Quản lý của nhà nước và doanh nghiệp đều có lỗ hổng

Chủ Nhật, 20/10/2019, 07:49
Vấn đề nước sinh hoạt bị ô nhiễm của Nhà máy nước sạch sông Đà ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm nghìn người dân phía Tây Nam Hà Nội đã khiến dư luận dậy sóng những ngày qua...


Người dân Thủ đô phải sử dụng nước sinh hoạt không đạt chuẩn không phải chưa từng có, cư dân KĐT Mỹ Đình II từng một thời gian dài phải sử dụng nước nhiễm Asen hay như mới đây cư dân dự án Tân Tây Đô (Hoài Đức) phản ánh nước sinh hoạt nhiễm bẩn…

Phóng viên Chuyên mục Trò chuyện chủ nhật tuần này đã có cuộc trao đổi với GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xung quanh trách nhiệm quản lý vấn đề này.

PV: Thưa GS Đặng Hùng Võ, ông chắc cũng nắm được dư luận những ngày qua về vấn đề nước sạch của Hà Nội. Ông đánh giá thế nào về việc đảm bảo nước sạch cho người dân Thủ đô hiện nay?

GS Đặng Hùng Võ: Tất nhiên là chưa được. Cũng đã nhiều vụ việc mà điển hình là vụ Công ty nước sạch sông Đà vừa rồi, cấp cho một số lượng dân rất lớn của Hà Nội. Nước đã bị nhiễm độc. Trước đây cũng đã có rất nhiều vụ, nơi này nơi kia phát hiện là có asen, rồi nước có vẩn vàng, vẩn đen. Những hiện tượng này đã diễn ra nhiều lần, đặc biệt là ở các chung cư thường có phản ánh như vậy.

Qua vụ vừa rồi nhìn lại cho thấy việc đảm bảo nước sạch thực sự cho người dân đang có vấn đề rất lớn. Nhiều người dân đã gọi điện hỏi tôi, nếu không chỉ là đổ chất thải mà là trong trường hợp xấu nhất có kẻ phá hoại đổ thuốc độc xuống đó thì sao?

Chúng ta hay nói câu “mất bò mới lo làm chuồng”, có nghĩa là diễn ra rồi mới giật mình nhìn lại. Thế nhưng, qua nhiều vụ việc đều thấy nói “mất bò mới lo làm chuồng”, chứng tỏ mất rất nhiều bò và có rất nhiều chuồng, nhưng vẫn mất bò tiếp. Qua những sự việc chúng ta nhìn thấy, tôi cho rằng việc quản lý từ của nhà nước, đến của doanh nghiệp đều đang có lỗ hổng rất lớn.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

PV: Qua sự việc như vừa rồi, ông có cho rằng việc quản lý, giám sát nguồn nước cấp cho dân sử dụng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân đang hết sức lỏng lẻo?

GS Đặng Hùng Võ: Thật ra trong việc này, chúng ta cũng cần phải làm rõ. Nếu trách nhà nước rằng trách nhiệm của nhà nước là giám sát thì cũng không nên. Bởi nhà nước không thể đủ người để đi làm những việc đó. Đó là chuyện công ty cung cấp nước sạch phải bảo đảm. Bởi vì công ty phải có cam kết mình đủ phương tiện để đảm bảo nước thực sự sạch và nguồn để sản xuất nước sạch không có bất kỳ rủi ro nào xảy ra.

Tất nhiên, cơ quan nhà nước có quyền kiểm tra giám sát nhưng đừng nghĩ rằng họ đủ tiền để mà làm giám sát thường xuyên. Một năm họ kiểm tra một lần, một năm họ có thể đánh giá một lần. Còn trách nhiệm lớn thuộc về nơi cung cấp dịch vụ công mà ở đây là công ty cung cấp nước sạch. Ở đây có chăng thì chỉ trách TP Hà Nội biết nhưng mà không cảnh báo ngay cho người dân. Thành phố biết mà tại sao lại chậm trễ như thế, sau 10 ngày mới bắt đầu khuyên người dân đừng có ăn uống mà chỉ dùng để tắm giặt.

PV: Tôi không nắm rõ các quy chuẩn trong việc xây dựng các nhà máy sản xuất nước sạch phục vụ dân sinh, các nhà máy nước này có phải xây dựng phương án đề phòng sự cố không thưa ông?

GS Đặng Hùng Võ: Người ta chỉ quy định các quy chuẩn nước sạch, tức là loại hóa chất nào thì được cho phép đến ngưỡng bao nhiêu. Tôi cho rằng quy chuẩn về nước sạch của Việt Nam là đảm bảo bởi cũng là học từ các quy chuẩn thế giới. Vấn đề là bên cung cấp nước có cung cấp được theo quy chuẩn đó không. Còn về xây dựng các phương án xử lý sự cố thì về nguyên tắc các doanh nghiệp phải giải quyết bởi anh cấp nước sạch có nghĩa là anh phải đảm bảo nguồn nước. Không đảm bảo được việc đó có nghĩa công ty cấp nước phải chịu trách nhiệm.

