Luận điệu cũ mèm của các “thầy phán” chuyên quy chụp, phỉ báng nền tư pháp Việt Nam

Thứ Hai, 28/05/2018, 08:10
Mấy ngày gần đây, mạng xã hội rộ lên trào lưu chém gió của các “thầy phán” xung quanh một số phiên toà hình sự, điển hình là phiên toà phúc thẩm xử vụ dâm ô trẻ em ở Bà Rịa – Vũng Tàu; phiên toà sơ thẩm xử vụ chạy thận làm 9 người chết ở Hoà Bình.


Đây là hai phiên toà hình sự ở hai địa bàn khác nhau, nội dung xét xử cũng khác nhau nhưng thu hút dư luận do tính chất đặc biệt của vụ án. Ở phiên toà phúc thẩm xử bị cáo Nguyễn Khắc Thuỷ về tội dâm ô với trẻ em, dư luận bức xúc do phán quyết của phiên toà không đúng với bản chất vụ án, có dấu hiệu bao che tội phạm.

Bị cáo Nguyễn Khắc Thuỷ có hành vi dâm ô với trẻ em (trẻ em là chủ thể được pháp luật ưu tiên bảo vệ) nhưng bị cáo lại nhận được sự khoan hồng từ những tình tiết vô lý như: do là cán bộ ngân hàng có nhiều đóng góp…

Trong khi, đây là vụ án dư luận rất quan tâm do hành vi phạm tội xảy ra một thời gian dài nhưng vụ án “ngủ quên”, chỉ đến khi Chủ tịch nước có yêu cầu thì vụ việc mới được đốc thúc, làm rõ. Ngay cả bản án 3 năm tù giam do cấp sơ thẩm tuyên trước đó cũng đã bị coi là nhẹ thì đến phiên sơ thẩm, việc toà tuyên bị cáo Thuỷ 18 tháng tù treo giống như châm mồi lửa khiến dư luận phẫn nộ.

Phiên toà sơ thẩm xử vụ chạy thận làm 9 người chết tại Hoà Bình

Trong khi đó, ở phiên toà sơ thẩm xử vụ chạy thận làm 9 người chết tại Hoà Bình, vụ án là nỗi đau lớn trong ngành Y khi hậu quả gây ra quá lớn, cùng nỗi đau các gia đình có người thân bị thiệt mạng còn là niềm tin vào y học nước nhà, vào trách nhiệm, trình độ và y đức của bác sĩ. Việc điều tra, xét xử vụ án cũng chính là sự cảnh tỉnh cho vấn đề chăm sóc, chữa bệnh ở nước ta hiện nay. 

Cả hai vụ án trên rõ ràng khác nhau về bản chất, về con người và cũng không có mối liên quan chủ yếu nào cả. Thế nhưng, mạng xã hội và báo chí lại rộ lên với những kiểu phán xét, chỉ trích, bới móc tràn lan. Trong phiên toà xử vụ dâm ô ở Bà Rịa - Vũng Tàu, sự ức chế, bức xúc là điều dễ hiểu do toà viện dẫn những căn cứ không đúng để áp dụng các tình tiết giảm nhẹ khiến dư luận đặt nghi ngờ “có vấn đề” từ những người cầm cân công lý (hiện thẩm phán phiên xét xử đã bị đình chỉ, toà cấp cao đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tuyên huỷ án để xét xử lại). Tuy nhiên, vấn đề ở đây là từ một vụ án cụ thể tại Vũng Tàu, nhiều người đã chế tác các hình minh hoạ, các câu chuyện châm biếm, đả kích không chỉ nhằm vào thẩm phán xét xử vụ án mà châm biếm cả nền tư pháp Việt Nam.

Trên trang BBC, không ít luật sư, nhà nghiên cứu phán rằng, vụ xét xử dâm ô ở Bà Rịa – Vũng Tàu là “thảm họa ngành tư pháp” và đây là chỉ dấu cho thấy nền tư pháp Việt Nam “tha hóa trầm trọng”! Từ ngữ thoái mạ tư pháp Việt Nam, trong đó gồm cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án được những trang mạng này thoái mạ, miệt thị kèm hình ảnh, đồ họa, từ đó tỏ ý “thương thay cho dân nghèo”, nêu những quan điểm từ Mỹ, Pháp, Đức để đánh giá tư pháp Việt Nam “mất dân chủ”. Một luật sư phán trên bbc rằng: “Đó là là sự xuống cấp của xã hội Việt Nam bây giờ, rất nặng nề. Không chỉ một vụ này mà còn những vụ khác nữa. Đó là điều đau buồn. Một xã hội xuống cấp toàn diện”. 

