Những cạm bẫy, nhiễu loạn trên không gian mạng - “Hoạn Thư” trên “fây”

Thứ Bảy, 07/07/2018, 09:49
Không biết chính xác từ bao giờ, việc đánh ghen quay clip đăng facebook đã xuất hiện và có vẻ như đang trở thành “trào lưu”.


“Đau đớn thay phận đàn bà. Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”,  Nguyễn Du đã rút ruột nhả ra hai câu thơ Nôm khi nói về thân phận của người phụ nữ trong áng văn bất hủ - “Truyền Kiều”. 

Thời nay, phụ nữ đã có vị trí, vai trò bình đẳng với nam giới nhưng mỗi khi xem hình ảnh, clip hay đọc câu chuyện về các vụ đánh ghen trên “fây”, hai câu thơ đắng cay về thân phận đàn bà này cứ vẳng vất trong tôi. Thân thể, nhân phẩm, danh dự của những người phụ nữ đem ra băm vằm trên mạng xã hội. 

Tiếc rằng, những ả “Hoạn Thư” trên Facebook lại không phải là ít. Chỉ riêng góc độ này thôi đủ thấy, hành vi bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên không gian mạng đáng báo động như thế nào.

Vấn đề quyền con người, mà cụ thể là quyền được bảo mật thông tin cá nhân được Hiến pháp 2013 của nước ta quy định. Điều 21 nêu: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”. 

Thế nhưng, với những gì được nhìn, nghe, đọc trên internet về các vụ đánh ghen thì thấy, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, nhân phẩm của những nạn nhân trong các vụ này bị xâm phạm nghiêm trọng. Quyền bảo vệ danh dự, uy tín của những họ bị chà đạp một cách tàn bạo.

Mới đây, vụ một phụ nữ hành nghề làm đẹp ở Thanh Hóa bị đánh ghen, quay clip tung lên facebook là ví dụ điển hình hành vi làm nhục người khác. Lấy lý do ghen tuông, những kẻ thủ ác mà chủ mưu cũng chính là phụ nữ đã ngang nhiên chà đạp lên thân thể, tinh thần của chị G. (tên nạn nhân).

Trang facebook “đánh ghen” đăng tải nhiều hình ảnh , clip về các vụ đánh ghen.

Trong hoàn cảnh một mình giữa phố đông toàn người xa lạ, chị không thể chống lại ả “Hoạn Thư” cùng với đồng đảng đang đằng đằng sát khí. Thân thể bị lột truồng, bị phơi ra giữa đường khiến chị G. vô cùng xấu hổ, chỉ biết ôm tay che mặt. 

Trên đời này, có muôn vạn đòn ghen, nhưng đòn ghen dùng đến nước mắm thì có lẽ ít người nghĩ ra. Trong khi nạn nhân đau đớn, ê chề, những kẻ gây án còn dùng điện thoại hả hê ghi hình và sau đó tung lên facebook. 

Người thiên hạ vì thế biết về chị G. nhiều hơn, về những nghi vấn cướp chồng người mà người ta đổ vấy cho chị cũng nhiều hơn. Những anh hùng bàn phím vì thế tha hồ rỉa rói, bình phẩm về chị… Thế là, nhờ điện thoại smartphone, nhờ internet, nhờ mạng xã hội, đòn ghen này càng nặng ký, những kẻ gây án thì hỉ hả…

Không thể phủ nhận, bên cạnh những người tham gia mạng xã hội chưa biết thực hư như thế nào đã lao vào lên án nạn nhân, vẫn có một số lượng không nhỏ những người lên án hành vi của “Hoạn Thư”. Còn pháp luật thì đương nhiên không bao giờ dung thứ hành động này. 

Theo Đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng Công an TP Thanh Hóa, ngay sau khi mạng xã hội đăng tải, cơ quan Công an đã vào cuộc xác minh, làm rõ. 

Được biết, ngày 21-6, cơ quan Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 3 đối tượng gây ra vụ việc này là: Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thùy Linh, Phạm Thị Thùy Dung đều trú tại thành phố Thanh Hóa về tội làm nhục người khác.

Bộ Luật Hình sự 2015 đã quy định rất rõ, tội làm nhục người khác có thế bị xử phạt lên đến 5 năm tù giam. Thế nhưng, những vụ đánh ghen có tính chất như nêu ở trên được đăng tải trên mạng xã hội không hiếm. Pháp luật đã quy định những dấu hiệu của tội làm nhục người khác để làm căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xét xử. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi nhiều người sử dụng mạng xã hội để đăng tải hình ảnh, thông tin về người bị làm nhục càng khiến cho nạn nhân phải chịu hậu quả nặng nề hơn.