Tất nhiên ở đây cũng có câu chuyện quản lý ngành dọc mà ngành dọc ở đây là Bộ Xây dựng vì trong trường hợp cấp thoát nước đô thị trách nhiệm là của Bộ Xây dựng. Bộ Xây dựng đã có quy định cụ thể về nguồn cung cấp nước phải như thế nào? Thì sự thực theo tôi là cũng chưa có. Mà có lẽ thực hiện kiểm tra của Bộ Xây dựng đối với việc cấp nước tại các đô thị cũng chưa nhiều.

PV: Có ý kiến cho rằng, sau sự việc như vừa rồi mới thấy TP Hà Nội cũng như các đô thị lớn khác chưa có phương án dự phòng khi mà xảy ra những sự việc như nguồn nước đầu vào bị “đầu độc”?

GS Đặng Hùng Võ: Chẳng cứ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và cũng chẳng cứ chuyện cấp nước. Hiện các cơ quan quản lý ở nhiều lĩnh vực của chúng ta còn xem nhẹ và chưa tính tới kịch bản xấu nhất xảy ra, hoặc là kịch bản xấu đến một mức nhất định thì ta làm gì. Là bởi vì ngay người dân Việt Nam luôn luôn rất lạc quan, không bao giờ nghĩ rủi ro xấu nhất có thể đến với mình, chỉ nghĩ đến đoạn quản lý thế này là tốt rồi. Đây là “khuyết tật” lớn nhất của hệ thống quản lý. Không bao giờ đặt kịch bản xấu nhất, xấu vừa, rồi tốt thì chúng ta làm gì. Chính vì thế mới có các ý kiến nói rằng, quản lý bị động, thậm chí truyền thông cũng bị động. Nhiều trường hợp như vụ Formosa còn hở cả quản lý, hở cả truyền thông. Cơ quan quản lý chuyên nghiệp không bao giờ được lạc quan quá mức như thế.

PV: Nước sinh hoạt thì cũng sản xuất từ hai nguồn: nước mặt và nước ngầm. Trước đây tôi đã từng trao đổi với giáo sư về việc hệ thống nước ngầm của chúng ta hiện nay đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng hệ thống nước mặt hiện cũng chả khá hơn khi mà chất thải công nghiệp, dân sinh đang từng ngày đổ ào ào ra các mặt sông, mặt hồ. Giáo sư có cho rằng, chúng ta đang phải đối mặt với một vấn đề lớn về an ninh nguồn nước?

GS Đặng Hùng Võ: Sự thực mà nói thì thế giới người ta đã cảnh báo rồi. Bây giờ thì có thể có những xích mích, tranh chấp, khiếu nại nhiều về đất đai nhưng rồi chúng ta sẽ thấy thời gian không xa nữa, rất có thể những tranh chấp, khiếu nại, xung đột sẽ chuyển sang vấn đề nước. Đáng ra chúng ta phải có những chính sách rất mạch lạc về việc phải đối xử với nước như thế nào. Hiện nay tôi cho rằng, Việt Nam đang rất lãng phí nước, rất thờ ơ với việc bảo vệ nguồn nước.

PV: Ông có thể nói kỹ hơn xem chúng ta đang thờ ơ với nguồn nước như thế nào?

GS Đặng Hùng Võ: Thì anh có thể thấy, hiện chúng ta đã có chính sách gì để bảo vệ nguồn nước, tránh ô nhiễm đến mức nào chưa. Sự thực mà nói có rất nhiều hoạt động đang làm ô nhiễm nguồn nước. Chẳng hạn như tưới tràn ở đồng ruộng đang là một trong những tác nhân lớn gây ô nhiễm nguồn nước. Tưới tràn thì tất cả các loại như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng còn lại… sẽ xuống sông, xuống hồ. Thậm chí, tưới tràn nó có thể kéo ngay thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vừa bón xong đi vào nguồn nước mặt. Bên cạnh đó còn là việc chúng ta phung phí nguồn nước, không biết tiết kiệm nguồn nước. Thế giới có thể cảnh báo 100 năm nữa, nhưng với Việt Nam thì nếu cứ như hiện nay tương lai này sẽ không còn xa nữa. Việt Nam không phải là nước nghèo về tài nguyên nước. Hàng năm mưa bão nhiều, rồi nước sông hồ nhiều. Chúng ta thấy ở đâu cũng có nước nên dẫn đến việc cứ phung phí mà không biết đến một lúc nào đó nguồn nước bị ô nhiễm đến mức không dùng được như các con sông ở đô thị Hà Nội: sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ… Nếu vẫn tiếp tục làm ô nhiễm tiếp thì chắc chắn khan hiếm nước, chiến tranh nước sẽ đến sớm hơn dự báo của thế giới.

