rất hiếm trường hợp bị bác bỏ.

PV: Trong bối cảnh các địa phương trải thảm kêu gọi nhà đầu tư, các doanh nghiệp thuộc danh sách đen toàn cầu về phá hoại môi trường vẫn được chào đón, ông có cho rằng, những vụ việc tương tự Formosa còn xảy ra trong tương lai nữa hay không?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Quy trình sàng lọc dự án đầu tư của chúng ta đã có nhưng thực sự chưa tốt. Trong điều kiện thiếu vốn, hễ cứ thấy doanh nghiệp nào có vốn lớn là mời chào dù biết sẽ có tổn thất môi trường không ít. Để tránh thảm hoạ đáng tiếc, chúng ta cần sẵn sàng loại bỏ các "dự án đen". Bản thân tôi lo ngại cho chính Formosa. Không thể chắc chắn họ có gây ra sự cố nào nữa hay không.

PV: Nếu đã lo ngại như vậy thì có nên đóng cửa nhà máy Formosa?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Vẫn nên cho họ có cơ hội sửa sai nhưng phải có điều kiện đi kèm, “tự xử” trước. Nếu như Formosa tiếp tục vi phạm thì Chính phủ phải yêu cầu đóng cửa. Chúng ta không thể đánh đổi môi trường bằng mọi giá.

PV: Nghiên cứu khoa học và quản lý biển 42 năm, theo ông, những sự cố môi trường biển thường mất bao lâu để khắc phục? Chi phí có lớn không?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Để nói chính xác thời gian bao lâu cần tính toán cụ thể về lượng tồn dư chất ô nhiễm, thời gian lưu tồn trong môi trường biển, khả năng phân tán, phân hủy, tích tụ các chất này. Có nhiều chất gây ô nhiễm có quá trình phân huỷ lâu dài, tồn dư rất lâu tùy vào bản chất và thuộc tính hóa học của chất đó. Nước biển không thể dễ dàng thay thế được, do vậy chỉ có thể chờ thiên nhiên tự pha loãng chất độc trong lòng nó. 

Cũng may vùng biển ven bờ bắc Trung bộ, nơi xảy ra thảm họa, là vùng biển hở nên động lực học rất mạnh, giúp có thể phân tán nhanh chất ô nhiễm, nhưng chỉ ở tầng mặt. Cho nên, để có vùng biển sạch, yên tâm như trước đây cũng phải mất vài chục năm, đặc biệt đối với khả năng phục hồi các hệ sinh thái. Ở tầng nước sát đáy và lớp bùn cát đáy biển, các thủy vực ven bờ sẽ có mức độ ô nhiễm đậm đặc hơn lớp nước bề mặt, tức là kém an toàn hơn. Các nhà khoa học nên giúp các địa phương giám sát rồi lập bản đồ các điểm nóng ô nhiễm để cảnh báo và hướng dẫn người dân. Chi phí xử lý môi trường biển rất tốn kém nên 500 triệu USD không phải là nhiều, chưa nói đến ổn định cuộc sống người dân.

PV: Xin cảm ơn ông. 

Khánh Vy
.
.
.