Nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Thứ Sáu, 01/05/2020, 08:48
Sau chiến thắng Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Trị Thiên - Huế - Đà Nẵng, đã tạo ra một thời cơ chiến lược hết sức thuận lợi để bước vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Bộ Chính trị khẳng định: “Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian ngắn nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975, không thể để chậm”, Hội nghị Bộ Chính trị quyết định phương án giải phóng miền Nam (từ 18-12-1974 đến 8/1/1975)...

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy toàn miền Nam bằng ba đòn chiến lược - ba chiến dịch kế tiếp: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Thực chất, đây là ba đòn tiến công có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu sự phát triển đến đỉnh cao nhất của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy.

Trong đó, Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 26/4 đến 30/4/1975) là một điển hình của loại hình chiến dịch tiến công hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng vũ trang nhân dân quy mô lớn. Đây là nét độc đáo, đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam, được thể hiện trên những bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, nghệ thuật tạo và nắm thời cơ giành thắng lợi quyết định trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mang đầy đủ những nét độc đáo, sáng tạo và đánh dấu bước phát triển vượt bậc về nghệ thuật quân sự Việt Nam. Bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, ta chủ động nắm chắc âm mưu và thủ đoạn mới của địch, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định mở nhiều hướng tiến công chiến lược.

Nhờ có nghệ thuật chỉ đạo, chỉ huy tài giỏi, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ, phát hiện sớm và nhạy bén nắm bắt thời cơ, hạ quyết tâm chính xác, kịp thời, sử dụng nghệ thuật mưu kế trên nền tảng chiến tranh nhân dân, phát triển tiến công táo bạo và thần tốc, đánh địch bất ngờ và liên tục nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975 đã giành được thắng lợi hoàn toàn.

Đó là nghệ thuật tạo lực, tạo thời cơ sử dụng lực lượng khôn khéo để đánh địch trên thế mạnh, tạo nên sức mạnh áp đảo quân địch, đồng thời thực hiện những trận đánh then chốt, then chốt quyết định tiêu diệt lớn bằng các đòn chiến lược, buộc địch từ chỗ bị đánh bất ngờ đến bị động phải co cụm chiến lược, rồi rút lui chiến lược mà dẫn đến sự tan rã và thất bại hoàn toàn.

Thứ hai, nghệ thuật tạo ưu thế lực lượng, hình thành sức mạnh áp đảo bảo đảm đánh địch trên thế mạnh. Đây là nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng, tạo sức mạnh áp đảo bảo đảm đánh thắng địch trong mọi tình huống. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, căn cứ vào điều kiện của ta, tình hình địch, yếu tố địa hình thời tiết; kế thừa truyền thống, kinh nghiệm của dân tộc trong lịch sử chống giặc ngoại xâm giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Chiến dịch Hồ Chí Minh ta xác định Sài Gòn là “Thủ phủ”, đóng các cơ quan đầu não của chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa; chúng sẽ tập trung binh lực ngoan cố chống cự quyết liệt, mặc dù tinh thần sĩ quan, binh sĩ đã hoang mang, dao động cực độ. Vì vậy, ta tập trung lực lượng mạnh, áp đảo địch chưa từng có, ta tập trung chủ lực gấp địch 1,7 lần, số đơn vị tập trung gấp 3 lần.

Với nghệ thuật tạo ưu thế về lực lượng hợp lý, khoa học đã hình thành nên các binh đoàn chủ lực cơ động có sức tiến công rất mạnh, tốc độ tiến công cao, đánh địch với ưu thế hơn hẳn và hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch với thời gian ngắn nhất.

Thứ ba, nghệ thuật phát huy sức mạnh hiệp đồng quân, binh chủng trong tác chiến quy mô lớn. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đã sử dụng và phát huy tốt tác chiến hiệp đồng các quân, binh chủng trên quy mô lớn, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các binh đoàn chiến lược, đưa khả năng đánh tiêu diệt lên trình độ cao, tiêu diệt và đập tan từng sư đoàn, quân đoàn chủ lực địch, đập vỡ từng mảng lớn trong hệ thống phòng thủ, phòng ngự chiến lược của chúng.

