Nghĩ về chuyện “con ông cháu cha”

Thứ Hai, 27/02/2017, 09:53
Cái tư tưởng dựa vào người thân có quyền lực để bổ nhiệm người thân, người quen không đủ tiêu chuẩn hay bố trí, sắp xếp người thân, người quen vào những vị trí có nhiều lợi ích lâu nay đã phát triển không ngừng, gây kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị được Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 30-10 có đoạn: “… tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích”. 

Nhìn lại một chút lịch sử, trong cuộc kháng chiến cứu nước, “con ông cháu cha” được chính người thân của họ đối xử như thế nào?

Trong Bảo tàng Hồ Chí Minh, có một lá thư của Bác Hồ gửi cho bác sĩ Vũ Đình Tụng đề tháng 1-1947. Bác sĩ Vũ Đình Tụng là một người Công giáo yêu nước. Ông quê ở tỉnh Nam Định, nguyên là Bộ trưởng Bộ Thương binh (giai đoạn từ năm 1947 đến 1956) của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông có người con trai út tên là Vũ Văn Thành, một chiến sĩ Tự vệ của Thủ đô đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội mùa đông năm 1946.

Trước khi hy sinh, anh Thành bị thương rất nặng, đạn xuyên qua người, dập cả ổ bụng. Không mổ thì anh không thể qua khỏi, mà mổ thì không có điện, không có máu để tiếp, thuốc cũng không đủ và người thầy thuốc đứng ra mổ ca này chỉ có thể là cha anh – bác sĩ Vũ Đình Tụng, người bác sĩ duy nhất có mặt tại căn hầm cấp cứu khi đó.

Kết cục đau đớn xảy ra, ông không thể dành lại mạng sống cho con trai mình vì vết thương quân thù gây ra quá nặng. Trước đó, một người con trai khác của ông là anh Vũ Đình Tín, một chiến sĩ Tự vệ chiến đấu cũng đã hy sinh sau cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945.

Vào một buổi chiều tháng 1-1947 ở Bệnh viện Văn Điển, khi bác sĩ Vũ Đình Tụng vừa mổ xong cho một thương bình thì bác sĩ Trần Duy Hưng, lúc bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Nội vụ đến thăm ông và trân trọng trao tận tay ông bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phong thư làm bằng giấy báo cũ, mặt trước dán tờ giấy trắng, có đoạn: “Tôi được báo cáo rằng: Con giai của ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột... Ngài đã đem món của quý báu nhất, là con của mình sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây, chắc chắn ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà, thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng. Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài và gửi ngài lời chào thân ái và quyết thắng”.

Trong Bảo tàng Chiến thắng B52 (ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình) có một lá thư được viết bằng mực đen trên tờ giấy khổ nhỏ có in tên Trần Duy Hưng đề ngày 16-4-1965 gửi tới Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Thủ đô. Trần Duy Hưng là Chủ tịch Ủy ban Hành chính đầu tiên và lâu nhất Hà Nội (các giai đoạn từ 1945-1946 và từ 1954 đến 1977). Ông còn từng đảm nhiệm các vị trí: Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Y tế của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bức thư ấy có đoạn: “Tôi xin gửi tới các đồng chí đơn xin nhập ngũ của hai con trai tôi, một con trai cả là Trần Quốc Ân, 26 tuổi, Đảng viên, kỹ sư Tổng cục Địa chất; con trai bé là Trần Thắng Lợi, 16 tuổi, học sinh lớp 9. Các con tôi có khẩn khoản nhiều lần để “nói” với các đồng chí cho được phục vụ trong hàng ngũ Quân đội. Tôi rất thông cảm với những yêu cầu của các con tôi những ý muốn rất chính đáng của thanh niên trong lúc này. Vì vậy tôi rất mong các đồng chí xét đến nguyện vọng tha thiết của các con tôi. Chào quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ!”.

Điểm lại hai câu chuyện trên để so sánh với một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị: “…tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích” đã được Trung ương nêu ra. Thực tế, đây là biểu hiện tương đối phổ biến, đã phát triển một cách khó kiểm soát trong thời gian gần đây.

