Nên giao Chính phủ quyết định lộ trình nghỉ hưu phù hợp với ngành nghề, tính chất công việc

Chủ Nhật, 27/10/2019, 08:29
Ngày 23-10 vừa qua, Quốc hội dành trọn một ngày thảo luận về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đây là bộ luật lớn, tác động đến hàng chục triệu người lao động trên cả nước nên thu hút sự quan tâm không chỉ của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) mà còn của người lao động, người sử dụng lao động, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý...


Một trong những nội dung được sửa đổi, bổ sung được dư luận chú ý là vấn đề điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về việc nên giữ nguyên hay tăng tuổi nghỉ hưu, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu như thế nào cho phù hợp, có nên quy định lộ trình chung cho tất cả các nhóm đối tượng lao động...

Kết lại nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, đối với các nội dung còn ý kiến khác nhau nhiều như vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu sẽ được xin ý kiến các vị ĐBQH trước khi biểu quyết thông qua dự án luật. 

Để cung cấp cho độc giả cái nhìn bao quát, nhiều chiều về vấn đề, trong Chuyên mục “Trò chuyện chủ nhật” phóng viên (PV) Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (TP Hà Nội) và ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính.

PV: Xin đại biểu cho biết quan điểm về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu?

ĐBQH Nguyễn Hữu Chính: Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đã nêu rõ, “điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn, có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động, bảo đảm về số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số, bình đẳng giới, cân đối Quỹ BHXH dài hạn, xu hướng già hoá dân số”... Trên tinh thần nghị quyết, Chính phủ đã đề xuất điều chỉnh mức tăng tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi và nữ là 60 tuổi. Tôi đồng ý với dự thảo bởi một số lý do:

Thứ nhất, tình trạng già hoá dân số, sự cải thiện về sức khoẻ, tinh thần và tuổi thọ của người Việt Nam. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số cao trên thế giới, năm 2017 người cao tuổi chiếm 11,9% trong tổng số dân số, dự thảo Báo cáo của Tổng cục Thống kê đến năm 2038 nhóm dân số trên 60 tuổi khoảng 21 triệu người. Đến năm 2050 cứ 4 người thì có 1 người 60 tuổi trở lên (khoảng 27 triệu người). Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay, nam là 72,1 và nữ là 81,3, trong khi tuổi nghỉ hưu tương đối thấp so với thế giới, sự biến động của dân số này sẽ tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội nếu không có chính sách pháp luật điều chỉnh phù hợp.

Thứ hai, theo Tổ chức Lao động quốc tế, Việt Nam cần phải tính toán cân đối Quỹ BHXH vì tuổi thọ trung bình đang tăng lên, trong khi thời gian đóng BHXH và tuổi nghỉ hưu giữ nguyên, thời gian hưởng lương kéo dài thì ngân sách của quỹ khó đảm bảo chi trả. Do đó, đòi hỏi việc xây dựng chính sách cân đối Quỹ BHXH hợp lý giữa thời gian đóng BHXH và thời gian hưởng lương hưu là cần thiết.

Thứ ba, theo số liệu thống kê của thế giới, tuổi nghỉ hưu của đa số các quốc gia có xu hướng tăng, tại Đức tuổi nghỉ hưu thực tế là 62 và Chính phủ Đức đã đề xuất từng bước tăng tuổi nghỉ hưu với lộ trình 65 đến 67 tuổi vào năm 2029 và tăng lên 69 tuổi vào năm 2060. Tại Nhật Bản, Chính phủ đã và đang hối thúc các công ty thực hiện nỗ lực nhằm đảm bảo công việc cho người lao động tới 70 tuổi. Ngay tại Singapore, Chính phủ đã nâng tuổi nghỉ hưu chính thức từ 60 lên 62 tuổi.

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương.

ĐBQH Bùi Văn Phương: Theo quan điểm của tôi, các lý do để tăng tuổi nghỉ hưu chưa phù hợp. Nếu nói rằng tăng tuổi nghỉ hưu vì lo ngại thiếu lao động trong tương lai thì chưa đủ sức thuyết phục bởi lẽ hiện nay mỗi một năm số người bước ra thị trường lao động khoảng 1,2 triệu do tăng dân số khoảng hơn 1,1%. Nhưng trong thực tế số lao động thất nghiệp nhiều, cao đẳng, đại học hơn 200.000 người ra trường chưa lo được việc, như vậy nếu thiếu lao động thì không chính xác. Đặc biệt, do chúng ta lo xa chuyện thiếu lao động trong tương lai nên đã định hình lại chính sách phát triển dân số. Trước đây mỗi gia đình chỉ có từ 1-2 con, bây giờ mỗi gia đình nên có 2 con, tức đã chủ động điều chỉnh.

Bên cạnh đó, chúng ta nói lo thiếu lao động, nhưng khi khoa học kỹ thuật phát triển, công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo thì lao động cần con người trực tiếp dần dần mất đi, cho nên lo ngại về thiếu lao động chưa đủ sức thuyết phục về mặt thực tiễn. Về an toàn quỹ BHXH, thực ra chúng ta đã nhận thấy điều này và đã chủ động sửa Luật BHXH theo nguyên tắc đóng và hưởng.

