Phát triển lý luận, làm sáng tỏ con đường đi lên CNXH ở Việt Nam

Thứ Hai, 25/01/2016, 08:49
LTS: Xây dựng CNXH, lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, kim chỉ nam cho hành động là vấn đề cốt lõi, là nguyên tắc, phương châm xuyên suốt của Đảng ta. Tuy nhiên, đi lên CNXH trong điều kiện thực tiễn ở Việt Nam có nhiều đặc thù, đặc biệt bối cảnh “hậu Xô viết” với sự biến đổi nhanh chóng của thế giới, có nhiều luồng thông tin cho rằng CNXH “đã lỗi thời”, “cáo chung” và điều kiện ở Việt Nam không thể đi lên CNXH…

Thực tế, nhận thức luận về CNXH và con đường đi lên CNXH đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi sự kiên định, kiên trì và vận dụng sáng tạo, phải không ngừng bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp bối cảnh mới và điều kiện thực tiễn. Tại Đại hội XII của Đảng, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã phát biểu tham luận về chủ đề “Vận dụng sáng tạo học thuyết về CNXH vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ta”. Báo CAND xin lược đăng những nội dung chính của bản tham luận để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, trải qua 30 năm đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và cũng đã chứng minh rằng phát triển theo định hướng XHCN là phù hợp với khát vọng của toàn dân, là nguồn sức mạnh tạo nên sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân. Độc lập dân tộc là tiền đề, điều kiện để xây dựng đất nước XHCN và CNXH là cơ sở, nền tảng bảo đảm vững chắc nền độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia…

Sự phát triển của đất nước trong điều kiện hiện nay hơn lúc nào hết đòi hỏi phải có một mô hình CNXH của riêng Việt Nam, vừa phản ánh những giá trị phổ quát của CNXH, vừa phản ánh những đặc điểm đặc thù của Việt Nam được thể hiện bằng những đặc trưng bản chất của xã hội XHCN của Việt Nam, các phương hướng cơ bản để hiện thực hóa đặc trưng, các giải pháp, cách thức tiến hành mang ý nghĩa đột phá… Phát triển đất nước theo định hướng XHCN phải được phản ánh trong các mục tiêu chiến lược: Mục tiêu chung của công cuộc xây dựng CNXH và mục tiêu đặc thù khi kết thúc thời kỳ quá độ lên CNXH gắn với mục tiêu của từng chặng đường, của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn. Việc xác định rõ các tiêu chí bằng định tính, định lượng cho CNXH ở Việt Nam cũng đòi hỏi phải phân tích đầy đủ, sâu sắc các mối quan hệ, bối cảnh quốc tế và trong nước, dự báo khoa học các xu thế, triển vọng, những thời cơ, thách thức đang đặt ra…

Thực tiễn của công cuộc đổi mới trong 30 năm đã cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, song cũng đang đặt ra hàng loạt vấn đề mới đòi hỏi phải vận dụng sáng tạo những quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và xây dựng CNXH. Với tinh thần vận dụng sáng tạo đó, nhiều vấn đề lý luận mới, chưa từng có đã được tổng kết từ thực tiễn và đưa vào áp dụng trong thực tế, mang lại những hiệu quả kinh tế, xã hội to lớn như: khoán trong nông nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đảng viên làm kinh tế, kinh tế hàng hóa đa thành phần đến kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN… Sự đúc kết nên 8 đặc trưng, 8 phương hướng và 8 mối quan hệ lớn để xây dựng CNXH ở Việt Nam cũng chính là kết quả của sự sáng tạo lý luận của Đảng ta trong công cuộc đổi mới, bắt đầu từ thực tiễn đổi mới tư duy. Tất cả các vấn đề đó đều là kết quả vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin về CNXH, việc tổng kết những bài học kinh nghiệm của công cuộc xây dựng CNXH trên thế giới và thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam.

Thực tiễn công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta hiện nay đang đặt ra hàng loạt vấn đề nóng bỏng cần phải luận giải tường minh bằng lý luận. Phát triển đất nước theo định hướng XHCN đòi hỏi phải kết hợp thường xuyên giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị. Đồng thời, đổi mới chính trị phải nhằm mục tiêu giữ vững định hướng XHCN, bảo đảm sự phát triển bền vững của chế độ. Cụ thể hóa để giải quyết mối quan hệ này đang là vấn đề có ý nghĩa bức thiết hiện nay ở nước ta. Lộ trình, bước đi, giải pháp để giải quyết phải được cụ thể hóa trong đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đổi mới tư duy, lý luận luôn luôn là tiền đề để đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị.

Quán triệt và vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin về CNXH đòi hỏi trước hết phải quán triệt những quan điểm có giá trị phương pháp luận khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và về con đường đi lên CNXH, trên cơ sở phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu các thành tựu mới, tinh hoa của nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm có giá trị phương pháp luận nêu trên của V.I.Lênin, nghiên cứu tìm ra đặc trưng, đặc điểm của tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Việt Nam đặt trong tương quan với quan hệ quốc tế, khu vực, xác định rõ mô hình, phương hướng, lộ trình và giải pháp nhằm hiện thực hóa những đặc trưng của xã hội XHCN ở Việt Nam là đòi hỏi bức thiết từ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam. Theo đó, hơn lúc nào hết, mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn đang đặt ra yêu cầu bức thiết phải tổng kết thực tiễn để phát triển sáng tạo lý luận, làm sáng tỏ, thiết thực hơn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh chỉ được bảo đảm bằng tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, vận dụng sáng tạo học thuyết về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn
.
.
.