Nước xa không cứu được lửa gần

Thứ Hai, 26/03/2018, 08:59
“Nước xa không cứu được lửa gần” - hiểu đúng theo nghĩa đen, đó là một câu khái quát bao hàm đủ thông điệp về sự gấp gáp, chạy đua với thời gian của công tác chữa cháy. 

Vậy, làm sao để chỗ nào cũng có “nước”, làm sao để khi cháy, đám cháy được dập tắt một cách sớm nhất có thể, và quan trọng hơn, làm sao để không xảy ra cháy - đó mới là câu hỏi cần đặt ra cho mỗi người dân.

1. Mấy ngày vừa qua, cứ vài ngày lại có một vụ cháy lớn, thậm chí trong ngày xảy ra 2 vụ cháy. chung cư Carina ở TP Hồ Chí Minh ngày 23-3 khiến 13 người chết, nhiều người bị thương. Cũng trong ngày hôm đó, một trung tâm điện máy ở TP Vinh, Nghệ An bỗng bốc hỏa. 

4h sáng 25-3, thêm một vụ cháy ở công ty may trong Khu công nghệ Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc. Và, chỉ chưa đầy 3 tiếng sau, vào lúc 6h20 ngày 25-3, tại quán karaoke Kingdom, TP Hà Tĩnh lại xảy ra cháy lớn. Nhìn những chiến sỹ Cảnh sát chữa cháy chuyên nghiệp khuôn mặt lấm lem khói bụi, những bàn tay phồng rộp, bong tróc da vì sức nóng, những người dân đau đớn nhận thi thể người thân, những hiện trường tan hoang sau vụ cháy… không ai không cảm thấy xót xa.

Chung cư Carina ở TP Hồ Chí Minh vào đêm 23-3.

Nhìn vào cách chữa cháy của những vụ việc vừa xảy ra cho thấy, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã nỗ lực tiếp cận hiện trường một cách nhanh nhất.

Như sáng 25-3, báo chí đưa tin, sau khi nhận được tin báo cháy ở một cơ sở thuộc Khu công nghiệp Khai Quang, chỉ 3 phút sau, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) đã có mặt tại hiện trường chữa cháy. Và lúc 7h sáng, phóng viên truyền hình đã kết nối với đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đang tại cơ sở này. 

Những hình ảnh về các cán bộ chiến sỹ (CBCS) lực lượng chữa cháy tác nghiệp tại hiện trường và số người, tài sản được cứu đã cho thấy sự chuyên nghiệp trong công tác PCCC, sự dũng cảm của các chiến sỹ Cảnh sát PCCC cũng như sự nỗ lực, trách nhiệm của người đứng đầu có mặt tại hiện trường chỉ đạo, kiểm tra công tác chữa cháy và khắc phục hậu quả. 

Nhưng, dù đã nỗ lực để hạn chế thấp nhất thiệt hại thì chúng ta vẫn phải chấp nhận một sự thật là hậu quả của cháy vô cùng đau xót. Tính mạng con người, tài sản thiệt hại không thể lấy lại được. Nhiều doanh nghiệp phá sản, nợ nần chồng chất sau một vụ cháy, nhiều gia đình tán gia bại sản… cả đời không khắc phục được hậu quả.

Còn nhớ năm ngoái, các vụ cháy lớn đã để lại hậu quả vô cùng khốc liệt: 8 người chết trong một xưởng bánh kẹo ở Hoài Đức, Hà Nội; vụ cháy nhà dân khiến 4 người trong một gia đình tử vong ở tỉnh Bình Dương, quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) và Xuân Đỉnh (Hà Nội), và cả vụ cháy “chuồng cọp” xảy ra ở một số gia đình gia cố cửa chống trộm mà quên lối thoát hiểm khi cháy… 

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2017 trên địa bàn cả nước xảy ra 4.114 vụ cháy, nổ, làm 119 người chết và 270 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng. 

Đầu năm 2018, hàng loạt vụ cháy xảy ra, từ cháy tàu chở xăng dầu trên biển ở Hải Phòng cho đến cháy chung cư, cháy cơ sở kinh doanh, cháy nhà dân… Năm nào cũng xảy ra cháy, thậm chí năm nào cũng có những vụ cháy vô cùng nghiêm trọng. Ai cũng sợ, ai cũng lo lắng, nhưng cháy vẫn xảy ra. Vậy nguyên nhân do đâu?

