Việt Nam-ASEAN và Cách mạng Công nghiệp 4.0:

Kỳ 2: Phát triển con người - “Tấm vé vàng trên con tàu 4.0”

Thứ Sáu, 14/09/2018, 10:20
“Hiến kế” táo bạo về vấn đề này trong phiên thảo luận ASEAN số (Digital ASEAN), đại diện của Việt Nam là Quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng đề xuất, Chính phủ cần hợp tác chặt chẽ với khối doanh nghiệp trong công tác giáo dục để hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 4.0. 

“Tài nguyên thiên nhiên trên thế giới là hữu hạn, chỉ có tài năng là vô hạn. Thực tế đã chứng minh rằng công nghệ phát triển hỗ trợ con người rất tốt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng chúng ta không vì thế mà lệ thuộc vào robot, cần tập trung nguồn lực để phát triển con người”, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã phát biểu như vậy tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về ASEAN 2018, vừa khép lại hôm 13-9, tại Hà Nội. 

Không chỉ là quan điểm của riêng ông Widodo, xuyên suốt ba ngày làm việc của Hội nghị, phát triển con người cũng là đề tài được các lãnh đạo và hơn 1.000 đại biểu quốc tế thảo luận.

Kỹ năng 4.0, không phải 0.4

Theo một báo cáo của ASEANup thì tổng dân số của các quốc gia ASEAN vào khoảng 640 triệu người, với tỉ lệ trẻ hóa cao (ngoại trừ Singapore và Thái Lan). 

Tuy nhiên, theo tính toán đến năm 2025, ASEAN sẽ phải chứng kiến người dân của họ bắt đầu già đi và dân số trẻ cùng chi phí nhân công thấp sẽ không còn là lợi thế. 

Do đó, sự dịch chuyển tự động của chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời đại 4.0 đặt ra hai vấn đề cấp bách đối với các quốc gia trong khối. 

Thứ nhất, dựa vào tự động hóa, chi phí của việc sản xuất, lắp ráp... ở các nước phát triển về công nghệ sẽ thấp hơn so với ASEAN, nơi đang được coi là công xưởng của thế giới. 

Thứ hai, một khối lượng lớn việc làm trong khối ASEAN sẽ mất đi. Theo báo cáo của Cisco, với mức tăng năng suất từ việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đến hết năm 2018, sáu nền kinh tế lớn nhất ASEAN sẽ mất khoảng 28 triệu việc làm (tương đương với hơn 10% lực lượng lao động hiện tại). Vì thế, hoạch định các chính sách về con người để chuẩn bị tốt cho các công việc tương lai được coi là “bài toán sống còn” đối với ASEAN.

Tại phiên thảo luận về “Tương lai việc làm ở ASEAN” trong khuôn khổ Hội nghị WEF ASEAN 2018, các đại biểu tham dự cho rằng, trong Cách mạng công nghiệp (CMCN 4.0) thì kỹ năng con người được đào tạo cũng phải 4.0, thậm chí là 5.0. 

“Đào tạo con người với những lý thuyết cơ bản chỉ là một mặt của vấn đề. Giáo dục đào tạo phải đi đôi với thực hành ngay khi còn trên ghế nhà trường. Cần số lượng thì đã có máy móc, còn chất lượng thì phải là con người. Các học sinh, sinh viên cần phải được trau dồi nhiều kỹ năng của tương lai để phát triển hơn chứ không phải là thụt lùi đi”, ông Haoliang Xu - người phụ trách Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương nêu rõ. 

Đồng tình với quan điểm trên, bà Vivian Lau - Chủ tịch JA châu Á-Thái Bình Dương cho biết, nếu lớp trẻ học được các kỹ năng như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, thiết kế đồ họa, mã hóa (coding) thì sẽ rất tiềm năng. 

Không ai có thể trở thành bậc thầy trong tất cả các lĩnh vực, nên chúng ta hãy phát huy thế mạnh của bản thân, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của chính mình với những người xung quanh.

“Hiến kế” táo bạo về vấn đề này trong phiên thảo luận ASEAN số (Digital ASEAN), đại diện của Việt Nam là Quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất, Chính phủ cần hợp tác chặt chẽ với khối doanh nghiệp trong công tác giáo dục để hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 4.0. 

Việt Nam mong muốn hợp tác với các nước ASEAN và các doanh nghiệp thành viên WEF để thành lập "Đại học thực nghiệm ASEAN 4.0" (Digital ASEAN 4.0 University Model Labs). Đây sẽ là nơi các nước ASEAN thực nghiệm và thực hiện sử dụng công nghệ 4.0 trong đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số. 

Trước đó, Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên Malaysia Syed Saddiq Syed Abdul Rahman (25 tuổi) chia sẻ, chính phủ nước này tập trung vào đào tạo và phát triển “điều mà những người trẻ Malaysia đam mê”. 

