Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”:

Phải có bản lĩnh chống lại những “viên đạn bọc đường”

Thứ Hai, 20/03/2017, 09:40
“Khi đứng trong lực lượng Cảnh sát, mỗi cán bộ, chiến sỹ phải xác định cho mình bản lĩnh và lòng dũng cảm, không chỉ chiến thắng tội phạm mà phải chiến thắng cả bản thân trước những cám dỗ vật chất. Tôi không hề lo ngại các cán bộ của mình bị lung lay trước những “viên đạn bọc đường”, mà tôi lo ngại những khó khăn, cản trở khác hơn…”- 

Trung tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng, phụ trách Tổng cục Cảnh sát đã thẳng thắn trao đổi với phóng viên Báo CAND khi đề cập đến vấn đề lực lượng Cảnh sát với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII…
Phóng viên: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đã và đang được triển khai học tập trong toàn lực lượng Công an nhân dân. Về phía Tổng cục Cảnh sát, đã tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết này như thế nào, thưa Trung tướng?

Trung tướng Trần Văn Vệ: Ngay sau khi Đảng ủy Công an Trung ương triển khai, Tổng cục Cảnh sát đã tổ chức hội nghị với cán bộ chủ chốt trong Đảng bộ Tổng cục. Với vai trò là lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng, Nhà nước, lực lượng CAND nói chung và lực lượng Cảnh sát nói riêng không những phải gương mẫu, nghiêm túc học tập, quán triệt sâu sắc mà còn phải lĩnh hội, tiếp thu nội dung của Nghị quyết để mỗi đồng chí tham dự hội nghị đều có thể trở thành một báo cáo viên truyền đạt, trao đổi với các cán bộ, đảng viên đồng thời tổ chức triển khai thực hiện với hiệu quả cao nhất những nội dung cốt lõi của Nghị quyết ở chi bộ, đơn vị mình, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. 

Đảng ủy Tổng cục Cảnh sát cũng đã giao cho các Đảng bộ, Chi bộ xây dựng các kế hoạch hành động lồng ghép vào chương trình triển khai công tác năm. Vừa qua, khi triển khai công tác Đảng năm 2017, chúng tôi cũng đã gắn vào nội dung thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, gắn với cuộc vận động “Xây dựng phong cách người chiến sỹ CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.

Tổng cục Cảnh sát đề xuất và đã được lãnh đạo Bộ Công an đồng ý, lấy năm nay là năm công tác nghiệp vụ cơ bản. Mục tiêu chính là nắm chắc các đối tượng và địa bàn, tuyến trọng điểm, nâng cao tỉ lệ điều tra, khám phá án và kéo giảm tội phạm.

Phóng viên: Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà lực lượng Cảnh sát được Đảng và Nhà nước giao, đó là phát hiện, điều tra những vụ án tham nhũng lớn, góp phần từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn này, làm trong sạch nội bộ Đảng. Xin Trung tướng cho biết, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã tiến hành công việc này như thế nào?

Trung tướng Trần Văn Vệ: Tổng cục Cảnh sát đã làm tốt nhiệm vụ đầu mối của Bộ Công an trong công tác theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo trong toàn quốc. 

Năm 2016, chúng tôi đã trực tiếp thụ lý 17/20 vụ án (chiếm 83%) và 2/3 vụ việc (chiếm 67%). Qua đó đã kết luận điều tra 12 vụ án, đã xét xử sơ thẩm 8/8 vụ án kinh tế, tham nhũng trọng điểm với các mức án nghiêm khắc, đúng người, đúng tội. 

Đồng thời, làm tốt vai trò phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao trong công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án kinh tế tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.

Ngay đầu năm 2017, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát đã chỉ đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng tiếp tục mở rộng điều tra vụ án Trịnh Xuân Thanh, bắt thêm 4 bị can…

Trung tướng Trần Văn Vệ trao đổi với phóng viên Báo CAND về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.

Phóng viên: Các cán bộ tham gia điều tra những vụ án kinh tế, tham nhũng sẽ phải gặp nhiều áp lực do tội phạm kinh tế là tội phạm ẩn, có nhiều mối quan hệ trong xã hội. Tuy nhiên, một áp lực, thử thách nữa là họ phải đối diện với những “viên đạn bọc đường” của những đối tượng phạm tội kinh tế vốn rất nhiều tiền. Nếu không kiên định lập trường, cán bộ điều tra sẽ bị cám dỗ, làm sai lệch hồ sơ vụ án, bỏ lọt tội phạm. Thưa Trung tướng, hiện là người phụ trách Tổng cục Cảnh sát, đồng chí có thấy đáng lo ngại về tình trạng này không? Chúng ta có bài học nào về vấn đề này chưa, thưa đồng chí?

