Phòng, chống "Diễn biến hòa bình"

Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo

Thứ Hai, 10/12/2018, 06:42
Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Đảng Cộng sản Việt Nam “cầm trịch”, dưới sự chỉ huy tối cao và trực tiếp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã được đẩy lên một cao trào xưa nay chưa từng thấy, với những kết quả bước đầu làm nức lòng người dân cả nước, được dư luận trong và ngoài nước đồng tình, đánh giá cao.


Trong các cuộc tiếp xúc cử tri thời gian gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã ít phải nghe những lời “mách gọi”, “kêu cầu” như trước, thay vào đó là những lời ngợi ca, cổ vũ. Ngay cả trên các trang mạng xã hội, khi bức xúc một vụ việc, một cá nhân nào đó, “chủ nhà” giờ thường buông lời mong mỏi đối tượng sớm “vô lò bác Trọng”.

Điều này chứng tỏ người dân đã thực sự tin vào sức mạnh và sự quyết tâm của người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta trong công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Đi ngược dòng chảy chung của dư luận, các thế lực thù địch và cơ hội chính trị lại tìm mọi cách để bẻ queo kết quả, nỗ lực này của Đảng, Nhà nước ta. Nếu như trước đây, khi ta xử lý cán bộ ở cấp “vừa vừa”, họ nói ta làm “màu”, chỉ “tắm từ vai xuống”, thì nay, khi hàng loạt cán bộ cấp Trung ương, thậm chí cấp Bộ Chính trị bị xử lý mạnh tay, họ quay ra “lái” sự việc sang thành trong nội bộ Đảng, Nhà nước Việt Nam đang có “cuộc chiến phe nhóm”; rằng ai đó thuộc nhóm “ông này” thì tất sẽ bị xử lý; còn thuộc nhóm “ông khác” thì dù sai phạm thế nào cứ là “bình chân như vại”.

Vụ nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh bị Đảng kỷ luật bằng hình thức khiển trách ngày 27-11-2018 vừa rồi được họ nêu ra như là một “ví dụ”.

Theo bài viết “Tại sao cựu Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bị kỷ luật?” của tác giả ký tên Kính Hòa, được đăng tải trên trang điện tử của Đài Châu Á tự do (RFA) ngày 28-11-2018 thì lý do mà Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra để “khiển trách ông Vinh là khi còn đương chức Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông đã thiếu trách nhiệm để xảy ra việc tập đoàn viễn thông của nhà nước MobiFone mua 95% cổ phần một công ty tư nhân tên là Tập đoàn nghe nhìn toàn cầu (viết tắt là AVG).

Việc mua bán này, xảy ra vào năm 2015, được cho là có khuất tất khi MobiFone mua AVG với giá cao hơn giá thị trường”.

Còn theo tác giả này, đây mới là lý do “thực” mà ông Bùi Quang Vinh bị Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ luật - ở đây tác giả mượn lời luật sư Trần Quốc Thuận (mà theo tác giả Kính Hòa giới thiệu là “từng giữ chức Chánh Văn phòng Quốc hội Việt Nam”) nhận xét về ông Bùi Quang Vinh: “Nói đến anh Vinh thì người ta nghĩ đến thời còn đương chức, anh ấy có những phát biểu mạnh mẽ, anh ấy hay nói chủ nghĩa xã hội là cái gì, nó không phải là cái gì cả, mà sao cứ đi tìm? Phát biểu như vậy không phù hợp với quan điểm chính thống tại Việt Nam hiện nay”.

Không dừng ở đó, tác giả Kính Hòa còn dẫn lời của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, rằng do trong Đại hội Đảng vừa rồi, ông Bùi Quang Vinh có phát biểu nhiều điều “không hợp ý ông Trọng” (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) nên ông Trọng “phải dọa”, “phải đánh” thôi. Cũng theo ý ông Nguyễn Quang A, việc kỷ luật ông Vinh “là lời cảnh cáo cho các viên chức có khuynh hướng chính trị khác với ông Nguyễn Phú Trọng”.

