Nhật ký cách ly tích cực của người trong tâm dịch và chuyện giám đốc tráo nhân viên

Thứ Ba, 10/03/2020, 20:01
Anh Phạm Quang Long (nick Quang Long Pham) ở phố Trúc Bạch (Hà Nội) là hàng xóm với bệnh nhân số 17 nên phải đi cách ly. Sau ngày đầu tiên cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, anh trở thành một KOL (người có tầm ảnh hưởng), một người nổi tiếng khi đăng bài đầu tiên trong “nhật ký cách ly” trên trang cá nhân.

Còn ông L.T.H, Giám đốc một công ty Điện gió tại Quảng Trị cũng “nổi tiếng” khắp cả nước, vì cùng chuyến bay với bệnh nhân số 17, nhưng ông đã đánh tráo để nhân viên đi cách ly thay. Cùng thuộc diện cách ly, nhưng cách hành xử của người trong cuộc ở hai trường hợp này trái ngược nhau. Người được cộng đồng vỗ tay tán thưởng, kẻ bị “ném đá” tơi bời.  

Tôi được người bạn giới thiệu nên đọc bài nhật ký cách ly ngày thứ nhất của anh Long khá sớm. Đó là một bài tường thuật trực tiếp, từ việc anh được  cơ quan y tế quận báo tin đi cách ly; cách anh nhận tin cũng như chuẩn bị hành lý lẫn tâm lý khi bước lên xe cứu thương; trải nghiệm ở nơi cách ly với đầy những ngạc nhiên khi thấy những tiện ích cùng cung cách phục vụ; rồi cái cách anh miêu tả tỷ mỉ và chụp ảnh phòng ở, nhà vệ sinh, mạng wifi đến bữa ăn sáng, bữa ăn trưa vừa sinh động, vừa chân thực… Những việc này đã truyền cho người đọc năng lượng tích cực. 

Anh Long và hình ảnh trong khu cách ly.

Hai từ “cách ly” nghe có cái gì đó là sự xa lánh, biệt lập xen lẫn e dè nhưng “nhật ký cách ly” của anh Long đã xoá bỏ những suy nghĩ không mấy thiện cảm về việc này. 

Theo anh Long chia sẻ, chỉ sau vài tiếng đăng tải trong nhóm kín, lượng chia sẻ quá lớn nên anh buộc phải để chế độ public. Và chính anh Long cũng không thể tưởng tượng nổi, đã có 20.000 like, 3.000 bình luận, 10.000 lượt chia sẻ bài viết của anh. 

Trong hai ngày 7 và 8-3, anh đã nhận cả chục cuộc điện thoại, tin nhắn của phóng viên các báo, kênh truyền hình đề nghị được sử dụng bài, hình ảnh… Anh trở thành người nổi tiếng không chỉ trên mạng xã hội, mà cả trên các kênh báo chí chính thống.

Chẳng ai muốn trở thành hàng xóm của người dương tính với virus Corona, nhưng khi hàng xóm của mình chẳng may mắc bệnh, cần hợp tác với cơ quan y tế để khoanh vùng, dập dịch. Anh Long và một số người hàng xóm với bệnh nhân số 17 phải đi cách ly tập trung tại bệnh viện. Còn 66 hộ dân, thuộc hơn 20 số nhà ở phố Trúc Bạch thì các ly tại chỗ. 

Khu vực họ sinh sống bị phong toả, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Tuy nhiên, cuộc sống của họ được đảm bảo, khi hàng ngày được cung cấp thực phẩm tươi sống miễn phí, với mức tiền ăn 80.000 đ/người/ngày.

Tính đến ngày 10/3, cả nước có khoảng 20.000 người cách ly. Việc tuân thủ yêu cầu cách ly của người dân vừa là ý thức, vừa là trách nhiệm của mỗi công dân. 14 ngày bị bó buộc trong một không gian hẹp sẽ dài hay ngắn phụ thuộc vào thái độ của từng người. 

Cô gái trẻ Nguyễn Thuỳ Dung, du học sinh trở về từ Hàn Quốc đang cách ly tại một cơ sở ở thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ. Cô gái trẻ đã đăng tải nhật ký cách ly trên facebook với những hình ảnh vô cùng chân thực, dễ thương. 

Cảm nhận của cô về không gian thơ mộng nơi cách ly, hay những việc làm nhỏ nhặt như đi cọ nhà vệ sinh… cho thấy, cô đón nhận 14 ngày cấm túc với thái độ tích cực. Chính tinh thần lạc quan, suy nghĩ và hành động của Dung đã lan toả ra cộng đồng. Và rồi, chính cô cũng ngạc nhiên khi ngày 8-3, từ nơi cách ly, cô đã nhận được những bó hoa tươi thắm từ những người không quen biết.