Ông Syed Saddiq Syed Abdul Rahman viện dẫn: “Người trẻ Malaysia rất thích chơi điện tử và họ thực sự chơi rất giỏi. Chính vì thế, Malaysia có những giải đấu "game" quy mô để tạo ra sân chơi cho giới trẻ. Từ đó, họ có cơ hội tiếp xúc với những doanh nghiệp lớn trong mảng giải trí số và cơ hội để phát triển năng lực bản thân cũng như công việc dựa trên đam mê là thấy rõ trong tầm tay”.

Tài năng của con người sẽ trở thành yếu tố sản xuất quan trọng hơn cả vốn trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Lời giải cho bài toán về con người tại Việt Nam

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đào tạo con người phải bắt đầu từ khi còn măng non, còn phát triển con người thì có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi. 

Phó Thủ tướng cho hay, các em nhỏ Việt Nam đã quen với “văn hóa vâng lời”. “Tôn trọng truyền thống là điều rất tốt nhưng trong thời kỳ hiện nay, các em cần phải biết được tương lai rất khó đoán định. Thay vì học tập thụ động, chỉ biết vâng lời thì các em cần phải nghĩ khác đi, phải có tư duy phản biện, đặt câu hỏi ngược lại cho giáo viên”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Trước đó, chia sẻ về vấn đề này tại một trường cấp 3 ở Hà Nội, ông Vũ Đức Đam còn nhấn mạnh đến vai trò kết nối của nhà trường với các tổ chức quốc tế. Chúng ta phải chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu trình độ cao, phát triển văn hóa nghiên cứu cũng như xây dựng cộng đồng học thuật dấn thân, sáng tạo. Nhà trường cần tăng cường hợp tác quốc tế để học sinh có cơ hội được tiếp cận và mở rộng tầm hiểu biết. 

Còn tại Diễn đàn mở của Hội nghị WEF ASEAN về khởi nghiệp sáng tạo, CEO VNG Lê Hồng Minh - đại diện duy nhất của Việt Nam được WEF mời làm diễn giả chia sẻ rằng, Việt Nam hay các quốc gia ASEAN khác đều có riêng một bối cảnh và tình hình kinh tế-chính trị-xã hội khác nhau. Dó đó, chúng ta không nên quá bị áp lực bởi 4.0 mà “bê nguyên” các mô hình đã thành công trên thế giới như thung lũng Silicon của Mỹ về nước mình. 

"Thúc đẩy sáng tạo phải được đặt trong bối cảnh phù hợp và đào tạo con người cũng vậy. Thung lũng Silicon đã rất phát triển, chúng ta hoàn toàn có thể cử những nhân viên ưu tú sang đó học tập kinh nghiệm. Cái họ mang về Việt Nam không phải là những gì mà chúng ta đang nhìn thấy ở thung lũng Silicon, nó là tư duy của những con người tại đó”, CEO Lê Hồng Minh cho hay.

Về phía WEF, nhận thấy tiềm năng của Việt Nam trên "con tàu 4.0", Giáo sư Klaus Schwab - người sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF thông báo, tổ chức này đã mở trung tâm về CMCN 4.0 tại Bắc Kinh, Singapore và trong vòng 12 tháng tới sẽ nghiên cứu xây dựng thêm một trung tâm như thế tại Việt Nam. 

Có thể nói, đây là một sự hỗ trợ vô cùng thiết thực đến từ WEF, để giúp Việt Nam đưa ra các quyết sách tối ưu nhằm tăng năng lực cạnh tranh thời đại 4.0. 

Trước đó, trong cuốn sách "Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" của mình, Giáo sư Klaus Schwab từng khẳng định, chúng ta khó có thể tiên liệu chính xác tương lai sẽ mang đến những công việc gì, nhưng ông tin tài năng sẽ trở thành yếu tố sản xuất quan trọng hơn cả vốn.

Việt Nam chế tạo thành công robot phục vụ đào tạo

Với việc đưa ra “Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020” của Bộ Khoa học và Công nghệ, một nhóm nghiên cứu thuộc Công ty Robotics Việt Nam đã chế tạo thành robot 5 bậc tự do VNR-T1 phục vụ đào tạo. Đây là dạng robot để bàn, có thể di chuyển trong bán kính tối đa 610 mét. Robot này được lập trình xây dựng nhiều bài thực hành thông minh, giúp học sinh, sinh viên tiếp thu tốt hơn các môn học và có thể điều khiển từ xa bởi máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh thông qua công nghệ Bluetooth. Hiện tại, robot 5 bậc tự do này đã được chuyển giao cho hơn 10 trường ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế, Bình Dương, Nam Định như Đại học Việt Đức, Đại học Bách khoa Hà Nội, Cao đẳng Công nghiệp Huế… và cung cấp cho một số công ty về thiết bị đào tạo.
Huyền Chi - Linh Đan
.
.
.