Cách “bình luận”, suy xét sự việc kiểu trên, đối với những ai am hiểu tình hình thời sự trong nước, biết tôn trọng sự thật… hẳn sẽ thấy rất khập khiễng và…nực cười! Trước hết, phải nói lại là: Ông Trần Quốc Thuận chưa bao giờ giữ chức Chánh Văn phòng Quốc hội Việt Nam. Ông nguyên là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Và câu nói của nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh mà ông Thuận nhắc tới cũng không phải là “chủ nghĩa xã hội là cái gì, nó không phải là cái gì cả, mà sao cứ đi tìm?”. Câu nói này từng được đưa dẫn trên một số trang báo trong nước, trong đó có Thời báo Kinh tế Việt Nam online số ra ngày 3-5-2014 (hiện còn lưu trên mạng) chính xác phải là: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó (tức thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa - PK), mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”.

Đối chiếu hai câu trên, dù có muốn suy luận thế nào, người đọc cũng không thể đồng nhất giữa “thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” với “chủ nghĩa xã hội”; và mấy chữ “mãi có tìm ra đâu” về tính chất cũng không thể giống như câu nói “nó không phải là cái gì cả”.

Điều quan trọng hơn tôi muốn nêu ra ở đây: Phát ngôn nói trên của ông Bùi Quang Vinh chỉ là quan điểm riêng của cá nhân ông, và dù theo như một số người nhận xét, nó chưa được “đúng mực” với một người đang giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, song thực tế là sau đó, ông Vinh vẫn điều hành công việc bình thường, chẳng hề hấn gì, và các báo chính thống của Việt Nam đưa dẫn lại câu nhận xét này của ông Vinh cũng chưa báo nào bị “nhắc nhở” gì.

Bởi vậy, việc ghép câu nhận xét trên của ông Vinh vào việc ông bị kỷ luật khiển trách trong vụ MobiFone mua AVG với giá cao hơn giá thị trường, từ đó cho rằng ông bị “đánh”, bị “cảnh cáo về khuynh hướng chính trị” là một sự suy diễn vô cùng khập khiễng, nếu không muốn nói là một sự xuyên tạc nhằm phục vụ những mưu đồ xấu về chính trị. Vả chăng, nhận xét ông Vinh bị kỷ luật vì “khuynh hướng chính trị khác với ông Nguyễn Phú Trọng” (như ông Nguyễn Quang A nhận xét) thì lý giải sao việc: Liên quan tới vụ MobiFone mua AVG, ông Trương Minh Tuấn (người mà ông Nguyễn Quang A xếp vào “nhóm thân cận” với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) đã bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo, cho thôi giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin - Truyền thông; bị Quốc hội miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông?

Nên nhớ, ông Trương Minh Tuấn trước đó là người chủ biên cuốn “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay” (sách do NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành), một cuốn sách có quan điểm chính trị rất đúng với tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vậy tại sao ông Trương Minh Tuấn vẫn bị kỷ luật?

Phải chăng, theo ông Nguyễn Quang A và các ông Kính Hòa, Trần Quốc Thuận, mức kỷ luật đối với một người đang là đương kim Bộ trưởng như vậy là nhẹ hơn mức khiển trách một người nguyên là Bộ trưởng? (điều rất đáng ngạc nhiên là, trong bài viết nói trên, ông Nguyễn Quang A còn nhận định ông Trương Minh Tuấn “không bị suy suyển gì, dù có bị mất chức bộ trưởng” - một nhận xét kỳ quặc, không ai hiểu nổi!).

Thế mới biết, khi người ta có chủ ý bài bác, phủ nhận một cá nhân hay một chính thể thì dù cứ liệu mười mươi như vậy, họ vẫn cứ muốn suy diễn, suy luận theo cách của mình nhằm “đảo chiều” dư luận, khiến dư luận hiểu lệch vấn đề, tính chất sự việc. Các cụ ta vẫn nói “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo” là vậy!

Phạm Khải
.
.
.