Nhân lên tinh thần toàn quốc kháng chiến trong sự nghiệp xây dựng đất nước

Thứ Hai, 19/12/2016, 07:52
“Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Dù phải gian lao kháng chiến nhưng với một lòng kiên quyết hi sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!” – đó là quyết tâm và niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” cách nay tròn 70 năm.


Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời giữa trùng điệp khó khăn, hiểm họa và chưa tròn 2 tuổi đã phải bước vào một cuộc chiến khốc liệt với quân xâm lược mạnh gấp bội.

Trong những ngày nước sôi lửa bỏng của năm 1945-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã cấp tốc thực hiện những chủ trương, biện pháp chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Giặc đói bị đẩy lùi nhờ tinh thần đoàn kết, nhờ những “hũ gạo cứu đói” và đẩy mạnh tăng gia, sản xuất. Giặc dốt từng bước được thanh toán nhờ những lớp “bình dân học vụ”.

Hiểm họa lớn nhất là giặc ngoại xâm bị đẩy lùi bằng cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Như vậy, chỉ trong vòng 9 năm, cả 3 loại giặc đều cơ bản được giải quyết. Đó là thành tựu phi thường của một Nhà nước dân chủ cộng hòa non trẻ mới tròn 10 tuổi!

Cảm tử quân ôm bom ba càng chiến đấu trên đường phố Hà Nội. Ảnh tư liệu 

Có nhiều cách lý giải nguyên nhân đạt được những thành tựu đó của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, song phải khẳng định trước hết là có một chính thể được lòng dân, có đảng cách mạng chân chính lãnh đạo, có đường hướng đúng và đoàn kết, huy động được sức dân cũng như sự ủng hộ của bạn bè quốc tế…

Sau năm 1954, tinh thần và những giá trị lịch sử của Toàn quốc kháng chiến lại được nhân lên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ với sự khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”…

Trong giai đoạn lịch sử đặc biệt này, bên cạnh việc phát huy những ưu việt của thể chế, của sức mạnh dân tộc thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn huy động được sự ủng hộ quốc tế rộng khắp.

Từ nhiều nước anh em xã hội chủ nghĩa, các nước bạn bè trong thế giới thứ ba, các nước tư bản và thậm chí cả người dân và một bộ phận chính giới Hoa Kỳ cũng nhiệt thành ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Nhờ phát huy cao độ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, đã đưa đến thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến và thống nhất đất nước.

Những ngày vệ quốc 1946. Ảnh tư liệu. 

Rõ ràng, lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã minh chứng: Mỗi khi vận nước lâm nguy (vì thiên tai, địch họa, hoặc bất cứ lí do gì), tinh thần đoàn kết và ý chí sắt đá của người dân lại được thử thách, tôi luyện và nhân lên. Nhờ vậy, dân tộc ta đã vượt qua bao thiên tai, địch họa để giữ gìn Tổ quốc và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Như đã phân tích ở trên, trong sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước (1945-1975), nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử trong mỗi giai đoạn cách mạng. Thành tựu 30 đổi mới cũng rất to lớn nhưng mục tiêu, yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới của đất nước đang đặt ra muôn vàn thách thức và nguy cơ.

 Những thách thức, nguy cơ đó, như Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: Bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ “diễn biến hoà bình” của thế lực thù địch và đặc biệt là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí...

Đặc biệt nguy hiểm là sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) nêu lên 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Nghị quyết chỉ rõ: Trong các biểu hiện đó, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin, nói trái, làm trái quan điểm của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao, không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng.

Sự suy thoái về đạo đức, lối sống còn thể hiện ở chỗ sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, tham quyền lực, bè phái cục bộ, mất đoàn kết, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn bức xúc của dân...

Từ thực trạng nêu trên, Đảng ta dũng cảm chỉ ra những biện pháp cụ thể, quyết liệt: “Nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân. Củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng”…

Đánh giá khách quan, trong thời gian qua, các cấp ủy Đảng từ Trung ương tới cơ sở đã triển khai sâu rộng và có những việc làm cụ thể để nhân dân phấn khởi và tin tưởng và quyết tâm chính trị của Đảng nhằm khắc phục triệt để những thiếu sót, khuyết điểm nêu trên.

Một loạt vụ án, đại án liên quan đến công trình ngàn tỉ lỗ vốn, “đắp chiếu”; những vụ việc về đề bạt, bổ nhiệm cán bộ “đúng quy trình”… được phát hiện, quy trách nhiệm rõ ràng hoặc xử lí theo pháp luật.

Những kết quả bước đầu nêu trên giúp chúng ta có thêm niềm tin vào Đảng ta và sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước hiện nay. Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận những khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Đồng thời, chiêm nghiệm giá trị và ý nghĩa lịch sử của Toàn quốc kháng chiến, có thể thấy Đảng ta đang dũng cảm đối diện với thực tế, có quyết tâm, giải pháp thực hiện mục tiêu đặt ra và đoàn kết toàn Đảng, toàn dân để thực hiện cho được mục tiêu ấy và tiến tới mục tiêu cao nhất trong thời gian sớm nhất: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trần Duy Hiển
.
.
.