Thảo luận Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi)

“Nóng” việc thu hồi tài sản không chứng minh được nguồn gốc

Thứ Ba, 21/11/2017, 10:42
Sáng 21-11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Các đại biểu (ĐB) kỳ vọng, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) lần này với những điều luật cụ thể hơn sẽ đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều ĐB còn lo lắng bởi việc chứng minh và thu hồi tài sản của người tham nhũng còn chưa giải quyết được.       

Có thu hồi tài sản không chứng minh được nguồn gốc?

ĐB Nguyễn Thị Thuỷ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, việc thu hồi tài sản tham nhũng khó khăn do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có việc pháp luật chưa có cơ chế xử lý sớm tài sản tham nhũng. Cụ thể là pháp luật hiện hành chưa có cơ chế xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp.

Một số trường hợp kê khai không đúng vừa qua chỉ có thể áp kỷ luật đối với người kê khai (khiển trách, cảnh cáo, thậm chí cách chức) chứ không thể đụng được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc của họ. Muốn tịch thu khối tài sản này thì phải qua một vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Và đến khi đó sẽ rất khó khăn, nhiều vụ án không còn tài sản để thi hành án. 

“Một trong những kỳ vọng của cử tri khi sửa luật lần này là giải quyết được vấn đề nêu trên, nhưng dự thảo vẫn chỉ xử lý người kê khai không đúng. Cụ thể như ai được dự kiến bổ nhiệm thì không được bổ nhiệm nữa, bổ nhiệm rồi thì tuỳ theo mức độ bị cách chức, giáng chức. Còn khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp thì dự thảo vẫn tiếp tục để ngỏ, không có cơ chế xử lý” – ĐB Nguyễn Thị Thuỷ lo lắng.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội.

Thu hồi tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp là vấn đề mới và khó với Việt Nam, nhưng rõ ràng đây là sự chờ đợi của người dân. Các nước đã và đang trải qua khó khăn như chúng ta trong cuộc chiến chống tham nhũng cũng tự tìm ra cho mình cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng và đang phát huy hiệu quả trên thực tế. “Từ thực tế và kinh nghiệm quốc tế, mong ban soạn thảo tiếp thu đưa vấn đề này ra thảo luận thấu đáo trên nhiều khía cạnh” – nữ đại biểu kiến nghị và nhất trí với việc dự thảo luật được thảo luận trong 3 kỳ họp.

ĐB Sùng Thìn Cò (đoàn Hà Giang) cho rằng “Tài sản bất minh nhiều vấn đề, phải điều tra, xác minh mất nhiều thời gian. Tài sản đã tham nhũng thì không có cánh mà bay. Nó chỉ vào những người thân, người quen, vào những chỗ quen biết  chứ chả đi đâu cả. Trước mắt thì cũng khó nhưng về lâu dài thì chắc chắn sẽ thu hồi lại, còn thu hồi được bao nhiêu thì chưa rõ. Đó cũng là mong muốn của Đảng, của Nhà nước cũng như mong muốn của cử tri, của nhân dân.

Lý do Ban soạn thảo giải thích cho việc không bổ sung quy định xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp là để phù hợp với nguyên tắc của tố tụng hình sự, trách nhiệm chứng minh thuộc về nhà nước. Tức muốn tịch thu khối tài sản đó, cơ quan nhà nước phải chứng minh chứ không phải người có tài sản có trách nhiệm giải trình.

Ai sẽ phải kê khai tài sản?

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) lần này đưa ra 2 phương án về đối tượng kê khai tài sản, trong đó phương án một là mở rộng hết mức (tất cả công chức nhà nước đều phải kê khai); phương án 2 thu hẹp quá mức (đối tượng hưởng phụ cấp từ 0,7 và 0,9 trở lên).

Nhiều ĐB cho rằng, trước mắt nên giữ nguyên đối tượng kê khai tài sản, thu nhập (đối tượng hưởng phụ cấp từ 0,2 trở lên, tức phó phòng cấp huyện trở lên) hoặc thu hẹp ở mức độ hợp lý, tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở Trung ương, địa phương, những khu vực nhạy cảm mà thời gian qua phát sinh nhiều vụ việc tham nhũng. 

Về vấn đề này, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu ý kiến: “Kê khai rộng quá, nhiều quá cơ quan quản lý không thể nào kiểm tra hết như thời gian qua. Kê khai thì để trong tủ hoặc kê khai để đó, phát sinh, phát hiện mới đi thẩm tra thì không kịp thời, đúng lúc. Sau khi đối tượng kê khai xong thì cơ quan quản lý, cơ quan thanh tra kiểm tra bản kê khai đó và đánh giá tình hình xem có thực tế hay không. Nếu thấy không thực tế mời đến bổ sung thêm, hoặc có vấn đề bất minh tiếp tục đi kiểm tra”.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đề nghị, Luật Phòng, chống tham nhũng cần quy định việc kê khai tài sản thu nhập thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân của cán bộ quan chức có trách nhiệm cùng với cơ quan thanh tra cấp tỉnh và chuyên ngành cấp tỉnh, cấp huyện kiểm kê tài sản. Việc kê khai, xác minh tài sản cần phải được công khai, minh bạch ở nơi cán bộ công chức cư trú, hoặc cơ quan nơi cán bộ làm việc để cùng giám sát.

"Cơ chế quản lý tài sản của chúng ta hiện nay có nhiều vấn đề, không quản lý được tài sản của cán bộ. Cứ cho là kiểm tra, thanh tra sát sao thì cũng khó phát hiện ra được với cơ chế hiện nay. Do vậy phải phải làm đồng bộ. Việc kê khai chưa tốt vì làm chưa rốt ráo, đầy đủ, đặc biệt là công khai phải được thực hiện nghiêm túc để người dân giám sát. Qua tai mắt của người dân mới biết được” – ĐB Bùi Văn Xuyền nêu ý kiến.

Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu quan tâm đó là mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật đối với với khu vực ngoài nhà nước. Trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời cản trở hiệu quả phòng chống tham nhũng trong khu vực nhà nước. 

Phương Thuỷ
.
.
.