Câu nói vẫn tồn tại lâu nay trong dân gian “nhất hậu duệ” hẳn là có cái lý của nó. Một sinh viên mới ra trường được nhận vào làm việc tại một cơ quan nhà nước nào đó, thì câu hỏi đầu tiên người ta thường muốn biết đó là “con cái nhà ai?”.

Hay đơn cử như trong vi phạm giao thông, việc đầu tiên người vi phạm thường vận dụng đó là gọi điện thoại cho người thân của mình đang giữ quyền hành, chức vụ. Vì vậy, cái tư tưởng dựa vào người thân có quyền lực, lợi dụng chức vụ địa vị của mình để bổ nhiệm người thân, người quen không đủ tiêu chuẩn hay bố trí, sắp xếp người thân, người quen vào những vị trí có nhiều lợi ích lâu nay đã phát triển không ngừng, gây kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Hệ quả là ở nhiều cơ quan, đơn vị sự nghiệp, tồn tại nhiều “nhà trẻ” để giải quyết “chế độ chính sách”. Vậy là ngân sách Nhà nước phải nuôi những “đứa trẻ” trong cái “nhà trẻ” ấy chỉ để cho chúng rót nước, pha trà. Còn vấn đề chuyên môn thì dồn lại cho những người có năng lực thực sự - những người được chọn vào làm việc bằng chính năng lực trí tuệ của mình.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 17-2-2017 mới đây, Bộ Nội vụ đã thông tin về việc qua phản ánh của báo chí có 9 địa phương có “cả họ làm quan”.

Tại buổi họp, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành cho biết, kết quả kiểm tra cho thấy, số người nhà của một số lãnh đạo tại 9 địa phương tổng cộng là 58 người, trong đó, số người nhà có quan hệ ruột thịt là 18 (có chức vụ 15), số người nhà có quan hệ họ hàng là 40 người (có chức vụ 22 người). Tổng số 58 người này làm việc trong cơ quan hành chính Nhà nước là 24 người, cơ quan Đảng là 6 người, cơ quan đoàn thể là 10 người, đơn vị sự nghiệp là 14 người! Ngoài ra, qua kiểm tra, Bộ Nội vụ phát hiện một số tồn tại trong công tác bổ nhiệm những người này như: thiếu tiêu chuẩn, chứng chỉ, trình tự thủ tục…

Cùng là con, là cháu, là người thân nhưng trong thời gian khổ, khi mà cả đất nước phải gồng mình lên để cứu giống nòi, thì ngay cả những người nắm giữ các chức vụ quan trọng cũng viết đơn “xin” cho con mình được ra trận mặc cho giọt máu cắt ấy của họ có thể phải nằm lại mãi mãi nơi chiến trường.

Còn trong thời bình ngày nay, khi mà đất nước đang trên đà phát triển, khi mà vật chất tương đối đầy đủ với biết bao cám dỗ, thì không ít người làm cha, làm mẹ đã tìm mọi cách cho con cái của mình không phải nhập ngũ, thay vào đó là giúp chúng “chui” vào một vị trí nhiều bổng lộc.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo CAND, Tiến sĩ Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn có chia sẻ: “Cha tôi trước khi mất có nói với tôi rằng: “Ba chết đi có lẽ không để lại cho con một đồng xu nào. Có chăng là để lại cho con cái tiếng của ba”. Sau này tôi nghiệm ra rằng điều đó đúng vô cùng. Tôi đi làm kinh tế tư nhân từ hai bàn tay trắng. Cha tôi, đúng như lời ông nói, đã chẳng để lại một chút tiền bạc nào. Nhưng sau này, kể cả khi cha tôi đã mất mấy chục năm, thì cũng có những đối tác làm ăn, nếu vô tình biết tôi là con trai ông Lê Duẩn, tức khắc họ dành cho tôi sự kính trọng, tin tưởng, và tôi không giấu giếm một điều rằng, điều đó đã cho tôi nhiều cơ hội và thành công trên thương trường. Và đó là điều tôi vô cùng hạnh phúc và tự hào!”.

Cảnh Vũ
.
.
.