Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc: Gác lại quá khứ, hướng đến tương lai

Thứ Hai, 18/02/2019, 08:20
Sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc tháng 2-1979, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc lâm vào tình trạng không bình thường. Từ cuối những năm 1980, trước những biến đổi mới của tình hình quốc tế, tình hình mỗi nước, hai nước đã bắt đầu tiến trình đưa quan hệ trở lại quỹ đạo bình thường hóa.


Từ giữa những năm 1980, tình hình quốc tế sau một thời gian căng thẳng đã dần dần hòa dịu. Hai nước Xô - Mỹ đã đạt được nhiều thỏa thuận nhằm giảm sự đối đầu, nhất là ký kết Hiệp ước về các Lực lượng Hạt nhân tầm trung(INF). 

Quan hệ giữa Liên Xô và các nước Tây Âu dần dần được cải thiện. Đặc biệt, từ năm 1985, Liên Xô bắt đầu thực hiện công cuộc cải tổ; đồng thời cũng bắt đầu tiến trình bình thường hóa với Trung Quốc. Các cuộc đàm phán giải quyết vấn đề biên giới Xô - Trung đạt những tiến triển tích cực. Về tổng thể, thế giới bước vào thời kỳ hòa hoãn, đối thoại thay thế cho đối đầu.

Sau khi phát động tấn công quy mô lớn trên toàn biên giới của Việt Nam, mà thực chất là khẳng định với Mỹ sự điều chỉnh chiến lược đi với Mỹ chống Liên Xô, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình một mặt thúc đẩy cải cách mở cửa; mặt khác, nắm bắt tình hình mới có sự hòa hoãn Xô – Mỹ và cải tổ của Liên Xô để bình thường hóa quan hệ với Liên Xô, giải quyết vấn đề biên giới với Liên Xô, ổn định biên giới phía Bắc.

Tuy nhiên, trước những vấn đề nội tại trong nước làm mất đi sự ổn định và đang bị Mỹ và phương Tây bao vây cấm vận, Trung Quốc đã phải điều chỉnh lại chính sách đối ngoại, ổn định biên giới phía Nam và tìm kiếm sự giúp đỡ trong quan hệ với Nhật Bản ở phía Đông.

Tại Việt Nam, trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình đất nước và nắm bắt xu thế chung của thế giới, Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam (1986) đã quyết định tiến hành công cuộc Đổi mới. Nhằm tạo dựng môi trường bên ngoài hòa bình, ổn định cho công cuộc Đổi mới tiến hành thuận lợi, việc bình thường hóa quan hệ với các nước láng giềng, trước hết là với Trung Quốc, trở thành một yêu cầu cấp thiết có tính chiến lược.

Sau một thời gian với sự nỗ lực và thiện chí của mỗi bên, từ ngày 5 đến 10 -11-1991, nhận lời mời của Đảng và Chính phủ Trung Quốc, Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Chính phủ ta do Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch HĐBT Võ Văn Kiệt đã đi thăm chính thức Trung Quốc. Thông cáo chung được công bố sau chuyến thăm nêu rõ, hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức bình thường hóa quan hệ theo 5 nguyên tắc: Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không xâm phạm lẫn nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình. Cũng trong chuyến thăm này, hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc cũng khôi phục quan hệ bình thường theo các nguyên tắc: Độc lập tự chủ, hoàn toàn bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Có thể nói, bình thường hóa quan hệ Việt Nam và Trung Quốc là kết quả của sự nỗ lực và thiện chí của mỗi bên, đáp ứng nguyện vọng cơ bản và lâu dài của nhân dân hai nước cũng như yêu cầu của công cuộc Đổi mới và Cải cách của hai Đảng hai nước; đồng thời cũng phù hợp với xu thế chung của thế giới là hòa bình, hợp tác và phát triển.

Tổng Bí thư Đỗ Mười hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Giang Trạch Dân tại Bắc Kinh ngày 6-11-1991. Ảnh: TTXVN

Từ sau khi bình thường hóa năm 1991, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, toàn diện và sâu rộng trên nhiều lĩnh vực cả chính trị-ngoại giao, kinh tế, văn hóa, khoa học, quốc phòng và an ninh; cả cấp độ Trung ương và địa phương, nhất là các tỉnh biên giới giữa hai nước; cả ngoại giao chính thức Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân… Qua đó góp phần củng cố và phát huy truyền thống hữu nghị của nhân dân hai nước, tăng cường sự tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đã đạt được, quan hệ giữa hai nước cũng tồn tại và đối mặt với những khó khăn thách thức mới, trong đó đáng chú ý có việc kiểm soát những bất đồng nhất là bất đồng trên biển cần được làm tốt hơn nữa...v...v...

Điều đáng chú ý là, vào những dịp kỷ niệm năm chẵn của quan hệ hai nước, các nhà lãnh đạo cấp cao hai Đảng hai nước đã nhìn lại và tổng kết kinh nghiệm quan hệ giữa hai Đảng, hai nước. Gần đây nhất, nhân dịp kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (1950-2015), trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 7 đến 10-4-2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã tổng kết những kinh nghiệm và gợi mở quan trọng về sự phát triển của quan hệ Việt - Trung: Đó là tình hữu nghị truyền thống Việt - Trung do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các nhà lãnh đạo tiền bối hai nước đích thân vun đắp là tài sản quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, cần được quý trọng, gìn giữ và phát huy. Hai nước Việt Nam - Trung Quốc có lợi ích chung rộng rãi làm cơ sở cho đại cục quan hệ hai nước, hai bên cần luôn kiên trì tôn trọng lẫn nhau, hiệp thương chân thành, cầu đồng tồn dị, kiểm soát bất đồng. 

Sự tin cậy chính trị Việt - Trung là cơ sở cho quan hệ song phương phát triển lành mạnh, ổn định, hai bên cần tăng cường thăm viếng và trao đổi cấp cao, từ tầm cao chiến lược, đưa quan hệ song phương phát triển về phía trước. Hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam và Trung Quốc mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần thúc đẩy hòa bình, phát triển và phồn vinh của khu vực, cần tăng cường và làm sâu sắc toàn diện. Đây có thể xem là sự tổng kết khái quát nhất về quan hệ hai nước từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (18-1-1950), nhất là từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay.

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng. Vì vậy, xây dựng quan hệ hữu nghị là nguyện vọng cơ bản và lâu dài của nhân dân hai nước.

 Nhìn lại tổng thể quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng chỉ rõ quan hệ hai nước dù có những thời khắc thăng trầm, nhưng hữu nghị và hợp tác vẫn là dòng chảy chính… Trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng và bất ổn đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới hiện nay thì sự phát triển ổn định và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của Việt Nam và Trung Quốc trong những năm qua càng khẳng định sự cần thiết và tính đúng đắn của việc lựa chọn con đường phát triển và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở hai nước. Quan hệ giữa hai Đảng, hai nước đang trên đà phát triển lành mạnh, tích cực, là tiền đề và động lực quan trọng đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển ngày càng tốt đẹp vì lợi ích của nhân dân hai nước, khu vực và thế giới. 

GS. TS Đỗ Tiến Sâm Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam
.
.
.