Rõ ràng, thái độ tích cực của những người như anh Long, Dung đã lan toả năng lượng tích cực cho cộng đồng trong bối cảnh, số lượng người dương tính đã tăng lên 35 và những diễn biến khó lường về dịch bệnh cả trong lẫn ngoài nước đều phức tạp. 

Thế nên, hành động của ông Giám đốc nhà máy Điện gió tại Quảng Trị không thể chấp nhận. Là người đứng đầu doanh nghiệp, là người có tiền, có địa vị xã hội nhưng ông đã vô trách nhiệm. Với bản thân, ông đã không bảo vệ mình trước nguy cơ có thể lây bệnh từ bệnh nhân số 17 khi cùng chuyến bay với cô. Với cộng đồng, ông đã bỏ mặc những mối nguy reo rắc bệnh dịch. Việc cơ quan chức năng phát hiện ông để nhân viên đi cách ly thay mình cho thấy sự gian giảo. Hiện nay, ông đã buộc phải khai báo y tế, phải cách ly. Trong thời gian cách ly này, hy vọng ông đủ thấm để ngẫm ngợi về tư cách công dân của mình.

2. Thủ tướng Italia ra lệnh phong toả cả quốc gia đến đầu tháng 4 sau khi số người nhiễm ở đất nước này tăng lên con số  trên 9.000 người. Trước đó, Trung Quốc phong toả thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc. Còn Việt Nam ta, phong toả triệt để xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) 20 ngày (kết thúc vào ngày 4/3) và hiện đang phong toả một phần khu phố Trúc Bạch (Hà Nội). “Nội bất xuất, ngoại bất nhập” là yêu cầu đối với cư dân khu vực bị phong toả, cách ly. 

Ngoài ra, còn có hình thức cách ly khác – Cách ly tại khu vực tập trung, tại bệnh viện. Cách ly được hầu hết các quốc gia trên thế giới coi là một biện pháp kiểm soát, ngăn chặn trong phòng chống dịch COVID-19.

Như tôi đã đề cập ở trên, cách ly có đáng sợ hay không phụ thuộc vào tâm thế của từng người. Một khi đã nhìn nhận, đó vừa là biện pháp để bảo vệ bản thân, gia đình, vừa là trách nhiệm xã hội thì dù cách ly tập trung hay ở trong khu vực phong toả, việc đón nhận sẽ nhẹ nhàng. 

Hiện nay, những hoang tin trên facebook, trên Internet và “tàu ngầm” trong các nhóm kín rất đáng sợ. Nó khiến, người ta nghĩ đến phải “cách ly” những thông tin này. Mặc dù đang cách ly, liên hệ với thế giới bên ngoài chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh nhưng anh Long vẫn choáng ngợp trước thông tin vô tội vạ về COVID-19. Trong nhật ký cách ly ngày 10-3, anh Long viết rằng: Thông tin COVID-19 thật đáng sợ. Mở facebook, có 9/10 status nhắc, chỗ nào cũng COVID-19, nhìn đâu cũng COVID-19. COVID-19 ám ảnh chúng ta đến mức làm sai lệch hết suy nghĩ và nhận định. Bởi nếu suy nghĩ đúng, chẳng ai đi chen chúc mua thực phẩm khi mà chỗ đông người dễ lây lan nhất. Chúng ta bị loạn thông tin và con virus này còn nguy hiểm hơn loại virus đang gây bệnh, bởi phạm vi ảnh hưởng của nó không phải 2m…Thông tin chính thống từ các báo đài rất đầy đủ và minh bạch, chúng ta nên cập nhật hàng ngày. Nếu các bạn nghĩ, Nhà nước dấu diếm thông tin, thì liệu tôi có thể ngồi trong phòng cách ly dùng internet tốc độ cao thoải mái không? Chỉ khi thoát khỏi loạn thông tin, ta mới có thể có được sự minh triết trong nhận định và mới có cơ hội chiến thắng COVID-19.

Cách ly sẽ hạn chế một số nhu cầu của bản thân, sẽ khiến đôi chân trở nên tù túng, những việc làm sẽ dang dở…Tuy nhiên, khi rơi vào hoàn cảnh bắt buộc, chúng ta nên chấp hành là đương nhiên. Điều quan trọng nhất lúc này, là tâm thế đón nhận để những ngày cách ly trôi qua thật nhẹ nhàng. Ngoài ra, trong cuộc cơn bão thông tin trên không gian mạng hiện nay, việc chọn lọc để tiếp cận nguồn tin chính xác, tránh xa tin rác, xấu độc cũng là cách mà mỗi chúng ta cách ly khi tham gia môi trường mạng.

Cao Hồng
.
.
.