Một quyết định hợp lòng dân

Chủ Nhật, 25/12/2016, 08:26
Thời gian gần đây, Đảng nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cụ thể để đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ngày 20-12 vừa qua, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TƯ về việc tổ chức Tết năm 2017 trong đó có nội dung yêu cầu các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp Tết, dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách. 

Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm việc sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động trong dịp Tết, lễ hội…

Nhiều năm nay, Ban Bí thư đều có chỉ thị yêu cầu đẩy mạnh tiết kiệm, chống lãng phí trong dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt, từ đầu năm 2016 đến nay, Đảng, Nhà nước đã triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách để nâng cao tính tiết kiệm, chống lãng phí chăm lo cho nhân dân.

Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11-2016 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng  yêu cầu "không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành" và "lãnh đạo các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết".

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội; quản lý chặt chẽ chi tiêu ngân sách mua sắm và sử dụng tài sản công, xe ôtô công, tiếp khách, tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước…             

Chính vì vậy, việc Ban Bí thư ban hành chỉ thị không bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán năm 2017 là việc làm hết sức cần thiết, đúng đắn và hợp lòng dân. Chỉ thị trên đã lập tức nhận được sự hưởng ứng của các địa phương và sự đồng tình ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ngày 23-12, Giám đốc Sở VHTT& DL TP Hà Nội Tô Văn Động cho biết, TP Hà Nội đã quyết định bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán 2017 với 6 điểm tầm cao, 24 điểm tầm thấp, chi phí khoảng 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Ban Bí thư vừa yêu cầu các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp Tết, dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách, vì vậy TP Hà Nội sẽ nghiêm túc thực hiện chỉ thị này.

Tại TP Đà Nẵng, ngày 23-12, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng cũng đã có văn bản thông báo kết luận của thường trực Thành ủy thống nhất chủ trương không tổ chức bắn pháo hoa nhân dịp kỷ niệm 20 năm TP Đà Nẵng trực thuộc Trung ương và Tết Đinh Dậu 2017, theo tinh thần Chỉ thị số 11 của Ban Bí thư.

Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố còn ký văn bản về việc tổ chức các hoạt động và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhân dịp Tết Đinh Dậu 2017 trên địa bàn thành phố… Cùng với đó, nhiều địa phương khác như: Vĩnh Long, Đắk Lắk, TP Vũng Tàu… cũng đã lập tức hưởng ứng triển khai thực hiện Chỉ thị không bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán năm 2017 để chăm lo cho người nghèo.

Từ con số tiết kiệm khoảng 10 tỷ đồng như thông báo của TP Hà Nội, chỉ cần làm một phép tính đơn giản với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, số tiền tiết kiệm được từ việc không bắn pháo hoa là rất lớn. Cho dù số tiền đó từ nguồn ngân sách hay xã hội hóa thì việc tiết kiệm để sử dụng chăm lo đời sống người dân nghèo cũng hết sức cần thiết trong điều kiện hiện nay.

Có thể thấy rằng, ngoài việc tiết kiệm được một khoản kinh phí rất lớn, Chỉ thị của Ban Bí thư còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nhắc nhở người dân luôn thường trực tinh thần đùm bọc, sẻ chia, tương thân tương ái như truyền thống ngàn đời nay của dân tộc Việt.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham ô, lãng phí là kẻ thù của nhân dân, việc thực hành tiết kiệm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tiết kiệm, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiết kiệm cả trong sản xuất và đời sống, cả về sức lao động, thời gian, tiền của, tài nguyên… Đến nay, bài học đó vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự.

Cũng liên quan đến chủ đề này, ngày 30-10 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ phát động Tuần lễ “Hưởng ứng Ngày Tiết kiệm thế giới năm 2016 tại Việt Nam” với chủ đề “Tiết kiệm hôm nay - Tươi sáng ngày mai” nhằm cổ vũ, động viên mỗi người dân tham gia thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đề xuất sáng kiến, giải pháp tiết kiệm.

Nhìn ra các quốc gia trên thế giới, ngay đất nước láng giềng Nhật Bản. Sự phát triển thần kỳ của đất nước Nhật Bản chính là ở yếu tố “con người” và một trong những tính cách hàng đầu chính là tiết kiệm.

Nhắc đến người Nhật Bản, người ta thường nghĩ ngay đến những con người nhỏ bé ở một đất nước nghèo tài nguyên nhưng đã làm được những việc phi thường: Từ một kẻ bại trận sau Thế chiến II, bị cấm vận, bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Nhật Bản đã trở thành một cường quốc hàng đầu thế giới.

Năm nay cũng là dịp chúng ta nhìn lại 30 năm Đổi mới. Với những quyết sách mạnh mẽ, kịp thời của Đảng, sự đồng lòng chung sức của nhân dân, đất nước ta đã tiến những bước dài trong sự phát triển. Đời sống nhân dân ngày một nâng cao, đất nước có vị thế trong con mắt bạn bè quốc thế.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một tỷ lệ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội cần giúp đỡ.

Đặc biệt chỉ còn khoảng hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, tuy nhiên giờ đây đồng bào một số địa phương miền Trung đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại do lũ lụt liên tiếp.

Đã có hàng chục người chết do mưa lũ, trong đó riêng Bình Định đã có 36 người chết, hàng ngàn người mất hết tài sản. Nhiều trẻ em không còn cặp sách để đến trường.

Việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị không tổ chức bắn pháo hoa dành mọi nguồn lực để chăm lo cho đồng bào nghèo là hết sức cần thiết. Đó cũng chính là điều nhân dân mong muốn ở Đảng. Tiết kiệm những hoạt động không cần thiết, để thêm một phần quà cho người nghèo, thêm một tấm áo cho con  trẻ...

Sự thiết thực và ý nghĩa nhân văn từ chủ trương đúng đắn đó còn có sức lay động lan tỏa và lấp lánh, đẹp đẽ hơn bất cứ loại pháo hoa nào khác.

Xuân Luận
.
.
.