Bộ đội tăng-thiết giáp cùng với bộ binh đột kích, dẫn đầu các đơn vị thọc sâu đánh chiếm mục tiêu quan trọng và truy kích địch. Bộ đội đặc công luồn sâu, đánh hiểm vào các mục tiêu quan trọng trong thành phố, đánh chiếm và bảo vệ các đầu cầu, bảo đảm cho các đơn vị thọc sâu đánh chiếm mục tiêu theo hiệp đồng chiến dịch. Bộ đội phòng không bắn máy bay bảo vệ vùng trời, hành tiến bảo vệ đội hình chiến dịch, đánh địch đổ bộ đường không, địch mặt đất, mặt nước. Bộ đội pháo binh phát huy sức mạnh hỏa lực, tích cực chi viện cho bộ binh, xe tăng tiến công địch theo kế hoạch.

Bộ đội không quân phục vụ đắc lực cho việc vận chuyển, phục vụ chỉ huy; đặc biệt là đánh một trận bí mật, bất ngờ vào sân bay Tân Sơn Nhất, thực hiện hiệp đồng tác chiến quân binh chủng trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Các binh chủng như công binh, thông tin, vận tải được sử dụng đúng chức năng, đã phát huy hết khả năng và sức mạnh bảo đảm cho chiến dịch phát triển nhanh nhất.

Thứ tư, nghệ thuật kết hợp giữa tiến công với nổi dậy, nổi dậy với tiến công ở cả rừng núi, nông thôn, đồng bằng và đô thị. Đây là bài học sáng tạo về nghệ thuật kết hợp giữa những đòn tiến công quân sự bằng các trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn của bộ đội chủ lực với sự nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng cách mạng, đập tan bộ máy kìm kẹp của ngụy quyền ở địa phương, cơ sở để giành quyền làm chủ.

Về phương thức giành thắng lợi, ta chủ trương “tiến công quân sự phải đi trước một bước để hỗ trợ và kết hợp với nổi dậy của quần chúng” nhằm tiêu diệt địch và giành quyền làm chủ, tạo sức mạnh áp đảo quân địch. Trong đó, tiến công quân sự của bộ đội chủ lực tạo thuận lợi, “khêu ngòi” để quần chúng nhân dân nổi dậy đấu tranh làm cho tinh thần binh lính địch hoang mang, dao động, mở ra thế tiến công và điều kiện thuận lợi để lực lượng vũ trang ta đánh tiêu diệt địch, giành thắng lợi lớn.

Thứ năm, nét độc đáo về nghệ thuật chỉ đạo vận dụng chiến thuật linh hoạt, sáng tạo để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến dịch. Trong trận quyết chiến chiến lược mùa Xuân 1975, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh chiến dịch đã chỉ đạo vận dụng linh hoạt, sáng tạo các loại hình chiến thuật như điều khiển địch, lừa địch, nhử địch vào kế của ta mà đánh; đánh địch cả trong công sự và ngoài công sự, trên các loại hình rừng núi, nông thôn, đồng bằng, đô thị...

Đặc biệt là sự thành công của tác chiến hiệp đồng binh chủng đánh vào thành phố, thị xã và căn cứ quân sự lớn với các hình thức: Tiến công địch trong các căn cứ, thị xã, thành phố lớn, tiến công hành tiến, vận động tiến công, đánh địch đổ bộ đường không, truy kích địch trong điều kiện có thời gian chuẩn bị và không có thời gian chuẩn bị đã phát triển vượt bậc và đạt hiệu suất chiến đấu cao.

Phát huy những bài học kinh nghiệm của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện, có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao; xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại để quân đội thực sự là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.

Thượng tướng, Viện sĩ, TS Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
.
.
.