PV: Vậy theo giáo sư, về an ninh nguồn nước hiện nay chúng ta phải có những giải pháp như thế nào để giải quyết vấn đề này?

GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng phải chuyển đổi sang nông nghiệp hiện đại. Chúng ta phải tiết kiệm nước không tưới tràn nữa. Các nước hiếm nguồn nước như Israel chẳng hạn, họ vẫn đủ nước làm nông nghiệp, thì chúng ta phải hiểu làm nông nghiệp công nghệ cao là thế nào. Chúng ta cũng phải làm khác đi. Tưới thì tưới nhỏ giọt thôi chẳng hạn, dùng công nghệ để tưới sao cho đủ nước chứ đừng phung phí. Đó là về nông nghiệp, còn về xây dựng thủy điện, đến một lúc nào đó chúng ta cũng phải dẹp bớt thủy điện vừa và nhỏ.

Chúng ta dùng nước phung phí như thế, trong khi thế giới đang rất tích cực chuyển sang dùng năng lượng tái tạo. Không thể duyệt những dự án thủy điện vừa và nhỏ nữa, một số dự án đã khai thác và thu hồi vốn đủ rồi thì cũng phải tính thay đi chứ.

Nước thải từ các khu công nghiệp chúng ta cần phải xử lý đạt chuẩn, phải làm quyết liệt hơn. Những con sông như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu… những đoạn ô nhiễm chúng ta phải khắc phục. Lúc đó mới có hy vọng tạo lập lại nguồn nước mặt mà không bị ảnh hưởng của ô nhiễm. Ngoài này là sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu, còn trong phía Nam là sông Thị Vải, sông Đồng Nai là những nơi hơn 10 năm nay đã hô hào khôi phục mà chẳng có gì thay đổi. Những con sông này không những không chuyển biến về ô nhiễm mà thậm chí còn bị ô nhiễm nặng hơn.

Đúng ra khi bị ô nhiễm những con sông đó, chúng ta phải khắc phục, rửa sông ngay, sau đó rồi đến khôi phục những con sông chết khác như sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ. Lúc đó mới nói đến chuyện nguồn nước mặt đảm bảo an toàn. Các nhà máy cung cấp nước sinh hoạt hiện nay dựa cả vào hai nguồn nước mặt và nước ngầm, trong khi đó cả hai nguồn này đều đã bị ô nhiễm. An ninh nguồn nước là vấn đề đã hiển hiện trước mắt.

PV: An ninh nguồn nước đã thực sự cần báo động. Nguồn nước bị ô nhiễm thì chắc chắn nước sinh hoạt cũng bị ảnh hưởng. Quay trở lại với vấn đề nước sinh hoạt tại các đô thị như Hà Nội chẳng hạn. Đây là vấn đề nan giải và dân đang rất kêu. Theo ông, quy hoạch nước sinh hoạt như của Hà Nội hiện nay đã đáp ứng được chưa?

GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng Hà Nội ngoài nước ngầm còn lấy nước từ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống. Bình thường sẽ không sợ thiếu nước. Chỉ có vấn đề là chúng ta đáp ứng hạ tầng như thế nào cho đủ nước, còn nguồn nước thì chưa đến mức thiếu. Vấn đề đặt ra ở đây là lấy nước từ các con sông đó thì chúng ta đảm bảo an ninh, an toàn về nguồn nước như thế nào mới là điều đáng nói. Chúng ta phải có giải pháp, ở đây tôi chỉ nói các nước giải pháp của họ là gì. Họ có rào chắn bảo vệ, xâm nhập vào là khó. Tiếp đến họ có bộ cảm biến để đo các tiêu chí về chất lượng nước và hiển thị tiêu chí đó thường xuyên trên tất cả các màn hình công cộng. Các nước họ làm như thế tất nhiên sẽ phải đầu tư nhiều tiền hơn, thế nhưng đã làm nhiệm vụ cấp nước cho dân thì cũng phải đầu tư để an toàn. Vì đây là đầu tư cho lâu dài.

PV: Cụ thể như Hà Nội thì giải pháp trước mắt để làm sao người dân được dùng nước sinh hoạt chuẩn sạch, đáp ứng được các tiêu chuẩn đảm bảo sức khỏe cho người dân là gì thưa ông?

GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng tất cả các hồ trữ nước để sản xuất nước sạch ta phải có hệ thống bảo vệ, có thể là hàng rào, có thể là tường bao. Việc này để tránh việc xả thải của người dân, rồi chăn nuôi gia súc… Và cũng phải sớm nhất đặt các bộ cảm biến để đánh giá chất lượng nước. Đây là những điều phải làm ngay.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phan Hoạt
.
.
.