Thêm nữa, chúng ta không nên so sánh là nước ngoài họ cũng thế, so sánh như thế là bất cập, bởi vì nước ngoài điều kiện lao động của họ khác, thể lực của người nước ngoài họ khác mình. Cũng phải nói thêm là mỗi một lần điều chỉnh nâng tuổi lên ở các nước cũng không phải là chuyện phẳng lặng, cũng đều nổ ra các cuộc biểu tình. Vì vậy, khi Quốc hội quyết định cuối cùng nên lắng nghe những tiếng nói của thực tế, bởi vì chủ sử dụng lao động cũng không muốn sử dụng lao động già và người lao động cũng cảm thấy vượt ngưỡng tuổi ấy cũng không thể làm được.

Chẳng hạn, bản thân người lao động cũng không muốn làm vượt tuổi 55, chủ sử dụng lao động cũng không muốn sử dụng những người này. Vậy bây giờ mình quyết thế nào, chẳng nhẽ mình lại dùng quyền lực của Quốc hội bắt phải chịu? Đây là vấn đề cần nghĩ đến.

PV: Có ý kiến cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ hạn chế cơ hội tiếp cận việc làm của lao động trẻ, tạo điều kiện cho một số cán bộ “giữ ghế”, cũng như ảnh hưởng đến sức khoẻ của người lao động trong một số ngành nghề độc hại, nguy hiểm...

ĐBQH Nguyễn Hữu Chính: Qua thực tế nhận thấy nhiều người lao động cao tuổi trong một số lĩnh vực khoa học, kỹ thuật hầu hết là người có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực họ được làm sau hàng chục năm công tác, đây là nguồn chất xám vô cùng quý giá không dễ gì tìm được. Mặt khác, đối với lao động trẻ hiện nay chính sách nhà nước khi quy hoạch, bổ nhiệm chức vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý có xu hướng lùi độ tuổi xuống trẻ hơn trước, do vậy vẫn đảm bảo tận dụng được nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm và chọn lọc những nhân tố trẻ có tài và triển vọng phát triển.

Giải quyết vấn đề này, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng đã lường trước và cho phép người lao động có thể được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều 169, trừ trường hợp pháp luật quy định khác và quyền nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không được quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 điều này. Như vậy, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là một bước cần thiết và cần được luật hoá để phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

ĐBQH Bùi Văn Phương: Như tôi đã nói, hằng năm chúng ta có khoảng 200.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng không có việc làm, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu đương nhiên sẽ làm mất cơ hội việc làm của một bộ phận người lao động, trong đó đặc biệt là những người trẻ tuổi. Đối tượng trẻ tuổi thất nghiệp sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ khác mà có khi nhà nước, xã hội sẽ phải đầu tư nhiều nguồn lực, nhân lực, vật lực để khắc phục.

PV: Về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa ra 2 phương án. Phương án thứ nhất đề xuất quy định cụ thể về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Phương án thứ hai, đề xuất giao cho Chính phủ quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Đại biểu sẽ chọn phương án nào và vì sao lại như vậy?

ĐBQH Nguyễn Hữu Chính: Việc quy định lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu được áp dụng chung với tất cả lĩnh vực như phương án 1 theo tôi là chưa phù hợp, cần phải có lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu khác nhau theo từng điều kiện của từng ngành nghề, tính chất công việc, từng lĩnh vực. Do đó, theo tôi nên chọn phương án hai, giao Chính phủ quyết định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn cung - cầu của thị trường lao động, xu hướng già hoá dân số...

ĐBQH Bùi Văn Phương: Tôi cũng đồng ý phương án 2, trong lộ trình chung sẽ hướng tới sự tăng tuổi, nhưng tăng ở mức nào và đối với đối tượng nào thì nên để Chính phủ quy định linh hoạt, vì đến lúc ấy dự báo thấy thị trường lao động thiếu thì Chính phủ sẽ quyết định kéo dài tuổi nghỉ hưu như thế nào.

Trân trọng cảm ơn các đại biểu về cuộc trò chuyện!

Khoảng 3 triệu người lao động nặng nhọc, độc hại được nghỉ hưu sớm

“Đối với nhóm người lao động nghỉ hưu sớm, nhất là lĩnh vực lao động nặng nhọc, độc hại, làm nghề đặc biệt nặng nhọc độc hại, hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiến hành lấy ý kiến các bộ, ngành, các địa phương và các tập đoàn, doanh nghiệp, xác định 1.810 ngành nghề, lĩnh vực và công việc nặng nhọc, độc hại, với số lượng khoảng trên 3 triệu người. 

Theo đó, với số lượng này đương nhiên 3 triệu người này sẽ thuộc nhóm nghỉ hưu sớm. Nếu nhóm này cộng thêm điều kiện nữa là suy giảm thì đương nhiên họ sẽ được nghỉ, thậm chí tới 10 năm”. 

(Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình thêm tại phiên họp)

Bảo Quân (thực hiện)
.
.
.