Lộng hành quyền lực sẽ dẫn đến tha hóa sự chính danh của Đảng

Chủ Nhật, 13/05/2018, 11:02
Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” được Hội nghị Trung ương bảy khóa XII bàn thảo kỹ lưỡng, đồng thời cũng là nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm.


Phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Cà Mau xung quanh vấn đề này.                          

PV: Theo ông, làm thế nào để nhận diện cán bộ cấp chiến lược?

ĐBQH Lê Thanh Vân: Cán bộ cấp chiến lược là những người có năng lực tư duy vượt trội; có khả năng tổng kết thực tiễn; có khả năng tổ chức lực lượng để triển khai đường lối, chính sách chiến lược trong thực tiễn; có lòng tự trọng và liêm sỉ; tâm huyết, dốc lòng, dốc sức đem hết khả năng cống hiến, phụng sự cho Tổ quốc và nhân dân mà không màng đến lợi ích cá nhân và gia đình. Có nhân tài, có cán bộ chiến lược đích thực sẽ có đường lối đúng đắn, mở ra con đường phát triển, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội.

Trong công tác cán bộ, chúng ta đang nhầm lẫn nhiều cái. Thứ nhất là nhầm lẫn cán bộ chiến thuật với cán bộ chiến lược. Chiến lược hay chiến thuật đều là thuật ngữ quân sự, trong đó chiến lược chỉ tầng lớp hoạch định, thao lược về mặt tác chiến, là những người “ngồi một chỗ mà định việc ngàn dặm giang sơn” như ông Nhị Lê nói. 

Ông Lê Thanh Vân.

Ra ngoài xã hội thì những thuật ngữ này chỉ tầng lớp tinh hoa, hoạch định đường lối, chủ trương, họ là những chính trị gia. Chiến thuật thì chỉ đội ngũ tác chiến, điều hành, chấp hành cụ thể, đưa ra những giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu quản lý, lãnh đạo. Hai người này là hai người có năng lực, tố chất khác nhau, nhưng chúng ta đang đồng nhất. Tất nhiên, chúng ta không tuyệt đối bởi vì có những người có cả hai tố chất, nhưng không nên đồng nhất là một.

Cái nhầm lẫn thứ hai, hễ anh có kiến thức chuyên ngành nào khi có thành tích trong hoạt động, được cơ cấu vào lãnh đạo của ngành ấy thì sẽ trở thành lãnh đạo. Một nhà khoa học giỏi chưa hẳn đã trở thành một nhà lãnh đạo, quản lý giỏi. Vì lãnh đạo thì phải viễn kiến xa, nhận định về quy luật vận động của sự vật, hiện tượng ở một tầm xa hơn rất nhiều, nhìn thấu được quy luật sinh tử của vạn vật. 

Một cán bộ điều hành quản lý chưa hẳn đã trở thành một chính trị gia hoạch định chính sách; một nhà khoa học hay cán bộ phong trào, doanh nghiệp chưa hẳn trở thành cán bộ quản lý giỏi, điển hình là trường hợp của ông Đinh La Thăng…

PV: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ tại hội nghị phải khắc phục tình trạng “chạy chức, chạy quyền”. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

ĐBQH Lê Thanh Vân: Tổng Bí thư và đồng chí Trưởng ban Tổ chức Trung ương gần đây cũng nói rằng, phải làm sao đó để người ta không cần, không muốn, không dám và không thể “chạy chức, chạy quyền”. Phải giải được bài toán đó.

Thứ nhất, để không cần “chạy chức, chạy quyền” phải có “Chiếu cầu hiền”, người có tài thì được mời ra giúp dân, giúp nước. Từ kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá 13, tôi đã đề cập vấn đề này, phải có “Chiếu cầu hiền” là Luật trọng dụng nhân tài. Người tài có lòng tự trọng, có liêm sỉ, sẽ không cần “chạy chức, chạy quyền”.

Thứ hai là “không muốn”. Phải xây dựng một cơ chế để họ tiết chế lòng tham. Phàm những cái nào người ta muốn chính là cái người ta thiếu, người ta cần. Còn nếu xây dựng được cơ chế không có gì kích động vào lòng tham của người ta nữa thì người ta không muốn. Phải bãi bỏ tất cả đặc quyền, đặc lợi của quan chức, như chế độ đất hai giá, đi máy bay hạng thương gia… 

Chỉ riêng các chức vụ “tứ trụ” do địa vị, ảnh hưởng của họ, đối nội, đối ngoại mới nên có biệt đãi, điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Còn tất cả cán bộ các cấp đều nên bãi bỏ đặc quyền đặc lợi, cách ly lợi ích vật chất thì người ta sẽ không muốn nữa. Khi đó người ta vì lòng yêu nước mà cống hiến chứ không vì gì khác.

Thứ ba, không thể “chạy chức, chạy quyền” nếu người ta không đủ điều kiện. Chẳng hạn bây giờ bảo một người nếu nhảy qua được rãnh nước rộng 3m thì sẽ cho 1 triệu đồng. Người đó muốn lắm, nhưng sức lực có hạn, không thể vượt qua được. 

Ví von như vậy để thấy rằng, chúng ta phải đặt ra các tiêu chí định lượng, rõ ràng, nhìn thấy được mà những kẻ bất tài không thể bước qua. Họ có dùng tiền, dùng quan hệ cậy nhờ, mua bán cũng không được vì lưới pháp luật giăng ra, sự trừng phạt của pháp luật có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.

