Siêu dự án giao thông thuỷ xuyên Á trên sông Hồng:

Nhiều địa phương quan ngại, Bộ Tài nguyên – Môi trường nói cần thận trọng

Thứ Ba, 10/05/2016, 16:25
Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định chưa xem xét phê duyệt siêu dự án giao thông thuỷ xuyên Á kết hợp thuỷ điện trên sông Hồng được coi là tín hiệu vui bước đầu. Tuy nhiên, "chưa xem xét" không đồng nghĩa với "bác bỏ". Do vậy, nhiều địa phương trong phạm vi ảnh hưởng của siêu dự án vẫn tỏ ra lo ngại nếu dự án được thực hiện.

Theo phân tích của các nhà khoa học, nếu dự án được thực hiện, đồng bằng Bắc Bộ có thể bị sụt lún nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng mất đất sản xuất nông nghiệp của hàng chục triệu người dân. Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Tuấn – Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Thái Bình cho biết: "Chúng tôi mới chỉ biết thông tin qua báo chí chứ chưa nhận được văn bản chính thức. 

Tuy nhiên, tôi thấy dự án này có vẻ rất viển vông, không khả thi. Nếu được thông qua, nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường, nhất là các tỉnh hạ lưu. Sông Hồng là nguồn sống của người dân Thái Bình, giờ xây đập chặn nước, chúng tôi lấy đâu ra nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt người dân? Rồi vấn đề xâm nhập mặn, mất phù sa thì ai lo? Thái Bình lại là vựa lúa lớn nhất của đồng bằng Bắc Bộ. Tôi hết sức quan ngại về dự án này, cần phải làm rõ tác động tới môi trường, sinh thái".

Là địa phương nằm trong khu vực dự kiến thực hiện dự án, ông Nguyễn Ngọc Thắng – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Phú Thọ cũng cho rằng, đây là vấn đề lớn, cần sự thống nhất của các Bộ, ngành, các địa phương, các nhà khoa học, sau đó Chính phủ mới quyết định. "Chúng tôi lo ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, tới sự phát triển kinh tế xã hội, tới dòng chảy, nguồn nước. 

Thuỷ điện trước hết vì lợi ích của doanh nghiệp. Phát triển thuỷ điện là bài toán đánh đổi, vì vậy phải cân nhắc kĩ lưỡng về tác hại, mặt trái của nó. Bất kể dự án nào cũng không thể đánh đổi với môi trường. Việc nạo nét lòng sông Hồng cũng phải tiến hành cẩn trọng, tránh để chủ đầu tư lợi dụng nhằm tận thu cát, sa khoáng" – ông Thắng nói. Theo ông Thắng, hiện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ chưa có công trình thuỷ điện nào.

Chiều 10-5, trao đổi với PV báo CAND, ông Mai Thanh Dung – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường) khẳng định, với những hạng mục đề xuất, siêu dự án này sẽ gây ra những tác động mạnh mẽ tới môi trường.

Từng là Cục trưởng Cục thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường), trực tiếp thẩm định hồ sơ của nhiều dự án thuỷ điện, ông Dung nhấn mạnh: "Các công trình thuỷ điện đã khai thác gần hết tiềm năng rồi, do đó chúng ta phải xem xét nhiều khía cạnh khác nhau, cả về lợi ích thuỷ điện, thuỷ lợi và sinh thái. Dự án này còn nhiều vấn đề cần xem xét kĩ".

Ông Dung nói thêm: "Sông Hồng chưa có quy hoạch thuỷ điện nghĩa là Chính phủ đã rất thận trọng trong việc phát triển thuỷ điện. Sông hồng là con sông cổ, đụng chạm vào nó rất nhạy cảm. Tôi không đồng tình với việc xây dựng nhiều nhà máy thuỷ điện trên sông Hồng. Nhiều năm làm công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, tôi rất hiểu những hệ luỵ do thuỷ điện gây ra. Phát triển thuỷ điện cần hết sức cẩn trọng".

Đồng thuận dự án, nhiều Bộ mất tín nhiệm

GS Vũ Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, việc một số Bộ đồng thuận với siêu dự án này đã dẫn đến bị mất tín nhiệm với Chính phủ. "Tại sao Bộ Kế hoạch – Đầu tư lại trình một dự án, trong khi chưa có Quy hoạch? Thủ tướng "chưa xem xét" có nghĩa là tờ trình bị trả lại. Khi văn bản trình bị trả lại thì nặng nề lắm, coi như cơ quan trình bị mất tín nhiệm. Thủ tướng đã quyết định giao cho Bộ Tài nguyên – Môi trường đứng ra làm Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới là đơn vị làm quy hoạch thuỷ lợi. Điều này đã chứng tỏ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng bị mất tín nhiệm. Vì sao? Vì thời gian qua, Bộ này cũng thể hiện sự đồng tình với dự án. Tôi cho rằng, quản lí các dòng sông nên tập trung vào một đầu mối là Bộ Tài nguyên – Môi trường. Bộ này không trực tiếp sử dụng nước nên sẽ khách quan hơn. Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông, Xây dựng...đều dùng nước, nên nếu được giao làm Quy hoạch, họ sẽ làm theo hướng có lợi cho mình" – GS Hồng phân tích.

Đánh giá về động thái của Thủ tướng, vị chuyên gia đầu ngành về thuỷ lợi nói: "Thủ tướng đã hành động nhanh và đầy trách nhiệm, có sự lắng nghe những phản biện của giới khoa học. Đây là tín hiệu vui bước đầu để có thể tin rằng dự án sẽ không được phê duyệt".

Khánh Vy
.
.
.