2. Thực ra, bài học kinh nghiệm sau mỗi vụ cháy luôn được các phương tiện truyền thông nói với mật độ dày đặc, nhưng vụ cháy qua đi người ta lại quên mất phải làm những gì để phòng cháy. 

Thực tế, để trang bị hệ thống PCCC hiện đại thì chi phí khá lớn. Trong khi các cơ sở sản xuất thường tận dụng mọi địa hình để chứa đồ, không sắp xếp hàng hóa khoa học, không trang bị kiến thức, kỹ năng PCCC cho nhân viên. Ở các gia đình thì mải chống trộm mà quên phòng cháy. 

Có lần lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đi kiểm tra công tác phòng cháy ở một chung cư trên địa bàn quận Hà Đông, dù đã thông báo trước về kế hoạch kiểm tra nhưng chủ đầu tư không đến dự. Thậm chí tại chung cư này, cơ quan chức năng đã có quyết định xử phạt hành chính lên tới gần 100 triệu đồng nhưng doanh nghiệp không nộp phạt. Thực tế điểm tra cho thấy, chủ các công trình lớn chưa thực sự chú trọng việc đảm bảo an toàn phòng cháy.

Có mặt tại hiện trường một đám cháy xưởng sản xuất nhựa ở ngoại thành Hà Nội cuối năm ngoái, tôi chứng kiến sự đau đớn của chủ xưởng sản xuất khi nói rằng cả gia sản của chị thế là tan hết. Chị kêu gào thảm thiết nhưng chị lại không biết phải làm thế nào để hạn chế đám cháy khi phát hiện ra. 

Cũng giống như chị, phần lớn người dân thiếu kỹ năng phòng cháy chữa cháy, và không có kỹ năng thoát nạn. Những kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn được tuyên truyền khá sâu rộng, nhưng hiệu quả thì chưa nhiều. 

Quá trình tìm hiểu công tác phòng cháy chữa cháy, tôi được nghe nhiều lần phản ánh của các cán bộ làm công tác tuyên truyền rằng, người dân chưa thực sự quan tâm đến việc phòng cháy. 

Những buổi tuyên truyền kiến thức phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư chưa thu hút được người dân, dù thông báo đến từng nhà, nhưng số người dự các buổi tuyên truyền như vậy chưa nhiều. Không ít người chủ quan từ ý thức đến hành động, cứ nghĩ “bà hỏa” đến nhà ai chứ không vào nhà mình. Họ có chút kiến thức về thoát nạn nhưng khi xảy ra cháy thì phần lớn là hoảng loạn, chưa chắc đã áp dụng được những kỹ năng đơn giản đã từng biết.

Bởi thế, ngoài việc phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực PCCC thì vấn đề trang bị kiến thức, kỹ năng cho từng con người cụ thể là đặc biệt quan trọng. 

Nước xa không cứu được lửa gần – khi xảy ra cháy, bản thân mỗi người ở hiện trường phải biết cách dập đám cháy khi nó chưa cháy lớn và tự giải cứu mình. Đó cũng là phương châm chữa cháy 4 tại chỗ luôn được nhắc đến (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ).

Việc trang bị kỹ năng cho từng người cần được thực hiện ngay từ trường học. Hiện một số trường học đã tổ chức cho học sinh trải nghiệm chữa cháy và thực hành kỹ năng thoát nạn. 

Cục Cảnh sát PCCC&CNCH phối hợp cùng Trường đại học PCCC tổ chức khóa học "Phòng vệ thông minh" cho học sinh bằng trải nghiệm thực tế cách thoát nạn trong trường hợp khẩn cấp tại Trung tâm Huấn luyện Đào tạo Cứu hộ, cứu nạn Lương Sơn (Hòa Bình). 

Tại đây các em được đu dây từ tầng cao xuống mặt đất, bò trên sàn tránh khói, sử dụng bình cứu hỏa… Tuy nhiên, các lớp huấn luyện kỹ năng đó chưa có nhiều và chưa phổ biến nên tỷ lệ học sinh được trang bị kiến thức có thể áp dụng vào thực tế chưa cao. Những khóa học kỹ năng như thế cần được nhân rộng để lớp trẻ biết ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố. 

Có kỹ năng sẽ có cơ hội - câu chuyện về một người cha từ Yên Bái gọi điện thoại hướng dẫn con thoát nạn thành công trong vụ cháy ở chung cư Carina đáng để chúng ta suy ngẫm và lên kế hoạch hành động.

Việt Hà
.
.
.