Chứ bây giờ đưa ra tiêu chí bằng cấp họ sẽ đi mua bằng cấp, họ sẽ mượn bằng cấp người khác thay tên mình, sửa đổi lý lịch… Có người từng là Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ lấy bằng người khác sửa tên mình, bây giờ tìm không ra… Còn tiêu chí về chỉ số tín nhiệm thì họ có thể mua phiếu, vận động, đe nẹt cấp dưới, tác động đủ kiểu. Hai tiêu chí đó không chọn ra người tài được.

Cuối cùng là “không dám”. Ngăn chặn sai phạm của các cơ quan tham mưu về nhân sự, các tập thể, cá nhân quyết định quyền nhân sự. Đó là khi tập thể, cá nhân bổ nhiệm, đề cử một nhân vật mà nhân vật đó không làm được việc thì xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân ấy đến đâu. Phải xử lý hành chính, cách chức, buộc thôi việc. 

Vi phạm nhân sự như trường hợp bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh xử lý còn nhẹ và dường như chưa xử lý tới những người có quyền định đoạt việc ấy. Và đặc biệt phải coi hành vi tiến cử, bổ nhiệm nhầm người là hành vi trái pháp luật, vi phạm nghiêm trọng, tuỳ theo từng mức có thể xử nặng. 

Chẳng hạn như tiến cử người không xứng đáng, bán nước hại dân thì trách nhiệm vô cùng lớn. Lịch sử đã chứng minh, trong Quốc triều hình luật dưới triều đại nhà Lê từng quy định, nếu tiến cử nhầm người thì tội nặng có thể bị chém đầu; nhẹ thì bị đày đi châu gần, châu xa…

PV: Nhưng chọn được người tài đâu có dễ, thưa đại biểu?

ĐBQH Lê Thanh Vân: Như tôi đã nói ở trên, phải có các tiêu chí để định lượng người tài, và đi đôi với đó là có cơ chế lành mạnh, minh bạch, thi tuyển trên giấy, tranh cử, tranh luận công khai. Năng lực, tài năng của anh tiết lộ trước con mắt nhiều người và chỉ có tự thân anh mới chứng minh anh được thôi. Việc thi tuyển trên giấy trong thời kỳ phong kiến nước ta làm rồi, còn việc vận động tranh cử thì đã là chuyện bình thường ở các nước phương Tây. Đó là những con đường cho các vị hiền tài xuất thân…

Tìm được người tài rồi thì phải trọng dụng. Có hiện tượng như thế này, có những vị có rất nhiều người tài xung quanh nhưng không để ý đến họ. Khi cần công việc thì giữ họ, dựa vào họ, nhưng đến lúc bổ nhiệm lại bổ nhiệm người chăm sóc, thân cận, “điếu đóm” cho mình để sau này còn chỉ huy, chi phối. Rồi không đến nhà đút lót tiền thì quên ngay. Nói ngược lại ý kiến của mình thì trù dập họ… Chỉ những vị lãnh đạo công tâm, có tài, có đức mới cầu hiền, chứ những kẻ đưa người thân thích, đưa tay chân, đưa người có tiền vào thì không phải là người tốt. Mà cái đó trong bộ máy này nhiều. Phải trừng trị làm sao để họ chấm dứt.

PV: Nói như vậy thì cần giám sát việc chọn người. Theo ông, cơ chế giám sát của ta hiện nay đã đủ chưa?

ĐBQH Lê Thanh Vân: Bác Hồ nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi việc”, “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Tất cả là do chọn người mà ra. Một căn nhà được xây dựng bằng các loại vật liệu. Vật liệu tốt thì căn nhà bền vững, trường tồn. Người đi chọn vật liệu phải có tâm trong sáng. Thay vì chọn gỗ tốt, anh lại đi chọn củi rác thì cái nhà đấy không nghiêng, đổ mới là chuyện lạ. Bộ máy Nhà nước cũng vậy, rường cột bộ máy Nhà nước chính là vật liệu để xây nên căn nhà chế độ. Nếu chọn người không tốt thì căn nhà lung lay, thậm chí sụp đổ. Đó là mối lo lớn.

Tính nghiêm minh trong xử lý cán bộ chúng ta làm chưa tốt. Tại sao vi phạm trong kinh tế, xây dựng thì những cán bộ, kỹ sư, nhà thầu cung cấp vật liệu kém chất lượng, làm sụp đổ các căn nhà chung cư, công trình xây dựng… bị khởi tố, thậm chí tử hình. Trong khi vấn đề quan trọng hơn rất nhiều lần là xây dựng bộ máy Nhà nước thì người đưa nhân sự hư hỏng, phạm tội vào trong bộ máy Nhà nước lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Nếu làm được điều này thì chính là giải pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn tình trạng lạm dụng quyền lực…

Bên cạnh giám sát phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, nếu không sẽ dẫn đến lộng hành quyền lực. Từ lộng hành quyền lực sẽ dẫn đến tha hoá sự chính danh của Đảng, làm cho niềm tin của nhân dân rơi rớt, tác động đến an nguy của chế độ.

PV: Xin cảm ơn đại biểu!

Quỳnh Vinh (thực hiện)
.
.
.