Ngẫm từ việc nóng của 3 Bí thư Tỉnh ủy

Thứ Hai, 07/03/2016, 21:45
63 vị Bí thư tỉnh, thành đều có chức năng, nhiệm vụ và cơ chế là như nhau. Chỉ khác nhau ở cách làm, ai giảm hội họp, giảm nghe báo cáo để đi thẳng vào đời sống người dân hóa giải bức xúc, tất được lòng dân.


Những câu chuyện về các vị Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy bỗng dưng làm nóng dư luận, bắt đầu từ “hiệu ứng ông Đinh La Thăng”. Chưa hết đàm luận về vị tân Bí thư Thành ủy Sài Gòn xắn quần lội bùn vớt bèo trong ngày “chủ nhật xanh” – một phong trào của Thành đoàn TP Hồ Chí Minh thì sáng đầu tuần, tại Thanh Hóa, ông Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến đã có một hành động vốn rất được bà con ngư dân ở đây chờ đợi: Đối thoại với dân xung quanh dự án phát triển không gian du lịch biển Sầm Sơn, một dự án đang khiến hàng trăm hộ dân tụ tập lên cơ quan công quyền của tỉnh để khiếu kiện.

Bí thư Đinh La Thăng lội bùn vớt bèo hưởng ứng ngày “chủ nhật xanh”.

Trong khi đó, tại Quảng Bình, không phải hành động lội bùn, cũng không phải đối thoại với người dân mà sự việc diễn ra trong phòng họp. Kết thúc cuộc họp, người đứng đầu Tỉnh ủy xứ Quảng Hoàng Đăng Quang chỉ đạo Thường vụ huyện ủy Quảng Trạch cho bí thư Đảng ủy xã Quảng Châu Nguyễn Minh Tuấn (thuộc huyện Quảng Trạch) thôi chức ngay lập tức. 

Bí thư Hoàng Đăng Quang chỉ đạo “trảm” bí thư xã tham nhũng.

“Ông Quang nói phải cho thôi chức ngay vì bí thư Đảng ủy xã này đã có quá nhiều vi phạm, trong đó nghiêm trọng nhất là các hành vi trù dập người tố cáo, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, giải quyết công việc theo động cơ cá nhân” – nguồn tin báo chí viện dẫn.

Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến đối thoại với ngư dân Sầm Sơn ngày 7-3

Ba sự kiện trên diễn ra trong mấy ngày khoanh ở 3 mảng: ông Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng tham gia lội bùn, vớt bèo để “châm lửa” cho phong trào đoàn; ông Bí thư Trịnh Văn Chiến đối thoại với dân để giải đáp tâm tư, nguyện vọng của hàng nghìn ngư dân bám biển; ông Bí thư Hoàng Đăng Quang chỉ đạo xử lý rốt ráo vụ việc quan chức tham nhũng, tiêu cực. Ba mảng nói trên ở ba địa phương khác nhau nhưng có hai điểm chung: diễn ra cùng thời điểm và đều được thực hiện bởi vị đứng đầu Tỉnh ủy.

Về dư luận, báo chí đưa tin vụ vớt bèo, lội bùn đến mức “sốt sình sịch”, nổi rõ hình ảnh vị Bí thư Thành ủy xắn quần giữa ao bèo vốn chỉ quen thuộc với những người nông dân. Trong khi đó, cuộc đối thoại của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa với hàng nghìn ngư dân tỏ ra điềm đạm và cẩn trọng hơn, không gây “sốt ảnh”. Còn vụ Bí thư Quảng Bình thì ít sốt hơn trên báo, có lẽ việc “trảm” quan chức chỉ ở cấp xã là còn khiêm tốn?

Câu hỏi đặt ra: Tại sao chuyện của các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy lại hút sự quan tâm của báo chí, của người dân? Theo chúng tôi, điều này xuất phát trước hết từ việc làm của cá nhân các vị bí thư. Người ta đã quá quen với cách làm việc ngồi hội nghị nghe báo cáo, chỉ đạo qua báo cáo, nghe cấp dưới báo cáo nên những gì diễn ra khác với điều đó sẽ được chú ý.

Nếu ông Đinh La Thăng cầm bài phát biểu đọc trước hàng nghìn bạn trẻ kêu gọi hành động vì ngày “chủ nhật xanh” thì những bức ảnh đưa lên chẳng có gì để bàn. Nếu ông Hoàng Đăng Quang chỉ đạo cấp dưới (huyện ủy) “làm rõ và báo cáo bằng văn bản” thì có gì đáng nói, hay ông Trịnh Văn Chiến chỉ đạo Thị ủy Sầm Sơn họp dân và báo cáo thì người ta cũng chẳng nghĩ đến ông tới vậy…

Trong khi đó, chức năng, nhiệm vụ của các bí thư nếu theo quy định thì họ đều có thể làm như vậy và không có gì sai. Có nghĩa, vai trò cá nhân vị bí thư nói và hành động như thế nào trước các vấn đề bức xúc của địa phương mới là điều người dân quan tâm và hành động đó rốt ráo tới mức nào, được lòng dân tới đâu.

Ngày 7-3, trong cuộc đối thoại với ngư dân Sầm Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nói: “Trong những ngày qua, tôi nghe rất nhiều thông tin hoàn toàn sai sự thực, đi ngược với chủ trương của tỉnh, nhằm kích động người dân, một bộ phận người dân chưa được tuyên truyền nên đã tập trung đông người dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật. Tôi xin khẳng định biển, bờ biển là của đất nước chúng ta, của người dân chúng ta, trong đó có Sầm Sơn. Nhưng biển, bờ biển phải được Nhà nước quản lý theo quy hoạch bằng các quy định hiện hành. Không có chuyện tỉnh thu biển, thu bờ biển giao cho bất cứ doanh nghiệp nào, không có chuyện đó… Nếu bà con nào đồng ý với chủ trương, dự án và quyết định hỗ trợ của tỉnh thì nhận tiền, còn bà con nào không đồng ý thì cứ tiếp tục đi biển bình thường, không có bất cứ văn bản nào chỉ đạo bà con phải di chuyển tàu thuyền ở thời điểm nào hết”. Quan điểm của vị Bí thư khiến người dân thấy “mát lòng, mát dạ”, điều ấy có sức mạnh phần nào hóa giải những khúc mắc mà hàng trăm người đã tụ tập trước trụ sở cơ quan công quyền của tỉnh mấy ngày qua.

Theo quy định, một trong những chức năng, nhiệm vụ của Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy là: “Tập trung chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong từng thời kỳ, các khâu và lĩnh vực công tác khó khăn, phức tạp nhất; trực tiếp nắm và chỉ đạo những vấn đề cơ mật về quốc phòng-an ninh, đối ngoại, về công tác bảo vệ Đảng; chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt và chịu trách nhiệm về công tác tổ chức, cán bộ của địa phương. Chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong Đảng bộ tỉnh”.

63 vị bí thư tỉnh, thành đều có chức năng, nhiệm vụ và cơ chế là như nhau. Chỉ khác nhau ở cách làm, ai giảm hội họp, giảm nghe báo cáo để đi thẳng vào đời sống người dân hóa giải bức xúc, tất được lòng dân. Và điều đó hiển nhiên cần bản lĩnh người “cầm trịch”.

Một xã hội phát triển, cùng với việc quyết bàn theo đa số thì rất cần những động thái thể hiện vai trò cá nhân như vậy.

Đăng Trường
.
.
.