Trung tướng Trần Văn Vệ: Nghe dư luận nói thì có nhưng thực tế thời gian vừa qua, chúng tôi chưa phát hiện, cũng chưa có đơn thư tố cáo về việc cán bộ, điều tra viên có tiêu cực, chạy án, bỏ lọt tội phạm. Thực ra tôi thấy không quá lo ngại về việc tình trạng cán bộ điều tra bị cám dỗ, làm sai lệch hồ sơ vụ án, bỏ lọt tội phạm vì quá trình điều tra, cơ quan điều tra ngoài tuân thủ quy định pháp luật còn dưới sự giám sát của Viện Kiểm sát, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an cũng như lãnh đạo, Đảng ủy đơn vị… 

Chỉ có các khó khăn như địa bàn rộng, đối tượng đều có kinh nghiệm, có chuyên môn về kinh tế, có chức vụ quyền hạn, trong khi số lượng điều tra viên mỏng, cán bộ điều tra chuyên môn về kinh tế còn ở mức độ... Hơn nữa, tiến độ điều tra phải theo luật, nhiều vụ phải chờ kết quả giám định nên có thể không đáp ứng được yêu cầu mà cấp trên và dư luận mong muốn. 

Đồng thời, còn có khó khăn do hành lang pháp lý nữa, ví dụ như vụ án Trịnh Xuân Thanh, khi đối tượng đang là Tỉnh ủy viên, diện cán bộ do Trung ương quản lý nên chưa áp dụng được các biện pháp tố tụng. Sau khi khởi tố, Trịnh Xuân Thanh đã lẩn trốn. Việc này Bộ Công an chỉ đạo quyết liệt, Tổng cục Cảnh sát đã củng cố đầy đủ hồ sơ khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và đề nghị Tổ chức Cảnh sát Quốc tế ra lệnh truy nã. Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát đang tích cực phối hợp để truy bắt Trịnh Xuân Thanh trong thời gian sớm nhất.

Phóng viên: Tất nhiên, chúng ta luôn tin cán bộ của mình. Nhưng để phòng ngừa những tiêu cực có thể nảy sinh do cám dỗ từ những “viên đạn bọc đường”, Đảng ủy, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát đã có những biện pháp như thế nào?

Trung tướng Trần Văn Vệ: Mỗi cán bộ, chiến sỹ làm công tác điều tra tội phạm, không chỉ với án kinh tế, tham nhũng, đều xác định được bản lĩnh và trách nhiệm của mình trong cuộc chiến chống tiêu cực. Họ cũng hiểu rõ rằng, cái giá phải trả như thế nào nếu thỏa hiệp với cái ác, với tội phạm tham nhũng.  

Đảng ủy, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát có chuyên đề về công tác Đảng, xây dựng lực lượng gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, triển khai sâu rộng đối với đặc thù của từng đơn vị. Riêng đối với các đơn vị điều tra, ban hành và siết chặt về quy chế làm việc để hạn chế thấp nhất những điều kiện phát sinh tiêu cực, vi phạm. 

Cần đảm bảo thượng tôn pháp luật, tránh oan sai, tránh bỏ lọt tội phạm và chống tiêu cực đối với cán bộ điều tra viên, trinh sát viên. Những vụ án trọng điểm, vụ án phức tạp đều phân công lãnh đạo trực tiếp cùng với điều tra viên giỏi kèm cặp những đồng chí điều tra viên mới. Đặc biệt năm nay công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng, thanh tra, kiểm tra cả về chấp hành pháp luật, cả về chấp hành công tác điều lệnh, lễ tiết tác phong.

Phóng viên: Hiện nay, tình trạng “con ông cháu cha” ở trong cơ quan Nhà nước không ít. Tuy nhiên đối với lực lượng Cảnh sát, đặc biệt là các đồng chí trực tiếp làm công tác trinh sát, điều tra viên, công việc liên quan đến sinh mạng chính trị của con người, đòi hỏi phải có trình độ nghiệp vụ, pháp luật và bản lĩnh chính trị thực sự. Ở Tổng cục Cảnh sát, Đảng ủy, lãnh đạo Tổng cục đã làm gì để tránh hiện tượng “con ông cháu cha” bố trí hoặc bổ nhiệm vào những vị trí không thích hợp?

Trung tướng Trần Văn Vệ: Tôi nghĩ nếu con cán bộ mà có đầy đủ tố chất, điều kiện thì việc được tuyển dụng, bổ nhiệm cũng hợp lý vì giải quyết được chính sách cho cán bộ chiến sỹ, khiến họ yên tâm công tác hơn.

Thế nhưng, Tổng cục Cảnh sát có tính đặc thù, nên trong tuyển dụng, lựa chọn, tiếp nhận cán bộ về các Cục nghiệp vụ đều phải có chuyên môn và thực sự có yêu cầu. Mặc dù hiện nay, các đơn vị điều tra vẫn thiếu cán bộ nhưng không vì thế mà nhận tràn lan. 

Việc bổ nhiệm điều tra viên phải tuân thủ theo Luật tổ chức điều tra hình sự. Trong việc bổ nhiệm, đề bạt, cất nhắc cán bộ phải đúng quy trình, nằm trong quy hoạch, được cấp ủy, đơn vị giới thiệu, bỏ phiếu tín nhiệm. Những năm vừa qua, hàng trăm trường hợp được bổ nhiệm lãnh đạo từ cấp phòng lên cấp Cục, Tổng cục nhưng chưa có trường hợp nào có đơn thư tố cáo là vì tình trạng nể nang “con ông cháu cha”. 

Những đồng chí được bổ nhiệm lãnh đạo từ cấp đội trở lên cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều đồng chí trong một vài năm bổ nhiệm được lên chức vụ cao hơn.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

T. Hòa - X.Trường (thực hiện)
.
.
.