Không biết chính xác từ bao giờ, việc đánh ghen quay clip đăng facebook đã xuất hiện và có vẻ như đang trở thành “trào lưu”. Chỉ cần sớt thông tin này trên internet là nhận được vô số kết quả. Cá biệt, lại có cả trang facebook mang tên “Đánh ghen”.

Trang mạng xã hội này đăng rất nhiều hình ảnh, clip về các vụ đánh ghen, ở khắp mọi miền đất nước. Đủ mọi hình ảnh, trạng thái của các vụ đánh ghen được đăng tải ở đây. Rất nhiều gương mặt, thân thể của người phụ nữ bị phơi bày. Danh dự, nhân phẩm của họ vì thế bị chà đạp tàn bạo. 

Đáng chú ý là, để tăng độ hấp dẫn, thu hút người like, chủ nhân của trang facebook này còn viết những status rất giật gân. Thế là hình ảnh những người phụ nữ - nạn nhân trong các vụ đánh ghen không chỉ bị phơi bày, bêu riếu, nhục mạ mà còn được lưu trữ trên mạng xã hội. 

Thời gian có thể làm mờ dần vết thương, nhưng nếu các nạn nhân vô tình vào đây mà nhìn thấy hình ảnh mình thì những sự việc xảy ra trong quá khứ sẽ sống lại. Thế là, vết thương lòng của họ thêm một lần nữa bị cứa sâu hơn. 

Tính năng cập nhật, lưu trữ của mạng internet đã đem lại những tiện ích rất lớn cho người sử dụng. Tuy nhiên, với những vụ việc có tính chất như nêu ở trên, thì rõ ràng là tính năng này đã đem lại phiền lụy rất lớn cho cá nhân hoặc tổ chức có liên quan.

Được biết, đối với thông tin thất thiệt, Luật An ninh mạng 2018 quy định: “Yêu cầu xóa bỏ, truy cập xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức cá nhân”. 

Còn với những thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống cũng được Luật này chỉ rõ, đó là: Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đền quyền và lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

Như vậy, với quy định này, khi Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành vào năm tới, chắc chắn những hành động của các “Hoạn Thư” khi lột đồ, gây thương tích, quay clip, đăng facebook sẽ có thêm căn cứ pháp lý để xử lý. 

Đồng thời, sẽ là cơ sở để ngăn chặn tình trạng lạm dụng các trang mạng xã hội để đăng tải những thông tin bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

Bên cạnh đó, Luật này cũng kiểm soát và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ cũng phải có trách nhiệm trong việc đăng tải, kiểm soát nội dung của người dùng.

Vấn đề “Hoạn Thư” trên mạng xã hội chỉ là một góc nhỏ của tình trạng xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác đang tồn tại nhức nhối trên mạng xã hội hiện nay.

Dù chỉ là một phần rất nhỏ trong ti tỉ thứ phản cảm, vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục mà người ta đưa lên internet nhưng cũng đã gây ra hiệu ứng rất xấu cho cộng đồng, xã hội. Nó khiến cho nỗ lực bảo vệ quyền con người, quyền phụ nữ, quyền bình đẳng giới mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang xây dựng và nỗ lực thực hiện bị tác động.

Chính vì thế, việc ban hành Luật An ninh mạng là cần thiết. Bởi, nhìn vào tình trạng đăng tải thông tin xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xúc phạm tôn giáo; lan truyền thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống tổ chức, cá nhân… diễn ra tràn lan trên không gian mạng nhưng chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu, dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc về nhân mạng, tinh thần, xâm hại an ninh quốc gia và trật tự xã hội… thì sự ra đời của Luật An ninh mạng sẽ góp phần ngăn chặn, kiểm soát được tình trạng này.

Bảo vệ thông tin cá nhân

Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng.

Các hành vi như chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ, xóa, làm hư hỏng, thất lạc, thay đổi, đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của người khác mà chưa được phép của người sử dụng hoặc trái quy định của pháp luật sẽ bị xử lý.

Luật An ninh mạng cũng quy định, lực lương chuyên trách bảo vệ an ninh mạng nếu lạm dụng, làm lộ thông tin cá nhân của người sử dụng  sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục,
vu khống gồm:

Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đền quyền và lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

(Luật An ninh mạng 2018)

Cao Hồng
.
.
.