Ngăn chặn quà Tết biến tướng

Chủ Nhật, 25/12/2016, 08:53
Biếu quà vào mỗi dịp lễ, Tết vốn là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Thế nhưng, cùng với sự phát triển của xã hội, quà Tết đã bị biến tướng đi nhiều.

Giờ đây, người ta ít chú trọng đến văn hóa tặng quà mà quan tâm đến hiệu quả của món quà đó nhiều hơn.

Bởi thế, Trung ương Đảng, Chính phủ đã đưa ra quy định về tổ chức Tết. Làm thế nào để quà Tết không bị biến tướng? Làm thế nào để quyết tâm của Đảng làm trong sạch đội ngũ lãnh đạo, xây dựng chính phủ liêm chính đạt kết quả cao?

Phóng viên Báo CAND có cuộc phỏng vấn ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng về vấn đề này. 

Phóng viên (PV): Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các địa phương không về Hà Nội chúc Tết mà dành thời gian tập trung lo Tết cho nhân dân.

Ngày 21-12, Ban Bí thư cũng ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về tổ chức Tết năm 2017, nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức. Ông có đánh giá như thế nào về các chủ trương trên?

Ông Vũ Quốc Hùng: Phải nói đây là quyết tâm của Đảng của Chính phủ  trong việc cụ thể hóa những vấn đề về tư cách đạo đức trong ứng xử của cán bộ đảng viên. Đó là điều đáng mừng, bởi vì Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra những tiêu cực trong xã hội hiện nay thì một đảng lãnh đạo phải thể hiện trách nhiệm dẫn đầu, không thể mất uy tín trước nhân dân, cần phải có các quy định từ rộng lớn đến cụ thể.

Quy định về tổ chức Tết như thế là tốt, mọi người dân đặt niềm tin, hi vọng, thậm chí là kỳ vọng vào đó, nhưng cũng cần phải lường trước những khó khăn.

PV: Vậy theo ông, những khó khăn khi thực hiện chủ trương này là gì?

Ông Vũ Quốc Hùng: Thứ nhất là cần đối phó với biến tướng của hiện tượng biếu quà Tết, hay nói cách khác là đối phó với tiêu cực. Các loại biến tướng có rất nhiều. Thứ hai là, chủ trương rất tốt đẹp, nhưng thực hiện quy định đừng vì để ảnh hưởng đến tình cảm trong sáng của mối quan hệ giữa con người với con người.

Những tình cảm trong sáng đó đã trở thành truyền thống của dân tộc Việt Nam, đó là truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”.

Cho nên, từ suy nghĩ cho đến việc làm phải thực hiện nghiêm quy định nhưng không gây tổn thương đến những tình cảm tốt đẹp đó. Bên cạnh sự sẻ chia ấy thì vẫn còn cả nét đẹp truyền thống là “đói cho sạch rách cho thơm”.

PV: Để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ về tổ chức Tết, theo ông phải làm thế nào?

Ông Vũ Quốc Hùng: Cấp trên phải dành thời gian quan tâm đến cấp dưới, thăm những người khó khăn hoạn nạn, những gia đình chính sách, đồng bào vùng sâu, vùng xa thiệt thòi. Như vậy cũng đã dồn công sức, sử dụng hết thời gian rồi.

Tiếp nữa là, nếu có tiền bạc, quà cáp thì nên đưa đến những địa chỉ khó khăn. Không nên để tái diễn những đoàn xe dắt dây kéo nhau về Hà Nội chúc Tết Trung ương, không nên có các đoàn xe đi đám giỗ, đám hiếu hỉ linh đình… Những việc đó đã quy định cụ thể rồi, chúng ta chỉ cần thực hiện mà thôi.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.

PV: Những năm gần đây, Thanh tra Chính phủ vẫn công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin tiêu cực vào dịp Tết. Dù có nhận được điện thoại nhưng ít vụ xử lý được vì không có bằng chứng. Vậy làm thế nào để thông tin tố giác có hiệu quả?

Ông Vũ Quốc Hùng: Về đường nóng chống tham nhũng, tôi cũng băn khoăn xem hiệu quả như thế nào. Đối với tôi, đường dây nóng là rất quan trọng. Các cán bộ của chúng tôi trước đây không có đường dây nóng, nhưng tất cả những cuộc điện thoại, tin nhắn, những bức thư đều giúp rất nhiều cho công việc của cán bộ làm công tác kiểm tra.

Chúng tôi rất trân trọng vì đó là thông tin báo động, báo hiệu, còn nhiệm vụ của chúng tôi là phải thẩm tra, xác minh. Trường hợp có tài liệu, có bằng chứng thì chúng tôi cũng vẫn phải thẩm tra để tránh oan sai.

PV: Những năm qua đã có một số cán bộ nộp lại quà biếu Tết? Chúng ta nên ứng xử với tình huống này thế nào thưa ông?

Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi cũng đã chứng kiến nhiều đồng chí làm việc đó. Có nhiều cách để trả lại quà biếu, đó là trả lại người biếu hoặc nộp vào công quỹ, nhưng chúng ta cố gắng để việc đó không xảy ra nữa. Vì nếu quà biếu đúng thì không phải trả lại. Biếu đúng ở đây là đúng quy định, đúng theo đạo lý. Ví dụ, tôi thấy tổ chức mặt trận thiếu kinh phí thì bảo nhau mỗi người đóng góp một chút.

Nếu sinh hoạt Đảng hai chiều, ngoài việc tham gia họp thì mỗi đảng viên có thể đóng góp xây dựng tổ chức Đảng… Vấn đề chỉ là không dùng tiền vào mua chức, chạy chức chạy quyền, hoặc bắt người khác phải cung phụng.

Điều quan trọng là mỗi người phải điều chỉnh tâm lý của chính mình về tặng quà, biếu quà. Người được nhận quà phải trân trọng người trả ơn một cách chân chính. Người muốn đi trả ơn thì phải chọn cách không gây phiền hà, tránh làm khó cho người được trả ơn. Người chịu ơn cũng không nên có tâm lý nặng nề là buộc phải trả ơn bằng những món quà mang giá trị vật chất lớn.

Vấn đề là làm sao để thay đổi tâm lý chung của cán bộ quản lý, không vì tiền, vụ lợi mà có những hành vi không lành mạnh nhân dịp Tết. Không nên đánh giá tình cảm người khác bằng quà cáp hay dùng quà cáp để chạy chọt chức tước, công việc. Điều đó là sai.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.