Rõ ràng, từ một vụ án cụ thể ở Bà Rịa – Vũng Tàu mà thoá mạ bản chất nền tư pháp Việt Nam, phỉ báng tính công minh của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án là kiểu đánh đồng, vơ đũa cả nắm, kiểu nhìn hiện tượng chửi bản chất rất nguy hại. Phiên tòa với bản án được tuyên là bất hợp lý nhưng làm sao có thể nhìn một việc để nói bản chất, thoá mạ chế độ một cách tùy tiện, vô nguyên tắc như vậy?

Đối với phiên tòa xét xử các bị cáo làm chết 9 người trong vụ chạy thận tại Hòa Bình, hành vi và tính chất vụ án đã được nêu rõ trong cáo trạng. Đây là vụ án gây chấn động dư luận và chính các cơ quan báo chí, luật sư, rất nhiều cơ quan, ban ngành đề nghị phải điều tra, xử lý nghiêm minh các cá nhân sai phạm.

Một trong các bị cáo là Hoàng Công Lương (32 tuổi, HKTT Quốc Oai, Hà Nội, là bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Đơn nguyên thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) đã bị truy tố trước tòa. Thế nhưng, kể từ khi bác sĩ Hoàng Công Lương bị khởi tố, truy tố tới quá trình xét xử, nhiều báo chí và mạng xã hội tìm mọi lý do biện minh và phê phán, chửi bới cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án khi cáo buộc, truy tố, xét xử bị cáo này.

Thật lạ là tất cả những lý lẽ buộc tội bị cáo Hoàng Công Lương lại bị các trang báo chí, mạng xã hội này tìm cách tẩy chay, trong khi căn cứ gỡ tội dù không rõ ràng cũng được họ viện dẫn, bảo vệ. Chưa có phiên tòa nào mà trong những ngày xét xử, cùng hoạt động tại phiên tòa thì số bài báo và mạng xã hội cổ súy, bảo vệ bị cáo Hoàng Công Lương lại lớn và xuyên suốt đến như vậy, họ mặc nhiên phán quyết như một thẩm phán.

Cùng việc gỡ tội cho bị cáo Hoàng Công Lương, số này ra sức miệt thị, chửi bới cơ quan bảo vệ pháp luật Hòa Bình, thoá mạ cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, trong khi nỗi đau 9 gia đình có người thân bị thiệt mạng không được nhắc đến, họ coi như cơ quan tư pháp của Hòa Bình là đối tượng đấu tranh, là “thủ phạm”.

Thậm chí, có nhiều nhà báo viết trên facebook rằng, họ sẽ “đâm đầu xuống đất” nếu tòa kết tội ông Hoàng Công Lương, coi đó là “ô nhục của nền tư pháp”. Họ mặc nhiên phân tích như một luật gia thực thụ, trong khi những nhà báo này thực sự chưa qua trường lớp về luật, không nắm rõ quy định Bộ luật Hình sự, Tố tụng hình sự nhưng cứ phán “như đúng rồi”!

Bác sĩ Hoàng Công Lương có tội hay không có tội, mức độ ra sao, tòa phải qua quá trình xét xử để làm rõ, vậy mà một số nhà báo, luật sư lại phán như tuyên án trên trang báo, trang facebook cá nhân của mình, thoá mạ cả nền tư pháp và tự coi mình giỏi như... Bao Thanh Thiên!

Nền tư pháp Việt Nam đang trong quá trình xây dựng, cải cách, hiển nhiên có những thứ kế thừa từ ông cha, cũng có thứ phải nắn chỉnh. Một nền tư pháp độc lập là nền tảng cho sự thịnh vượng bởi nền tư pháp độc lập là một quyền cơ bản của con người mà tất cả các thành viên của Liên hợp quốc phải đảm bảo cho công dân của mình.

Công dân mong đợi các thẩm phán đưa ra phán quyết chỉ dựa trên sự thật và pháp luật mà không chịu ảnh hưởng bởi bất kì tác động bất hợp pháp nào. Khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đảm bảo cho sự độc lập của các hoạt động tư pháp, được thể hiện rõ trong Hiến pháp, luật và nghị quyết của Đảng.

Theo Nghị quyết 49-NQ/TW năm 2005 của Bộ Chính trị thì “phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm quyền hạn tư pháp trong hoạt động tố tụng tư pháp theo hướng tăng quyền và trách nhiệm cho điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán để họ chủ động trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi và quyết định tố tụng của mình”. 

Hiến pháp 2013 quy định: “Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm” (Điều 103, Khoản 3). Còn theo Bộ luật Tố tụng Hình sự, khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật (Điều 16).

Đó là nguyên tắc được luật hóa. Đương nhiên, trong thực tiễn, ở nơi này hay nơi khác còn những hiện tượng sai lệch đòi hỏi phản nắn chỉnh, phải xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức sai phạm. Tuy nhiên, không thể dựa vào những sai phạm cá nhân, sai phạm từng sự vụ để thoá mạ, phỉ báng cả nền tư pháp Việt Nam, phỉ báng chế độ...

Đăng Minh
.
.
.